Canh mua cổ phiếu “sell off” có phải là khôn ngoan?
Nhiều nhà đầu tư tin rằng thị trường chứng khoán sẽ có đợt bán tháo mạnh trong kỳ báo cáo tài chính quý 2 sắp tới, vì vậy rất nhiều người đã bán sạch cổ phiếu ôm tiền ngồi chờ đợt “sell off” (bán tháo) để mua lại hàng giá rẻ. Thế nhưng đó có phải là chiến thuật khôn ngoan hay không? Liệu thị trường chứng khoán Việt Nam có xảy ra đợt bán tháo trong kỳ BCTC Quý II?
Phần thưởng dành cho những nhà đầu tư mạo hiểm bắt đúng đáy
Cuối tháng 3, thị trường chứng khoán Việt Nam và thế giới có cú sập mạnh khi đại dịch covid-19 lan nhanh từ Vũ Hán (Trung Quốc) ra nhiều nước trên thế giới. Chỉ số Dow Jones (chứng khoán Mỹ) rơi từ hơn 27.000 điểm xuống thủng mốc 20.000 điểm; chỉ số Vn-Index (chứng khoán Việt Nam) cũng từ mốc gần 1.000 điểm rớt xuống gần 650 điểm.
Đợt lao dốc kinh hoàng đó khiến nhiều nhà đầu tư quyết định bán sạch cổ phiếu ôm tiền để tránh rủi ro, một số người chuyển sang kênh đầu tư vàng và tiền ảo. Ngay cả khi thị trường chứng khoán Việt Nam từ mức đáy 650 điểm đầu tháng 4 hồi phục dần, nỗi lo covid-19 vẫn ám ảnh khiến hầu hết các nhà đầu tư trung thành với quan điểm “cash is king” (tiền mặt là vua) nên nhất quyết không mua vào cổ phiếu.
Ngược lại với phe “cash is king”, những người ưa thích đầu tư mạo hiểm đã bắt đáy thành công trong đợt nỗi lo dịch covid-19 lên đỉnh điểm và đã đạt thành quả tốt khi chỉ số Vn-Index lầm lũi hồi phục lên đến gần 900 điểm như hiện nay.
App 24HMoney cập nhật thông tin thị trường chứng khoán đầy đủ, nhanh chóng, liên tục 24/7.
Phe “cash is king” chờ cú sập thứ 2 để sửa sai
Khi chỉ số Vn-Index phục hồi dần từ đáy, hầu hết những nhà đầu tư bán tháo cắt lỗ vẫn tin rằng đợt hồi phục chỉ là “cú nảy của con mèo chết” nên kiên trì đứng ngoài thị trường. Mãi đến khi Vn-Index leo lên mốc 900 điểm với thanh khoản tăng mạnh nhờ dòng tiền mới, trong đó có khoảng trăm nghìn nhà đầu tư F0 tham gia vào thị trường thì họ mới thừa nhận sai lầm nhưng vẫn quyết tâm chờ đợi “cú sập thứ 2” để sửa sai chứ không nhảy vào mua đuổi, vì sợ rơi vào cảnh “hứng bô” cho kẻ khác.
“Cú sập thứ 2” của thị trường chứng khoán đã được hầu hết các công ty chứng khoán và nhiều chuyên gia dự đoán ngay từ sau kỳ báo cáo tài chính Quý 1/2020. Lý giải cho niềm tin này, nhiều chuyên gia cho rằng dịch covid-19 mới bắt đầu bùng phát mạnh từ tháng 3/2020 nên kết quả kinh doanh quý 1 chưa ảnh hưởng nhiều, các doanh nghiệp chỉ thực sự “ngấm đòn” trong Quý II. Bởi vậy trong suốt tháng 6, cả khối ngoại cũng như khối tự doanh các CTCK liên tục tranh thủ bán ròng lượng lớn cổ phiếu với giá trị lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.
Hầu hết các nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm cũng tin vào “cú sập thứ 2” của thị trường nên đã bán chốt lời trong những phiên thị trường tăng điểm để ôm tiền mặt chờ bắt đáy. Một lượng lớn dòng tiền đã rút ra đứng ngoài canh mua hàng “sell off” chính là nguyên nhân khiến thanh khoản thời gian gần đây sụt giảm mạnh.
Chiến thuật canh mua hàng “sell off” có phải là khôn ngoan?
Trong cuộc sống nói chung và đặc biệt là trên thị trường chứng khoán vốn có nhiều biến động hết sức khó lường, sự “khôn lỏi” nhiều lúc chưa hẳn đã mang đến thành công. Đặc biệt khi dự báo về “cú sập thứ 2” của thị trường chứng khoán đã được quá nhiều người tính đến và chuẩn bị nắm bắt cơ hội để đón mua giá rẻ thì chưa chắc nó đã diễn ra, hoặc chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn ngủi và số đông “xếp hàng” mua cổ phiếu trong đợt “sell off” rất dễ bị lỡ chuyến?
Điều này tương tự như chuyện một lượng rất đông người dân đổ xô đi mua hàng đại hạ giá, nhiều người chịu nóng suốt mùa hè để chờ mua điều hòa giảm giá khi bắt đầu chớm thu hay những người chịu rét qua mùa đông mới mua đi mua quần áo ấm giá rẻ, trong khi người bán hàng bao giờ cũng khôn ngoan chỉ bán xả hàng đại hạ giá những sản phẩm kém chất lượng hoặc lỗi mốt.
Chứng khoán cũng vậy, chắc chắn những nhà đầu tư khôn ngoan sẽ không bán tháo những mã cổ phiếu tốt cho dù thị trường chung lao dốc. Đến thời điểm này, hàng chục doanh nghiệp đã hé lộ kết quả kinh doanh Quý II vẫn khả quan nên sẽ tạo niềm tin cho nhiều người nắm giữ. Đặc biệt tình hình chống dịch bệnh ở Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đang ngày càng tốt.
Vì vậy những nhà đầu tư ôm tiền chờ mua hàng “sell off” chỉ có thể mua được cổ phiếu giảm giá mạnh của những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh lỗ nặng trong kỳ báo cáo tài chính sắp tới mà thôi.
Cha ông ta có câu “Khôn quá cũng chết, dại quá cũng chết, biết thì sống”, trong giai đoạn thị trường đang có nhiều yếu tố nhạy cảm hiện nay, cách tốt nhất để đầu tư hiệu quả là lựa chọn nắm giữ những mã cổ phiếu của doanh nghiệp có sức khỏe tài chính tốt, tăng trưởng bền vững và giá cổ phiếu đang ở mức rẻ so với giá trị thực để xác định đầu tư trung và dài hạn chờ thành quả.
App tài chính 24hMoney liên tục cập nhật thông tin kinh tế - tài chính, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, các bài phân tích sắc sảo, đa chiều của các chuyên gia uy tín giúp bạn đọc có cái nhìn sát thực về thị trường chứng khoán để lựa chọn mua/bán kịp thời các mã cổ phiếu một cách hiệu quả nhất. Nhanh tay tải app 24hMoney: TẠI ĐÂY. |
Nguồn: [Link nguồn]