Căn hộ ngoại thành lên tới 60-70 triệu đồng/m2, người lao động khó mua nổi
Chuyên gia bất động sản làm nghề 15 năm cũng không ngờ giá chung cư ngoại thành Hà Nội lên đến 60 - 70 triệu đồng/m2. Với mức lương bình quân của người lao động hiện nay nếu mua nhà họ khó đủ tiền để trả lãi vay ngân hàng.
Đầu cơ đẩy giá bất động sản
Tại hội thảo “Tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển” do báo Lao Động tổ chức hôm nay (5/7), ông Lê Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, bên cạnh những người mua ở thực có những người "không thiếu nhà" nhưng vẫn muốn mua để đầu tư. Trong khi nguồn cung thị trường ít ỏi, không đáp ứng được hết nhu cầu khiến "giá bị đẩy lên cao".
Theo lãnh đạo Vụ Đất đai, tình trạng này phổ biến với các phân khúc nhà ở bởi vừa tầm tiền, dễ mua bán với phần đông nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhìn nhận, giá chung cư tăng cao, khả năng tiếp cận nhà của người dân, đặc biệt người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp ngày càng khó.
"Giá chung cư ngoại thành giờ đã lên 60-70 triệu đồng một m2, điều tôi không ngờ trong suốt 15 năm làm nghề", ông Khánh nói và cho rằng, với mức lương bình quân của người lao động hiện nay nếu mua nhà họ khó đủ tiền để trả lãi vay ngân hàng.
Ông Đỗ Viết Chiến, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đánh giá, dù giá nhà tại Việt Nam đang thấp hơn một số nơi trong khu vực như Singapore, Hong Kong nhưng giá nhà lại quá cao so với thu nhập của người dân.
Hội thảo “Tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển” ngày 5/7. Ảnh: T.H
Ghi nhận thị trường thời gian qua, chung cư đã hạ nhiệt quan tâm nhưng giá vẫn chưa giảm như kỳ vọng của phần đông người dân.
Nhiều nghiên cứu khảo sát thị trường cho thấy, tại Hà Nội và TP.HCM trong 6 tháng đầu năm nay chỉ có nguồn cung căn hộ cao cấp, căn hộ siêu sang. Giá bán căn hộ ở ngưỡng 50 triệu đồng/m2 trở lên.
Hầu hết giao dịch thành công trên thị trường trong nửa đầu năm chỉ tập trung vào phân khúc chung cư cao cấp, thị trường đang lệch pha cung cầu khi chỉ có nguồn cung căn hộ cao cấp, siêu sang nhưng vắng bóng căn hộ giá vừa túi tiền.
Một số chuyên gia tham gia hội thảo cho rằng, nguồn cung khan hiếm và thị trường chỉ có sản phẩm chung cư cao cấp là hai nguyên nhân đẩy giá nhà tăng vọt từ đầu năm đến nay.
Theo số liệu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), nguồn cung bất động sản giảm mạnh từ năm 2018 đến nay.
Năm 2018 nguồn cung bất động sản cả nước đạt khoảng 180.000 sản phẩm, nhưng các năm tiếp theo nguồn cung bất động sản liên tục giảm. Đến năm 2023, nguồn cung bất động sản có sự cải thiện nhẹ, tăng lên 55.000 sản phẩm nhưng chỉ bằng khoảng 30% so với năm 2018.
Nguồn cung bất động sản giảm mạnh từ năm 2018 đến nay. Biểu đồ: Hồng Khanh
Tháo gỡ pháp lý, thúc đẩy nguồn cung
Tại hội thảo, các chuyên gia đánh giá, tháo gỡ pháp lý, thúc đẩy nguồn cung là lời giải cho những tồn tại của thị trường nhà ở nhiều năm qua.
Để tăng nguồn cung nhà ở trong thời gian tới, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng, cần rút ngắn thời gian cấp phép dự án, thủ tục cấp phép cần đơn giản hơn.
Còn theo ông Đỗ Viết Chiến, Chính phủ đã nhìn ra sự mất cân đối của thị trường và đã thông qua đề án xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội. Vấn đề lúc này là tổ chức thực hiện hiệu quả, nếu hoàn thành đề án sẽ hóa giải được tình trạng khan hiếm nguồn cung nhà ở xã hội.
Ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục nhà ở và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho hay, nguồn cung khan hiếm, giá nhà leo thang, thiếu nhà giá rẻ... vẫn là những khó khăn của thị trường kéo dài nhiều năm qua.
Ông Dũng thông tin, Bộ Xây dựng đã hoàn thiện tất cả nghị định hướng dẫn chi tiết Luật Đất đai, sẵn sàng để trình Chính phủ, đảm bảo triển khai khi Luật có hiệu lực.
Về hai luật Nhà ở và Kinh doanh Bất động sản, ông Dũng cho biết, 5 nghị định do Bộ Xây dựng soạn thảo cũng đã hoàn thành, đảm bảo thực thi khi các luật cùng có hiệu lực từ ngày 1/8.
Nguồn: [Link nguồn]
Giá bán neo cao, mức độ quan tâm giảm, nhưng chung cư vẫn là phân khúc có thanh khoản tích cực hơn các loại hình khác vì nhu cầu lớn trong khi nguồn cung hạn chế.