Chậm bàn giao đất nông trường, dân chật vật xin cấp "sổ đỏ"?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Đất nông, lâm trường chưa thu về một mối, người dân vẫn chật vật xin cấp "sổ đỏ".

Chậm hoàn thành việc bàn giao về địa phương

Hơn chục năm qua, nhà nước đã có chủ trương bàn giao đất các công ty nông, lâm nghiệp không sử dụng về cho địa phương quản lý. Thực hiện rà soát, xác định ranh giới, cắm mốc giới, đo đạc, lập bản đồ địa chính và hồ sơ ranh giới sử dụng đất, cấp chứng nhất quyền sử dụng đất... Thế nhưng trên thực tế, việc bàn giao diễn ra còn chậm.

Nhà xưởng "mọc" trên Nông trường chè Long Phú

Nhà xưởng "mọc" trên Nông trường chè Long Phú

Kết quả thống kê được công bố năm 2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổng diện tích đất giữ lại sau rà soát, sắp xếp nông, lâm trường là 1.868.513 ha.

Nhưng mới chỉ có 34/45 tỉnh, thành phố cơ bản hoàn thành rà soát ranh giới, cắm mốc, trong đó đã rà soát được 32.193 km/54.877 km (đạt 77,5 % khối lượng nhu cầu); cắm được 54.756 mốc/62.247 mốc (đạt 88 % khối lượng nhu cầu).

38/45 tỉnh thực hiện đo đạc lập bản đồ địa chính, trong đó, đã đo đạc, lập bản đồ địa chính 1.335.637 ha/1.404.870 ha (đạt 95,1% khối lượng khối lượng nhu cầu).

Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết 18-NQ/TW về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao".

Trong các nhiệm vụ đề ra lần này có nội dung: "Giải quyết cơ bản những tồn tại, vướng mắc có liên quan đến quản lý và sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh". Đây là nội dung được dư luận quan tâm; bởi thời gian qua, không ít những bất cập xảy ra đối với loại đất này. Phổ biến là tình trạng "mọc" nhà xưởng, nhà ở, viện dưỡng lão, mua bán trái phép.

11/45 tỉnh cơ bản hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng được giao đất, cho thuê đất. Cấp đổi Giấy chứng nhận theo kết quả đo đạc địa chính chính quy được 1.666 hồ sơ/9.862 hồ sơ...

Còn tính riêng trên địa bàn thành phố Hà Nội, hiện có 57 nông, lâm trường, phần lớn thành lập từ năm 1980, trong đó 5 nông, lâm trường do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý (diện tích đất là 10.161,34ha), 42 nông, lâm trường, trạm trại do TP.Hà Nội trực tiếp quản lý (diện tích 7.029,34ha).

Nhiều nông trường chưa thực hiện dứt điểm việc bàn giao quỹ đất về cho địa phương quản lý. Hồ sơ nguồn gốc đất của nhiều NLT thiếu chính xác, chênh lệch lớn giữa diện tích thực tế quản lý với diện tích được giao. Đơn cử như diện tích đất của Trung tâm Nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì hiện đang quản lý chênh lệch so với diện tích được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lên tới hơn 169ha; Xí nghiệp chè Lương Mỹ là 110,3ha; Công ty cổ phần Chè Long Phú hơn 45ha; Xí nghiệp Giống cây trồng Hà Tây hơn 13ha; Trại Lâm nghiệp Thường Tín gần 577m2; Trạm Thực nghiệm và Chuyển giao kỹ thuật (huyện Chương Mỹ) 546m2...

Dứt điểm việc bàn giao đất đai về một mối

Một trong những hệ luỵ từ việc chưa thực hiện bàn giao dứt điểm đất đai về địa phương quản lý đó là tình trạng vi phạm chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép trên đất giao khoán.

Một trong những nông trường Báo Giao thông từng phản ánh như Nông trường nghiên cứu Giống bò và đồng cỏ Ba Vì, Nông trường Chè Long Phú, Quốc Oai, Đất nông, lâm trường của Công ty cổ phần Việt Mông.

Khi xảy ra sự việc, các bên đùn đẩy trác nhiệm cho nhau. Chủ các nông trường biện bạch, trách nhiệm quản lý xây dựng là do địa phương quản lý, địa phương phải chịu trách nhiệm và địa phương mới có công cụ (cơ quan liên ngành tài nguyên, an ninh...) thực hiện ngăn chặn, cưỡng chế.

Địa phương lại phủi trách nhiệm với lý do, đất của nông trường, thuộc các Bộ, ban ngành quản lý. Địa phương chỉ tham gia khi có yêu cầu phối hợp của nông trường. Trong khi các bên "đá bóng" trách nhiệm, tình trạng vi phạm ngày một "nở rộ".

Đáng nói, không ít người dân đủ điều kiện được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất (có giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất hợp pháp, phù hợp quy hoạch...) thì lại chật vật trong xin cấp sổ.

Nguyên nhân là do, những phần diện tích đất đủ điều kiện này vẫn nằm trong quản lý của các nông lâm trường. Địa phương chưa được nhận bàn giao nên chưa có cơ sở ký xác nhận nguồn gốc đất làm hồ sơ cấp chứng nhận quyền sử dụng. Còn nông trường, đơn vị đang quản lý đất lại không có chức năng này. Sự tréo ngoe này đang khiến không ít gia đình chật vật vì chưa được hưởng quyền lợi chính đáng về đất đai mà đáng ra họ được hưởng.

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, chủ tịch một xã tại Ba Vì cho biết, hiện nay, trên địa bàn do ông quản lý đã thực hiện việc thành lập cụm dân cư. Dân cư trong cụm mới thành lập đều có giấy tờ chứng minh được giao đất xây nhà, phù hợp quy hoạch và có đủ điều kiện cấp chứng nhận. Thế nhưng chưa thể cấp chứng nhận bởi đơn vị chủ quản nông trường mới giao nhân khẩu, chưa giao đất. Do đó xã không thể xác nhận nguồn gốc đất để cấp chứng nhận.

Vị chủ tịch xã cho rằng, cần sớm "quy về một mối", giao lại đất cho cơ quan quản lý nhà nước, chỉ có như thế thì mới có thể giải quyết quyền lợi cho người dân. Và như vậy mới quy rõ trách nhiệm trong việc quản lý chuyển đổi đất và vi phạm trật tự xây dựng.

Nguồn: [Link nguồn]

Từ 25/6, Hà Nội thay đổi loạt quy định về cấp ”sổ đỏ” lần đầu

Từ 25/6, TP Hà Nội sẽ áp dụng Quyết định số 26/2022 về hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận (sổ đỏ) lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hùng ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN