Lưu bài Bỏ lưu bài
Chia sẻ

 

 

Theo danh sách tỷ phú được Viện nghiên cứu Hồ Nhuận (Hurun) công bố hôm 29/10, Colin Huang (1980) - nhà sáng lập PDD Holdings, công ty mẹ của Temu và Pinduoduo – đã rớt xuống vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng những tỷ phú giàu nhất Trung Quốc. Theo Hurun, tài sản của Huang hiện đạt 34,5 tỷ USD. Mới hồi đầu tháng 8, Colin Huang còn là người giàu nhất Trung Quốc với khối tài sản trị giá 49,3 tỷ USD.

Tài sản của Huang đã lao dốc không phanh bất chấp Temu làm mưa gió ở thị trường Mỹ, châu Âu và cả châu Á trong hơn 1 năm qua và ứng dụng bán lẻ Pinduoduo cũng bứt phá tại Trung Quốc, thậm chí vượt mặt cả Alibaba của Jack Ma. Diễn biến ngược này khiến nhiều người đặt ra dấu hỏi lớn.

Thực chất, sự giàu có của Colin Huang gắn liền với giá cổ phiếu của PDD. Lật lại quá khứ, hồi đầu năm 2021, tài sản ròng của Huang đã từng vọt lên chạm mức 71,5 tỷ USD nhưng rồi lại nhanh chóng sụt giảm ngay sau đó khi cổ phiếu PDD mất gần 90%. Đến tháng 8 vừa qua, bước lên vị trí giàu nhất nước tỷ dân chỉ vài tuần, cổ phiếu Pinduoduo bất ngờ giảm 29% tại Mỹ sau khi công ty báo cáo doanh thu thấp hơn dự kiến ​​và ám chỉ rằng tốc độ tăng trưởng doanh số sẽ chậm lại, tài sản ròng của Huang cũng ngay lập tức “bốc hơi” 14,1 tỷ USD.

Ông chủ Temu và nỗi nuối tiếc khi đã ở đỉnh cao - 5
Ông chủ Temu và nỗi nuối tiếc khi đã ở đỉnh cao - 6
 

 

Có thể nói Pinduoduo thống trị thị trường nội địa và Temu đại náo toàn cầu nhờ hàng giá rẻ và các chương trình khuyến mãi lớn. Thế nhưng thời gian gần đây, mức độ cạnh tranh trên thị trường thương mại điện tử tăng lên rất nhiều khi các ông lớn Trung Quốc khác như Alibaba, TikTok của ByteDance cũng tập trung mạnh vào mảng hàng hóa giá thấp. Đây chính là yếu tố khiến triển vọng PDD không còn quá tươi sáng, giá cổ phiếu khó trở về mức cao như trước đó.

Bên cạnh đó, sự “xâm chiếm” nhanh chóng của Temu trên khắp thế giới cũng khiến các nhà lập pháp để mắt tới. Hãng bán lẻ trực tuyến này đang gặp không ít thách thức khi đối mặt với sự giám sát ngày càng tăng từ các cơ quan quản lý tại Mỹ, EU và nhiều nước khác, liên quan tới việc quản lý thuế nhập khẩu đối với hàng hóa giá rẻ mua trực tuyến... Truyền thông các nước cũng cáo buộc chiêu trò phá giá nhằm chiếm thị trường của Temu và nhiều quốc gia đang đề xuất xây dựng hàng rào thuế quan thương mại.

 

Ông chủ Temu và nỗi nuối tiếc khi đã ở đỉnh cao - 10

Dẫu vấp phải nhiều khó khăn, ở vị trí giàu thứ 4 Trung Quốc, Colin Huang vẫn thuộc thế hệ tỷ phú mới, những người đã làm giàu nhờ không né tránh những rủi ro khi khởi nghiệp kinh doanh trực tuyến. Truyền thông và công chúng vẫn bày tỏ ngưỡng mộ với một doanh nhân có cách suy nghĩ độc đáo và dám dấn thân vào một thị trường màu mỡ nhưng vô cùng chông gai, nhất là khi ông có một xuất phát điểm hết sức bình thường.

Colin Huang không sinh ra trong gia đình trâm anh thế phiệt. Cha mẹ ông đều là công nhân ở ngoại ô Hàng Châu, Chiết Giang.

Ngay từ khi còn nhỏ, Colin Huang đã được xem là thần đồng toán học. Bước ngoặt đến với ông vào cuối năm cấp ba, khi Huang giành giải Olympic Toán. Giáo viên chủ nhiệm đã khuyến khích ông thi vào Trường Ngoại ngữ Hàng Châu (HFLS) danh giá. Tài năng phi thường đã giúp cậu học sinh ưu tú trúng truyển HFLS vốn nổi tiếng là có tỷ lệ chọi cao, thế nhưng Huang không muốn nhập học vì nghĩ nơi này chỉ tập trung vào ngoại ngữ.

Huang kể lại: "Tôi muốn vào trường chuyên sâu về toán, vật lý và hóa học. Sau đó, thầy hiệu trưởng gọi tôi đến và thuyết phục. Nhìn lại, thật sự cảm tạ Chúa vì tôi đã lựa chọn học ở HFLS".

 

Học tập ở HFLS giúp Huang được tiếp xúc với văn hóa phương Tây và chịu ảnh hưởng sớm, sâu hơn so với bạn bè. Năm 18 tuổi, Huang theo học khoa học máy tính tại Đại học Chiết Giang, nhờ đó trở thành một trong số ít những người trẻ Trung Quốc có cơ hội tiếp cận Internet và kết nối với bạn bè nước ngoài.

Ngay từ năm nhất đại học, Huang đã trở thành thành viên của Quỹ Melton - nơi hội tụ những sinh viên trẻ từ các khu vực mới nổi trên toàn cầu. Mỗi người được cấp một máy tính và gói truy cập Internet để có thể duyệt web và nhắn tin. Họ cũng có thể đi đến một quốc gia thành viên mỗi năm. Huang cho rằng chính những trải nghiệm này đã mang đến cho anh tư duy ở tầm quốc tế sớm hơn nhiều người Trung Quốc khác.

Nhìn lại cách giáo dục và những cơ hội nhận được, Huang luôn cảm thấy mình may mắn. Ông tự mô tả mình như "phượng hoàng bay khỏi chuồng gà".

 

Ông chủ Temu và nỗi nuối tiếc khi đã ở đỉnh cao - 15

Công việc mang đến thu nhập đầu tiên cho Colin Huang là làm thực tập sinh ở Microsoft.

Huang tốt nghiệp thạc sĩ khoa học máy tính tại Đại học Wisconsin, Madison vào năm 2004 và bắt đầu công việc toàn thời gian đầu tiên tại Google. Lúc đó, Google đang chuẩn bị thâm nhập vào thị trường Trung Quốc và Huang trở thành thành viên của nhóm tiên phong cho dự án này.

Sau khi rời Google vào năm 2007, Huang thành lập trang thương mại điện tử Oukou, chuyên bán các thiết bị điện tử tiêu dùng và đồ gia dụng.

Anh bán công ty này ba năm sau, vào năm 2010, rồi sáng lập công ty thứ hai, Leqi, hỗ trợ các thương hiệu nước ngoài quảng bá cửa hàng trực tuyến của họ trên các nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc như Tmall và JD.com.

Dự án thứ ba của anh là Xunmeng, một studio phát triển game với các trò chơi nhập vai trên web, trong đó thường có các nhân vật nữ với trang phục gợi cảm.

Năm 2015, khi ra mắt Pinduoduo, Huang bước vào thị trường thương mại điện tử vốn bị Alibaba và JD.com chiếm ưu thế. Tuy nhiên, với kinh nghiệm tích lũy từ cả thương mại điện tử và game, anh tin rằng có thể tạo ra thành công bằng cách biến trải nghiệm mua sắm trực tuyến thành một trò chơi hấp dẫn.

Công ty của Huang đã huy động được hơn 100 triệu USD chỉ trong hai năm. Ngày 26/7/2018, cổ phiếu Pinduoduo bắt đầu giao dịch trên Nasdaq. Tuy nhiên, Huang không có mặt tại New York mà ở lại Thượng Hải dự buổi lễ rung chuông với các nhà đầu tư và khách hàng Trung Quốc.

Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Caijing vào năm 2018, Huang từng chia sẻ: “PDD Holdings không phải là để người dân Thượng Hải cảm thấy như đang sống ở Paris, mà là đảm bảo rằng người dân An Huy có giấy nhà bếp và trái cây tươi".

"Mục tiêu không phải là giá rẻ, mà là khiến người dùng cảm thấy như họ đã có được một món hời", Huang nói thêm.

 

Tháng 7/2020, Huang từ chức CEO. Một năm sau, ông rời ghế chủ tịch, nhưng vẫn nắm giữ 28% cổ phần tại PDD - công ty mẹ của Pinduoduo.

Vào tháng 9/2022, PDD ra mắt Temu, một sàn thương mại trực tuyến tại Mỹ, nhằm kết nối người bán từ Trung Quốc với người tiêu dùng Mỹ đang đối mặt với lo ngại về lạm phát. Temu nhanh chóng đạt được thành công. Theo khảo sát của Omnisend - một công ty tiếp thị thương mại điện tử - hiện nay, cứ ba người mua sắm ở Mỹ thì có một người thực hiện ít nhất một giao dịch hàng tháng trên nền tảng này. Nhờ các chương trình khuyến mãi hấp dẫn và khẩu hiệu "Mua sắm như một tỷ phú", Temu đã mở rộng hoạt động ra hơn 80 quốc gia.

Sự bùng nổ của Temu đã củng cố doanh thu hàng đầu của PDD và là nền tảng cho sự phục hồi của tập đoàn. PDD ghi nhận doanh thu khoảng 248 tỷ Nhân dân tệ (35 tỷ USD) trong năm 2023, tăng 90% so với năm 2022.

 

Có một điều thú vị là Colin Huang được coi là học trò thứ tư của Duan Yongping, người sáng lập kiêm chủ tịch công ty hàng điện tử tiêu dùng BBK Electronics. Được mệnh danh là “ông trùm” của ngành công nghiệp smartphone nhờ phát triển thành công hai thương hiệu đình đám Oppo và Vivo nhưng Yongping cũng “nghỉ hưu sớm” từ khi 40 tuổi và luôn giữ kín cuộc sống riêng tư trước công chúng. Triết lý sống và kinh doanh của Yongping được cho là ảnh hưởng rất nhiều tới Colin Huang.

Truyền thông thế giới biết đến Duan Yongping lần đầu vào năm 2006 khi ông mạnh tay chi 620.100 USD để đấu giá bữa ăn trưa với nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett. Trong bữa trưa này, Duan Yongping có thể đưa bạn đi cùng và sự lựa chọn của ông ấy là Colin Huang.

Trong bài viết trên blog Medium năm 2019, Huang từng chia sẻ Duan Yongping đã dạy ông rằng: phải bằng lòng với những gì mình có và làm tốt ở hiện tại. Trong bữa trưa với “huyền thoại xứ Omaha” năm ấy, Huang nhận thấy những lời Buffett nói thực ra rất đơn giản, ngay cả mẹ ông cũng có thể hiểu được. Điều ý nghĩa nhất Huang nhận được sau bữa ăn là sức mạnh của sự giản dị và lẽ thường.

Colin Huang được coi là học trò thứ tư của Duan Yongping, người sáng lập kiêm chủ tịch công ty hàng điện tử tiêu dùng BBK Electronics

Ông chủ Temu và nỗi nuối tiếc khi đã ở đỉnh cao - 22

Kể từ khi rời bỏ các chức vụ ở PDD, Colin Huang không xuất hiện nhiều. Từ năm 2021, ông hầu như không phát biểu trước công chúng. Tuy nhiên, tên tuổi của Huang vẫn thường xuyên xuất hiện trên mặt báo chí trong nước và cả quốc tế khi “cơn lốc” Temu càn quét toàn cầu.

Dù mới ngoài 40, Huang đã rút lui khỏi vị trí lãnh đạo để nhường chỗ cho "thế hệ lãnh đạo mới". Theo thư gửi cổ đông, ông dành thời gian theo đuổi đam mê cá nhân trong lĩnh vực khoa học thực phẩm và khoa học sự sống. Cũng như việc giữ im lặng về khối tài sản lớn của mình tại siêu cường thứ hai thế giới, Huang rất kín tiếng.

Tuy vậy, một trong những lần hiếm hoi chia sẻ về cuộc sống cá nhân, Colin Huang từng cho biết dù cảm thấy bản thân vô cùng may mắn khi có được ngày hôm nay, ông vẫn luôn cảm thấy nuối tiếc một điều. "Tôi từng quá nỗ lực cho mục tiêu và dành nhiều thời gian để làm học sinh ngoan giỏi, đứng đầu lớp", Huang viết. Tỷ phú sinh năm 1980 nói thêm rằng ước gì đã dành nhiều thời gian hơn cho việc nổi loạn, nghịch ngợm và "hoàn toàn tận hưởng tuổi trẻ".

Ông chủ Temu và nỗi nuối tiếc khi đã ở đỉnh cao - 23

Content & Media: Nguyễn Bình

Thứ Năm, ngày 14/11/2024 19:54 PM (GMT+7)
Theo Nguyễn Bình ([Tên nguồn])
Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN