Cẩn trọng khi đổi tiền lẻ Tết qua mạng

Sự kiện: Tết Giáp Thìn 2024

Gần Tết Nguyên đán, nhu cầu đổi tiền lẻ của người dân càng cao, cũng vì thế mà trên mạng xuất hiện những website đáp ứng như cầu này. Thế nhưng, đổi tiền lẻ qua mạng có thể là hành vi vi phạm pháp luật.

Nhu cầu tăng cao

Chỉ cần tìm kiếm trên Google với từ khóa “đổi tiền lẻ”, vô số kết quả xuất hiện với những website như doitienle.com.vn, doitienmoi.vn, dichvudoitien.com… Thậm chí, dịch vụ đổi tiền lẻ cũng dễ dàng tìm thấy trên mạng xã hội Facebook, từ các hội nhóm cho đến tài khoản cá nhân.

Thế nhưng, không phải ai cũng biết rằng việc thực hiện hành vi đổi tiền lẻ qua mạng với một mức phí “phải chăng” cũng là hành vi vi phạm pháp luật. Cho dù việc đổi tiền lẻ là do nhu cầu của người dân, hay người đổi tiền hoàn toàn đồng ý với mức chi phú được đưa ra mỗi lần giao dịch.

Việc đổi tiền lẻ được quảng cáo công khai trên Facebook (Ảnh chụp màn hình)

Việc đổi tiền lẻ được quảng cáo công khai trên Facebook (Ảnh chụp màn hình)

Hiện nay, phí đổi tiền lẻ được giao động ở mức 1 - 7%, tùy vào mệnh giá, độ mới của tiền được quy đổi. Ví dụ, một tài khoản Facebook có tên Lâm Voi công khai lấy phí 4% với cọc tiền mệnh giá 50.000 đồng, giao dịch trực tiếp tại khu vực quận Thanh Xuân (TP Hà Nội).

Thậm chí, dạo qua các hội nhóm đổi tiền lẻ, cũng có thể thấy rất nhiều người có nhu cầu đổi tiền lẻ với số lượng lớn, như “cần gom 2 tỷ tiền 20.000” hay “cần đổi 50 triệu sang tiền 100.000, cần phí tốt”…

Có thể thấy rằng, nhu cầu đổi tiền lẻ, tiền mới của người dân cho dịp Tết Nguyên đán rất lớn. Số tiền lẻ được đổi thường dùng để đi lễ đền, chùa và làm tiền mừng tuổi lấy may, đây cũng là một nhu cầu chính đáng với mong muốn một năm mới ấm no, đủ đầy hơn năm cũ.

Nguy cơ lừa đảo và vi phạm pháp luật

Liên quan đến việc đổi tiền lẻ qua mạng, tối 19/1 vừa qua, Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, những quảng cáo dịch vụ đổi tiền mới trên các trang mạng xã hội tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người đổi tiền.

Thực tế đã có không ít người thực hiện giao dịch đổi tiền mới nhưng khi nhận lại tiền được đổi thì không đủ như cam kết, thậm chí khi nhận lại là tiền giả.

Các đối tượng lợi dụng thời cơ, đánh vào tâm lý của người muốn đổi tiền để thực hiện hành vi lừa đảo. Đa số đối tượng khi nhận được tiền thật của người có nhu cầu đổi tiền liền chặn liên lạc và “lặn” mất tăm.

Thông thường những người “sập bẫy” các chiêu lừa đảo và bị đổi tiền giả đều xem như “xui”, không ai trình báo đến các cơ quan chức năng vì sợ bị truy cứu trách nhiệm về tội mua bán tiền giả.

 Dịch vụ đổi tiền lẻ nở rộ dịp cuối năm (Ảnh chụp màn hình)

 Dịch vụ đổi tiền lẻ nở rộ dịp cuối năm (Ảnh chụp màn hình)

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, từ nhu cầu thanh toán, lưu thông hàng hóa - tiền tệ trong dịp cuối năm thường tăng cao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam luôn chỉ đạo hệ thống Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố và các tổ chức tín dụng tăng cường công tác thanh toán, công tác tiền tệ - kho quỹ, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiền mặt về cả số lượng, cơ cấu và chất lượng tiền cho lưu thông hàng hóa - tiền tệ, nhất là cho doanh nghiệp thương mại, siêu thị dịp cuối năm và Tết cổ truyền.

Do đó, mọi hành vi thu, đổi tiền mới, tiền lẻ của cá nhân, tổ chức khác nhằm hưởng chênh lệch và rao đổi tiền trên mạng không được phép, đều vi phạm quy định pháp luật và phải được ngăn chặn, xử lý nghiêm.

Theo Nghị định số 88/2019/NĐ-CP (Nghị định số 88) xử phạt vi phạm quy định về quản lý tiền tệ và kho quỹ, hành vi đổi tiền mới, tiền lẻ để ăn chênh lệch là hành vi vi phạm pháp luật. Theo đó, hành vi này xâm phạm đến trật tự xã hội và xâm phạm đến hoạt động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Với hành vi này thì cá nhân hay tổ chức thực hiện hành vi đổi tiền để ăn chênh lệch sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 88.

 Không phải ai cũng biết, đổi tiền lẻ thu phí qua mạng là hành vi vi phạm pháp luật (Ảnh chụp màn hình)

 Không phải ai cũng biết, đổi tiền lẻ thu phí qua mạng là hành vi vi phạm pháp luật (Ảnh chụp màn hình)

Cụ thể, căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 30 Nghị định số 88 thì cá nhân vi phạm việc thực hiện đổi tiền không đúng quy định sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng.

Bên cạnh đó, theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị định số 88 cũng quy định về mức phạt tiền xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm sẽ bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Theo đó, khi tổ chức thực hiện hành vi đổi tiền mới, tiền lẻ dịp Tết để ăn chênh lệch sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính mức tiền từ 40 triệu đồng đến 80 triệu đồng.

Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người dân cần cẩn trọng với dịch vụ đổi tiền lấy phí đang diễn ra trên mạng vì không những vi phạm pháp luật mà còn có nguy cơ gặp phải tiền giả, hoặc bị "bùng" tiền đặt cọc...

Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo, yêu cầu cán bộ ngân hàng không được trực tiếp hoặc gián tiếp tiếp tay cho những đối tượng đổi tiền mới hưởng chênh lệch giá. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp nhận phản ánh và phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để quản lý tốt, hạn chế sai phạm phát sinh, bảo đảm an ninh, an toàn tiền tệ, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Nhu cầu đổi tiền mới để lì xì người thân, bạn bè đang tăng khiến dịch vụ này trở nên sôi động những ngày gần đây.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Châu ([Tên nguồn])
Tết Giáp Thìn 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN