Cảnh báo: Dịch Covid-19 sẽ khiến số người phá sản nhiều hơn số người chết
Chỉ trong vòng hơn 1 tuần qua, hàng nghìn tỷ USD đã biến mất khỏi thị trường tài chính thế giới.
Italy đang phong tỏa toàn lãnh thổ vì dịch Covid-19 bùng phát mạnh khiến nhà hàng, quán ăn, shop thời trang... vắng tanh vắng ngắt.
Trong khi đó, tính từ đầu mùa dịch Covid-19 đến nay, giới tỷ phú trên toàn cầu đã mất đi khoảng 950 tỷ USD. Theo nhận định của báo The Independent, dịch Covid-19 chắc chắn sẽ khiến số người phá sản, thất nghiệp, mất thu nhập nhiều hơn số người tử vong vì dịch bệnh. Đó mới là hậu quả khủng khiếp thực sự của tình thế khẩn cấp toàn cầu hiện nay.
Hậu quả kinh tế lớn hơn nhiều rủi ro sức khỏe
Báo The Independent dẫn lời chuyên gia kinh tế Omar Hassan nhận định, hậu quả kinh tế của đại dịch toàn cầu Covid-19 lớn hơn nhiều, cụ thể là theo cấp số nhân so với rủi ro sức khỏe mà nó đã tạo ra đối với con người.
“Nếu bạn là một người trưởng thành không may mắc Covid-19, việc đầu tiên là bạn sẽ bị ốm, bị cách ly. Tiếp sau đó, bạn không thể tiếp tục đi làm, chủ lao động sẽ đưa bạn vào danh sách “dư thừa”. Hoặc bạn sẽ bị phá sản doanh nghiệp nếu là chủ đầu tư không đủ khả năng thanh toán hàng loạt hóa đơn trong khi công việc vị đình trệ...”, ông Omar Hassan nói.
Việc hàng ngàn tỷ USD đã biến mất khỏi thị trường tài chính trong hơn một tuần vừa qua có lẽ cũng chỉ là sự khởi đầu, nếu chính phủ các nước không mạnh tay can thiệp, ngăn chặn và khống chế dịch bệnh. Và theo chuyên gia Hassan, nếu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump không đưa nước Mỹ vào tình trạng khẩn cấp quốc gia vào cuối tuần qua mà tiếp tục “vấp ngã” trong việc xử lý tình dịch bệnh. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến cơ hội tái đắc cử của ông chủ Nhà Trắng.
Cựu Phó tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ Joe Biden, người cũng đã nhanh chóng xác định sự lúng túng trong xử lý dịch Covid-19 là một điểm yếu của Donald Trump. Đối thủ của đương kim Tổng thống Mỹ trong cuộc đua vào Nhà Trắng lập tức chớp lấy thời cơ để tung ra những hứa hẹn về khả năng lãnh đạo, quản trị đất nước tốt hơn cựu tỷ phú địa ốc.
Trên toàn thế giới, dịch Covid-19 đã khiến cho gần 150.000 người mắc bệnh, giết chết gần 6 nghìn người (trong đó có hơn 30 công dân Mỹ), hơn nửa số người mắc virus (khoảng 74.000 ca) đã khỏi bệnh tính đến hết ngày 15/3.
Tuy nhiên, Covid-19 đã và sẽ tiếp tục làm “tê liệt” hàng triệu người về kinh tế. Đặc biệt, dịch bệnh này đã hình thành “một cơn bão” với sức tàn phá ghê gớm tác động song hành với các vụ đổ vỡ quy mô trên thị trường chứng khoán, chiến tranh dầu mỏ giữa Nga và Arab Saudi cũng như cuộc chiến chưa có lối thoát ở Syria. Cuộc chiến này đang tạo ra thêm một cuộc khủng hoảng di cư tiềm năng khi Thổ Nhĩ Kỳ mở cửa biên giới để người tị nạn chiến tranh tràn vào châu Âu.
“Bên cạnh đó, chúng ta có thể nhận thấy rằng dịch Covid-19 bùng phát cùng với thời điểm các công ty khởi nghiệp, doanh nghiệp mới bắt đầu sinh lợi (những công việc rất quan trọng giúp thúc đẩy nền kinh tế phát triển và ổn định ở cấp độ mới). Cái giá mà các công ty này phải trả trong tình huống không thể ngờ là quá lớn, rất nhiều trong số này sẽ phá sản hoặc lâm vào tình cảnh khốn khó”, nhà kinh tế Hassan nhận định.
Quảng trường Thời Đại ở New York vắng vẻ chưa từng có sau khi Mỹ ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia - ảnh The Globe and Mail.
Duy trì kinh tế cũng quan trọng như tìm ra vaccine ngăn virus
Theo chuyên gia kinh tế Omar Hassan, thật khó để tưởng tượng Italy sẽ không bước vào một cuộc suy thoái (nền kinh tế lớn thứ 9 thế giới hiện đang bị phong tỏa vì Covid-19). Và cũng thật khó để tưởng tượng rằng Covid-19 sẽ không ảnh hưởng đến châu Âu và đối tác thương mại lớn nhất của họ - Hoa Kỳ. “Không ai có thể biết trước sẽ có bao nhiêu quốc gia trong liên minh châu Âu và ở những phần còn lại của thế giới có thể sẽ bước vào giai đoạn suy thoái vì Covid-19 trừ khi các chính phủ vào cuộc nhanh chóng và quyết liệt hơn trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh có tốc độ lây lan khủng khiếp này”, chuyên gia Omar Hassan cho hay. |
Giữ ổn định và duy trì nền kinh tế cũng là việc quan trọng giống như cuộc chiến chống lại virus Corona chủng mới.
Nếu các chính phủ duy trì được nền kinh tế của mình, điều đó cũng giống như “có vaccine” phòng vệ trước một cuộc khủng hoảng kinh tế tiềm tàng, dễ gây hoảng loạn trong tương lai gần nếu dịch bệnh phát triển theo hướng tồi tệ hơn hiện nay.
Sự đau khổ của con người có thể đến dưới dạng bệnh tật và cái chết. Nhưng nó cũng có thể được trải nghiệm qua việc một người nào đó không thể thanh toán các hóa đơn hàng tháng hoặc buộc phải bán nhà, cầm cố tài sản để sinh tồn.
Các doanh nghiệp nhỏ ở các quốc gia là những đối tượng đang gặp khó khăn nhất hiện nay khi chuỗi cung ứng đã cạn kiệt, khiến họ không có sản phẩm hoặc nguyên liệu thiết yếu để tiếp tục sản xuất.
Việc đóng cửa các nhà máy chế tạo nguyên liệu tại Trung Quốc đã được thể hiện qua chỉ số đo lường khối lượng xuất khẩu (Purchasing Manager’s Index) đang ở mức thấp kỷ lục ở nước này.
Trung Quốc là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới, chiếm 1/3 năng lực sản xuất toàn cầu. Do đó, một vấn đề nào đó xuất hiện ở Trung Quốc cũng là vấn đề của tất cả các nước khác - ngay cả khi chiến tranh thương mại giữa Nhà Trắng và Bắc Kinh chưa kết thúc.
Tất cả những điều này càng trở nên đáng lo ngại hơn khi một số chính phủ tiếp tục coi Covid-19 chỉ là một cuộc khủng hoảng sức khỏe, không phải là một vấn đề kinh tế. “Đã đến lúc các nhà kinh tế cần song hành và tiếp quản trách nhiệm với các bác sĩ, trước khi đại dịch thực sự (khủng hoảng kinh tế) lan rộng”, chuyên gia Omar Hassan nhấn mạnh.
Nguồn: [Link nguồn]
Phiên giao dịch đầu tuần chứng kiến sự giảm sàn của một số cổ phiếu lớn khiến VN-Index mất gần 14 điểm.