Cảnh nhếch nhác, hoang tàn ở những khu biệt thự 'triệu đô' phía Tây Hà Nội
Hàng loạt khu biệt thự, nhà liền kề có giá triệu đô bị cỏ mọc um tùm, cảnh nhếch nhác, xuống cấp theo thời gian tại các khu đô thị, khu nhà ở phía Tây Hà Nội. Các chuyên gia cho rằng, do người mua phần nhiều là nhà đầu tư lướt sóng, nên mới có tình trạng dự án bán hết cho khách hàng nhưng bị bỏ hoang.
Nhiều khu đô thị với mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng liên tiếp ra đời ở khắp các khu vực đắc địa tại Hà Nội. Tuy nhiên, bên cạnh những khu đô thị có tỷ lệ lấp đầy lớn, trang hoàng cho bộ mặt thành phố, thì vẫn còn không ít khu đô thị có tỷ lệ biệt thự bỏ hoang nhiều và xuống cấp theo thời gian, nhất là khu vực phía Tây Hà Nội.
Ghi nhận thực tế, hàng loạt biệt thự, liền kề tại Khu đô thị mới Vân Canh (Hoài Đức) nhiều năm qua đã bỏ hoang, cỏ dại che hết lối vào nhà. Mặc dù liên tục được rao bán, nhưng các căn biệt thự này vẫn chưa có chủ.
Do thời gian dài không có người sinh sống, tu bổ, nên nhiều hạng mục như bờ tường, bậc tam cấp của biệt thự đã ngả nghiêng, nứt toác, sụt lún, gây nguy hiểm cho người ra vào.
Tại Khu nhà ở Nguyễn Ngọc, Lai Xá (Hoài Đức) nhiều năm qua, các căn biệt thự tại đây luôn trong tình trạng ẩm thấp, không bóng người sinh sống
Tình trạng bỏ hoang cũng diễn ra tương tự tại Khu đô thị Vườn Cam (Hoài Đức) do Công ty Cổ phần VinaPol làm chủ đầu tư nhiều năm nay.
Con đường dẫn vào khu đô thị luôn nhão nhoét bùn đất khi có mưa xuống hoặc mịt mù bụi lúc trời nắng, đất đá, vật liệu xây dựng ngổn ngang.
Gần đây, một số biệt thự tại Khu đô thị Vườn Cam bắt đầu được tu sửa, sơn trát phần bên ngoài.
Tại dự án Điểm dịch vụ du lịch sinh thái Song Phương (Hoài Đức) do Công ty CP thương mại và dịch vụ Phương Viên làm chủ đầu tư cũng có cả trăm biệt thự bỏ không nhiều năm qua.
Do không có người mua, nhiều căn biệt thự bỏ hoang tại Khu đô thị Nam An Khánh (Hoài Đức) trở thành nơi tá túc của các thợ xây, người lao động nghèo .
Chia sẻ với Tiền Phong , một thợ xây cho biết: "Giá nhà Hà Nội quá cao kéo theo giá cho thuê cũng vậy, trung bình từ 2 - 3 triệu đồng/tháng, chưa kể điện, nước đối với các căn phòng có diện tích từ 20 - 30m2, khu vực ngoại thành thì giá cho thuê rẻ hơn vài trăm nghìn nhưng điều kiện sinh hoạt lại không đầy đủ. Trong khi thu nhập của chúng tôi chỉ khoảng 7 - 8 triệu đồng/tháng. Trừ đi tiền ăn, thuốc men, chúng tôi không dám bỏ ra số tiền bằng nửa tháng thu nhập cho việc thuê nhà".
Cũng theo người thợ xây, để tiết kiệm chi phí sinh hoạt nhất có thể, họ rủ nhau đến các biệt thự bỏ hoang để sống, chấp nhận việc nhiều chỗ không có điện, nước.
Cũng tại Hoài Đức, cách Đại lộ Thăng Long chỉ vài trăm mét, cách trung tâm thủ đô 10 km, Khu đô thị Thiên đường Bảo Sơn do Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng và Du lịch Bảo Sơn làm chủ đầu tư từng được coi là “cơn sốt” với giới đầu tư bất động sản và những người có nhu cầu nhà ở cao cấp nhiều năm về trước.
Bởi lẽ, các căn biệt thự có diện tích hơn 300 m2 từng có giá tới gần 1 triệu USD (hơn 23 tỷ đồng) những năm “sốt đất” đỉnh điểm giai đoạn 2008. Tuy nhiên thực tế, nhiều biệt thự tại khu đô thị này vẫn bỏ hoang, cỏ dại, rêu mốc phủ khắp nơi.
Ngay sát Khu đô thị Thiên đường Bảo Sơn là Khu biệt thự Hoa Phượng (xã An Khánh, huyện Hoài Đức) cũng nhếch nhác nhiều năm qua vì bị bỏ hoang.
Theo tìm hiểu, Khu biệt thự Hoa Phượng do 3 công ty bao gồm Công ty TNHH Ứng dụng và Phát triển Công nghệ AVN, Công ty Kinh doanh Vật tư Thiết bị và Công ty CP Lý Hùng làm chủ đầu tư. Mỗi công ty đầu tư một lô trong 3 lô đất của dự án .
Hầu hết các biệt thự tại Khu đô thị Hoa Phượng đều bỏ hoang, nhiều căn luôn trong tình trạng ngập úng, tường rò rỉ nước.
Nhiều căn liền kề tại Khu đô thị trên đường Lê Trọng Tấn cũng gặp phải tình cảnh không người sinh sống, tường nhà bị dây leo bám chằng chịt, cổng ra vào xô đổ vì xuống cấp .
Theo các chuyên gia, ở Việt Nam, nhà đầu tư hay chủ đầu tư có kinh nghiệm không nhiều, nên dẫn đến việc đưa ra dự án không đúng thời điểm và trở thành “ dự án chết ”. Trong khi đó, trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM từng cho biết, trong phân khúc đất nền, người mua phần nhiều là nhà đầu tư lướt sóng, nên mới có tình trạng dự án đã xong nhưng bị bỏ hoang.
Cuối năm 2021, Hà Nội đã đề xuất Bộ Tài chính thực hiện phương án đánh thuế hoặc xử phạt đối với chủ sở hữu nhà bỏ hoang, không đưa vào sử dụng. Cụ thể, đối với biệt thự bỏ hoang 3 tháng có thể áp thuế khoảng 5% trên giá trị hợp đồng, còn sau một năm biệt thự vẫn bỏ hoang sẽ bị tính thuế 10% trên tổng giá trị hợp đồng. Ngoài ra, thành phố còn có đề xuất xử phạt hành chính chủ sở hữu biệt thự, với mức phạt 10-20 triệu đồng/căn, đồng thời kiến nghị Chính phủ áp dụng thu thuế lũy tiến đối với người mua ngôi nhà thứ hai trở lên. Đề xuất này được đưa ra khi tình trạng các khu đô thị “ma” xuất hiện ngày một nhiều, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất, làm mất mỹ quan đô thị.
Nguồn: [Link nguồn]
Nhiều người phấn khởi vì nghĩ mua nhà để có chốn an cư, nợ ngân hàng sẽ làm trả dần nhưng niềm vui chưa thấy đâu đã phải kêu trời vì lãi suất thả nổi lên tới 12% sau...