Chậm giải ngân đầu tư công: Ai đã bị xử lý trách nhiệm?
Đến hết tháng 7, giải ngân vốn đầu tư công cả nước mới đạt 32%, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái (trong khi đó, mục tiêu Chính phủ đặt ra trên 95% kế hoạch). Việc phê bình, yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm tổ chức, cá nhân chậm giải ngân đầu tư công liên tục được những người có trách nhiệm nhấn mạnh trong các chỉ đạo. Vậy những ai đã bị xử lý?
Chậm do né tránh, sợ sai
Qua 7 tháng của năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 232.000 tỷ đồng thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, với các công trình, dự án giao thông trọng điểm quốc gia, giải ngân cũng mới đạt 32,4% kế hoạch. Bộ Tài chính lưu ý, đến 31/7, cả nước còn 16 dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 15% so với kế hoạch (có 3 dự án giải ngân 0%).
Dự án giải ngân 0% gồm có cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu - Sơn La; dự án trụ sở cơ quan hải quan Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Giải ngân đầu tư công 7 tháng đầu năm nay thấp hơn cùng kỳ năm 2023. Ảnh: Trọng Tài
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), năm 2024 nhiều dự án được giao vốn lớn nhưng lại có tỷ lệ giải ngân thấp, như dự án Vành đai 3 TPHCM, dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh…
Bộ này cho rằng, tỷ lệ giải ngân những tháng đầu năm thấp đã trở thành đặc thù của đầu tư công (do tâm lý ngại giải ngân nhiều lần, ngại làm thủ tục thanh quyết toán vốn nhiều lần của cả chủ đầu tư, ban quản lý dự án và cả nhà thầu). Về cuối năm, tình hình giải ngân đầu tư công thường có xu hướng khởi sắc.
Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT cũng thừa nhận, nguyên nhân giải ngân chậm vẫn là công tác tổ chức thực hiện tại các bộ, ngành và địa phương bất cập; còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không thực hiện đầy đủ chức năng, quyền hạn trong thực thi công vụ (gây ách tắc trong công tác tổ chức thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công).
Việc phê bình, yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm trong chậm giải ngân đầu tư công liên tục được lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh trong các chỉ đạo. Cơ quan tham mưu như Bộ KH&ĐT đã đề xuất một trong những giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân là thuyên chuyển cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm. Trong báo cáo từ các bộ, ngành, địa phương đã bắt đầu ghi nhận những trường hợp bị phê bình để xảy ra chậm trễ, lãng phí vốn.
Mới dừng ở phê bình, nhắc nhở?
UBND tỉnh Nghệ An cho biết, địa phương này đã nghiêm khắc phê bình 9 huyện, thị xã và 26 đơn vị chủ đầu tư do giải ngân vốn đầu tư công chậm. Nhất là 4 chủ đầu tư giải ngân 0 đồng, gồm: Trường Trung cấp nghề Kinh tế -Kỹ thuật Bắc Nghệ An, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện Phúc Sơn và Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An. Một số đơn vị có dự án đã hoàn thành các hồ sơ thủ tục, không có vướng mắc về giải phóng mặt bằng nhưng tiến độ giải ngân vẫn còn chậm.
UBND tỉnh Quảng Bình vừa điểm mặt hàng loạt đơn vị có tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 0%; cảnh báo người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước tỉnh ủy, UBND tỉnh. Đến ngày 31/12, nếu các dự án không giải ngân hết, để bị thu hồi vốn thì chủ đầu tư phải tự thu xếp vốn để hoàn thành công trình.
Chủ tịch UBND TPHCM đã ký văn bản nhắc nhở loạt đơn vị về giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, Sở Tài chính, Sở Giao thông Vận tải TPHCM và UBND quận 6 đã bị nhắc nhở 4 lần. Các đơn vị này được giao tháo gỡ, khó khăn vướng mắc những nội dung kiến nghị, nhưng đến nay chưa xử lý, chưa có văn bản phản hồi, phúc đáp.
Để đầu tư công thực sự có chuyển biến trong những tháng cuối năm 2024, PGS.TS Bùi Thị An (nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII) cho rằng, Thủ tướng cần giao trách nhiệm cho người đứng đầu, để các đơn vị địa phương cam kết lộ trình, tiến độ giải ngân.
“Nếu có yếu tố con người, cán bộ thực hiện rón rén, không xử lý vì sợ trách nhiệm, người đứng đầu cần có biện pháp kiên quyết. Thủ tướng đã từng nhắc nhở, ai không dám làm thì xin nghỉ, đứng sang một bên”, bà An nói.
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận định, giải pháp quan trọng để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là giảm bớt thủ tục.
“Nhiều khi vì an toàn, chúng ta phải xin ý kiến tất cả sở, ngành, đơn vị dù không có nội dung gì liên quan đến nhiều sở, ngành được xin ý kiến.
Theo tôi, chỉ cần xin ý kiến đơn vị nào thật sự cần thiết và trong công văn phải ghi rõ thời hạn trả lời”, ông Việt đề xuất. Những bất cập về quy trình, thủ tục đã được kiến nghị nhiều trong thời gian qua và được biết, đây cũng là một trong những nội dung quan trọng mà Bộ KH&ĐT đề xuất trong lần xây dựng Luật Đầu tư công (sửa đổi) tới đây.
Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) dự kiến có nhiều nội dung mới quan trọng như cho phép sử dụng chi thường xuyên và các nguồn vốn hợp pháp khác để chuẩn bị đầu tư dự án; cho phép tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập với tất cả các nhóm dự án.
Mặc dù "kêu khổ'' nhưng tỷ lệ nghỉ việc ở doanh nghiệp này vẫn rất thấp so với mức trung bình trong ngành bán dẫn.
Nguồn: [Link nguồn]