Cao su đạt doanh thu kỷ lục, HAGL của bầu Đức vẫn lỗ nặng
Dù giá cao su tăng bình quân tới 1% thị giá sau mỗi ngày trong giai đoạn 2 tháng cuối năm 2018, song việc giá vốn bán mủ cao su cao gấp 13 lần cùng kì năm 2017 khiến Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức vẫn phải chịu lỗ ở mảng này do kinh doanh dưới giá vốn. Đồng thời, ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế âm 253 tỷ đồng.
Cao su đạt doanh thu kỷ lục, HAGL của bầu Đức vẫn lỗ to
Theo BCTC hợp nhất quý IV.2018, Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) do ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức - PV) giữ vị trí Chủ tịch HĐQT bất ngờ báo lỗ trở lại sau quý liền trước lãi lớn. Điều này diễn ra trong bối cảnh doanh thu từ cao su của Hoàng Anh Gia Lai đạt mức kỷ lục nhiều năm, còn mảng trái cây vẫn đóng góp phần lớn vào doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp trong kỳ hoạt động.
Ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức). Ảnh: Internet
Cụ thể, từ giữa tháng 11.2018 đến giữa tháng 1.2019, giá cao su tự nhiên thế giới đã có sự hồi phục mạnh mẽ từ mức 132,1 JPY/kg lên mức 191,8 JPY/kg, tương tương mức tăng hơn 45%.
Trong bối cảnh giá cao su tăng bình quân tới 1% thị giá sau mỗi ngày, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) của bầu Đức, doanh nghiệp sở hữu tổng diện tích trồng cao su khoảng 40.000ha, trong đó, diện tích dự kiến khai thác trong năm 2018 là hơn 17.000ha được kỳ vọng sẽ thu về khoản lợi nhuận lớn nếu diện tích cao su kể trên được thu hoạch.
Song trên thực tế, doanh thu thuần của HAGL trong quý IV.2018 chỉ đạt hơn 1,043 tỷ đồng, giảm 7% so cùng kỳ.
Theo đó, mảng kinh doanh dóng góp lớn nhất vào doanh thu của HAGL vẫn là trái cây, chiếm khoảng 60% tổng doanh thu, đạt trên 618 tỷ đồng. Doanh thu bán mủ cao su bất ngờ tăng mạnh lên 221 tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, doanh thu từ dịch vụ cho thuê của HAGL không còn phát sinh trong quý IV.2018, trong khi cùng kỳ năm 2018 doanh nghiệp ghi nhận hơn 188 tỷ đồng từ khoản này.
Việc giá vốn hàng bán của HAGL tăng 29% đã kéo lãi gộp của doanh nghiệp giảm hơn 50%, chỉ còn 224 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận từ trái cây trong quý IV.2018 chỉ còn 234 tỷ đồng, giảm sâu so với con số 559 tỷ đồng ghi nhận trong khi quý III.2018. Còn ở mảng cao su, giá vốn bán mủ cao su cao gấp 13 lần cùng kì năm 2017 khiến HAGL vẫn phải chịu lỗ ở mảng này do kinh doanh dưới giá vốn.
Quý IV.2018, chi phí lãi vay của HAGL giảm 38% so với cùng kỳ 2017, ở mức 326 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp ghi nhận ở mức 291 tỷ đồng, tăng 34% so cùng kỳ, còn chi phí bán hàng giảm nhẹ xuống 47 tỷ đồng khiến công ty ghi nhận lỗ 195 tỷ đồng từ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Việc HAGL phải chịu thêm một khoản lỗ khác 149 tỷ đồng do chi phí phát sinh trong quá trình thanh lý, chuyển đổi vườn cây khiến doanh nghiệp của bầu Đức ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế âm 253 tỷ đồng.
Giá vốn bán mủ cao su cao gấp 13 lần cùng kì năm 2017 khiến HAGL của bầu Đức vẫn phải chịu lỗ ở mảng này do kinh doanh dưới giá vốn. (Ảnh minh họa)
Lũy kế cả năm 2018, HAGL đạt doanh thu 5.392 tỷ đồng, tăng 11% so với năm trước. Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong năm gần 1.539 tỷ đồng, tương ứng mỗi ngày HAG phải trả hơn 4 tỷ đồng lãi vay. Tương tự quý IV.2017, việc thanh lý, chuyển đổi vườn cây và các khoản khác khiến HAGL chịu khoản lỗ khác là 920 tỷ đồng. Vậy nên, lãi ròng cả năm 2018 của HAGL chỉ còn 52 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31.12.2018, tổng tài sản của HAGL đạt hơn 48.291 tỷ đồng, giảm 9% tính từ đầu kì, trong đó hàng tồn kho tăng 371 tỷ đồng, đạt 1.496 tỷ đồng. Tổng chi phí xây dựng cơ bản dở dang của HAGL là 13.760 tỷ đồng, giảm gần 4.000 tỷ đồng so với đầu kì. Công ty đang đầu tư chủ yếu vào phát triển vườn cây cao su với chi phí đầu tư 6.131 tỷ đồng, vườn cây cọ dầu 3.480 tỷ đồng và vườn cây ăn trái 3.184 tỷ đồng. Bên cạnh đó, HAGL không còn đầu tư Dự án Khu phức hợp HAGL Myanmar.
Điểm danh chủ nợ nghìn tỷ của HAGL
Tại ngày 31.12.2018, tổng các khoản vay HAGL là hơn 21.800 tỷ đồng, giảm 1.838 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm 2018. Trong đó, nợ dài hạn giảm nhưng nợ ngắn hạn tăng lên trên 7.000 tỷ đồng, do hạn phải trả của các khoản nợ dài hạn đang đến gần khiến áp lực nợ trên vai bầu Đức và các cộng sự tại HAGL dần lớn hơn.
Trong các gói vay của HAGL, Công ty CP Ôtô Trường Hải (Thaco) đã cho vay 746 tỷ đồng. Ngoài ra, HAGL cũng mượn tỷ phú Trần Bá Dương 500 tỷ đồng.
Ngoài ra, tổng nợ phải trả của doanh nghiệp cũng giảm xuống còn 31.613 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ vay dài hạn ngân hàng của HAGL giảm 3.745 tỷ đồng, xuống còn 6.143 tỷ đồng. Còn dư nợ vay ngắn hạn tăng 184 tỷ đồng so với đầu kì.
Cụ thể, khoản vay dài hạn tại Sacombank giảm mạnh từ gần 2.925 tỷ đồng xuống còn 1.005 tỷ đồng, khoản vay tại TPBank cũng giảm 940 tỷ đồng, dư nợ vay dài hạn tại BIDV giảm 398 tỷ đồng...