Cảnh báo nguy cơ doanh nghiệp bị thâu tóm với giá rẻ
Tại hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp (DN) năm 2020 mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện tình trạng gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị vẫn chưa được khắc phục ngay, sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến nhiều DN.
Một trong những khó khăn lớn nhất của các DN hiện nay là thiếu vốn, đặc biệt là vốn lưu động, có trên 45% số DN đang bị thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, hiện vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức, trong đó, hiện tượng mua bán, sáp nhập DN trong thời gian tới có thể diễn ra mạnh mẽ hơn, dẫn tới nguy cơ các DN tiềm năng của Việt Nam có thể sẽ bị thâu tóm với giá rẻ.
Số liệu thu hút FDI 4 tháng đầu năm 2020 cũng cho thấy, mặc dù số lượt góp vốn, mua cổ phần tăng, song quy mô góp vốn nhỏ, bình quân chỉ có gần 0,8 triệu USD/lượt góp vốn, nhỏ hơn nhiều so với quy mô bình quân so với cùng kỳ.
Trên thực tế, làn sóng mua bán sáp nhập DN (M&A) vẫn đang diễn ra mạnh mẽ, nhiều nhà đầu tư ngoại đang thâu tóm dần rất nhiều DN bằng hình thức góp vốn, mua cổ phần. Số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho thấy, tính đến ngày 20/4/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài 4 tháng đầu năm 2020 đạt 12,33 tỷ USD, bằng 84,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Mặc dù vốn đăng ký cấp mới và vốn điều chỉnh tăng hơn trong 4 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ, song góp vốn mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài lại giảm mạnh, làm giảm tổng vốn đầu tư. Cụ thể, DN nước ngoài đã chi tới 2,5 tỷ USD đầu tư vào Việt Nam qua hình thức góp vốn, mua cổ phần các DN nội trong đầu năm 2020, chỉ bằng 34,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Tuy giảm về số vốn nhưng số lượt góp vốn mua cổ phần lại tăng tới 33% với hơn 3 nghìn lượt góp vốn. Đáng chú ý, 4 tháng đầu năm 2020, các DN Trung Quốc có tới 557 lượt góp vốn mua cổ phần vào DN Việt với số vốn 230 triệu USD. Dẫn đầu việc mua lại cổ phần của các DN trong nước là các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc khi các DN của quốc gia này đã có tới 1.042 lượt góp vốn vào DN Việt trong thời gian này và tổng vốn đổ vào cổ phần DN Việt là 356 triệu USD.
Tuy nhiên, trong thời gian này, DN Nhật Bản mới chỉ thực hiện gần 300 lượt góp vốn mua cổ phần, nhưng đã chi tới 743 triệu USD để đầu tư vào DN Việt. Điều đó cho thấy, xu hướng mua cổ phần DN Việt Nam trong giai đoạn này DN Nhật Bản đang dẫn đầu trên thị trường.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, các nước như Đức, Italia, Tây Ban Nha, New Zealand thời gian đã qua cũng đã có cảnh báo về nguy cơ thâu tóm DN qua M&A. Hoa Kỳ không có cảnh báo nhưng cơ quan nghiên cứu đầu tư của Mỹ đã có nghiên cứu về vấn đề này. Theo ông Hoàng, việc góp vốn, mua cổ phần tại những DN bình thường thì nên để diễn ra tự nhiên, nhưng với những DN hoạt động trong những lĩnh vực mang tính cốt lõi, chiến lược, có tác động xã hội lớn thì cần phải có sự kiểm soát.
Lĩnh vực bán lẻ luôn đứng trước nguy cơ bị thâu tóm.
Hiện, Cục Đầu tư nước ngoài chưa có thống kê, cập nhật cụ thể về các lĩnh vực DN FDI thực hiện góp vốn mua cổ phần, nhưng nhìn chung nguồn vốn này đa dạng về loại hình đầu tư (gồm BĐS, sản xuất, dịch vụ...) cũng như quy mô đầu tư. Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT đang tập hợp nghiên cứu các làn sóng đầu tư từ các nước trên thế giới không chỉ riêng Trung Quốc để có thể đón đầu dòng vốn này.
Trước đó, Bộ KH&ĐT cũng đã chủ động cảnh báo về nguy cơ thâu tóm DN Việt sau đại dịch COVID-19 thông qua hình thức mua bán cổ phần, đồng thời Bộ cũng đã có báo cáo lên Chính phủ về nguy cơ thâu tóm DN nội, sau khi đã kịp thời nghiên cứu, tham khảo các biện pháp mà nước ngoài đang áp dụng để bảo vệ DN nội địa.
Để bảo vệ DN nội, trong kiến nghị lên Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN, VCCI đã đề xuất có thể tính tới tạm dừng việc mua bán sáp nhập (M&A) trong giai đoạn dịch bệnh. Theo VCCI, trong bối cảnh DN Việt gặp khó khăn, có nguy cơ phá sản, xuất hiện tình trạng một số DN, quỹ đầu tư nước ngoài đang xem xét việc mua lại các DN trong ngành BĐS, bán lẻ... Do vậy, VCCI đề nghị Chính phủ có chỉ đạo tạm thời dừng việc mua bán, sáp nhập DN trong giai đoạn dịch bệnh để hạn chế việc DN nước ngoài thâu tóm các DN Việt Nam.
Về vấn đề này, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, các DN nội chào mời các nhà đầu tư mua cổ phần là điều bình thường, nhưng nếu chào mời rộng rãi quá thì rất dễ bị thâu tóm. Tuy nhiên, vào thời điểm này, về vĩ mô Chính phủ nên chủ động có chính sách, kế hoạch thu hút đầu tư, theo đó, những lĩnh vực đầu tư nào có thể gây rủi ro về chính trị, kinh tế, xã hội thì cần phải được kiểm soát.
Việc chọn ngành nghề mời gọi đầu tư cũng phải đi cùng với quy định tỷ lệ đầu tư của DN FDI để có sự khống chế tỷ lệ hợp lý. Tỷ lệ này có thể có sự điều chỉnh theo cung cầu của thị trường, nhưng một số lĩnh vực cần có tỷ lệ theo quy định của nhà nước để tránh việc bị thâu tóm ở những lĩnh vực chủ chốt, nhạy cảm.
Ông Đỗ Nhất Hoàng nhìn nhận, dịch COVID-19 đã gây hệ lụy to lớn đối với đời sống kinh tế- xã hội toàn cầu và để lại bài học đáng giá, đến nay đã đủ “ngấm” đối với cộng đồng DN, nhà đầu tư nói chung. Đó là, do phụ thuộc quá nhiều vào một nguồn cung nên khi gặp sự cố thì không kịp ứng phó, không thể có phương án thay thế trong một sớm một chiều.
VCCI đã đề xuất có thể tính tới tạm dừng việc mua bán sáp nhập (M&A) trong giai đoạn dịch bệnh.
Nhiều DN trong nước cũng thiệt hại vì nguyên nhân này. Nhưng cũng vì vậy mà giới đầu tư quốc tế đang quyết tâm tái cơ cấu, điều chỉnh lại mạng lưới sản xuất và cung ứng trên phạm vi toàn cầu và Việt Nam là ứng viên sáng giá.
Trong tình hình mới, “chúng ta vừa tập trung thu hút vốn đầu tư nước ngoài vừa chủ động bảo vệ DN trong nước, tránh tình trạng DN bị thôn tính một cách bất hợp lý. Ngược lại, nên tạo điều kiện để một số tập đoàn, DN lớn của ta dồn lực, mua lại DN nước ngoài thuộc những lĩnh vực công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao. Đồng thời, khuyến khích đầu tư vào một số ngành “nóng” như hóa dược, sinh học, thiết bị y tế,” ông Hoàng nói.
Dù nhiều doanh nghiệp, chuyên gia kiến nghị cần bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu nhưng các cơ quan quản lý cho rằng, vẫn phải...
Nguồn: [Link nguồn]