Cận cảnh biệt thự cổ 35 triệu đô quây tôn ở Sài Gòn
Sau khi “thâu tóm” ngôi biệt thự cổ tại 110 – 112 Võ văn Tần, quận 3, TPHCM với giá 35 triệu đô, Công ty Cổ phần Minerva đang cho quây tôn kín mít xung quanh để tiến hành trùng tu, sửa chữa những hạng mục xuống cấp. Hiện ngôi biệt thự cổ này không còn cái tên cũ "Biệt thự Phương Nam" mà thay vào đó là cái tên mới "The Villa".
Biệt thự 110 - 112 Võ Văn Tần nằm ở vị trí đất "vàng" quận 3, TP.HCM. Đây là biệt thự hai tầng được xây dựng trên mảnh đất tiếp giáp 3 mặt đường Nguyễn Thị Diệu, Bà Huyện Thanh Quan và Võ Văn Tần. Ngôi nhà nguyên thủy có diện tích xây dựng 1.100m2, cảnh quan 1.700 m2, cả khuôn viên rộng 2.800m2. Biệt thự trước đây đứng tên một số người.
Vào cuối năm 2015, ngôi biệt thự cổ này được Công ty Cổ phần Minerva mua lại với giá trị 35 triệu USD.
Vào ngày 27/11/2018, tại TP.HCM đã diễn ra tọa đàm “Không gian di sản - Bảo vệ và phát huy giá trị các công trình kiến trúc, lịch sử, văn hóa tại TP.HCM”, trong đó, việc bảo tồn và trùng tu biệt thự cổ tại 110-112 Võ Văn Tần đã được đem ra bàn thảo.
Sau gần 3 năm tập trung vào việc đánh giá và nghiên cứu của các chuyên gia quốc tế và Việt Nam, đã đưa ra đề án phục dựng hoàn chỉnh cho biệt thự 110-112 Võ Văn Tần, trị giá 35 triệu USD, gần 800 tỉ đồng.
Theo ghi nhận thực tế của PV Tiền Phong thì hiện nay khu vực biệt thự này đang được quây tôn và có cái tên mới là The Villa không còn cái tên cũ là Biệt thự Phương Nam.
Theo bảng thông tin tại dự án thì quy mô dự án gồm khối nhà chính 2 tầng, tổng diện tích sàn 2.531 m2 do CTCP Minerva làm chủ đầu tư. Tư vấn thiết kế là liên danh CNPN-ACCCO giữa CTCP Cội nguồn Phương Nam và CTCP Tư vấn Kiến trúc và Xây dựng TP.HCM. Tư vấn giám sát là CTCP Kiểm định Xây dựng Sài Gòn 2 (SCQC-2). Nhà thầu chính đến từ HongKong, là Công ty TNHH Stonewest. Công trình được xây dựng theo giấy phép số 1643/UBND ngày 3/8/2018 của UBND Quận 3, TP.HCM và dự kiến hoàn thành vào ngày 1/10/2020.
Hạng mục đầu tiên nhóm trùng tu sẽ dỡ dãy nhà phía sau biệt thự nằm ở mặt đường Nguyễn Thị Diệu. Đây là công trình được xây dựng thêm sau năm 1975 không mang dấu ấn biểu trưng. Bước tiếp theo là nâng cấp hàng rào và 3 cổng nằm ở hai mặt đường Võ Văn Tần và Bà Huyện Thanh Quan. Cuối cùng là trùng tu hội trường âm nhạc, nhà chính và mái.
Cho đến giờ, êkíp trùng tu vẫn chưa xác định được năm chính xác biệt thự này được xây dựng.
Theo thông tin mà PV Tiền Phong có được thì Công ty Cổ phần Minerva được thành lập tháng 7/2015. Không lâu sau thời gian thành lập Cty này đã chi số tiền 35 triệu USD mua lại căn biệt thự. Được biết, khi thành lập Cty này có số vốn điều lệ là 200 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn, bảo tàng. 3 cổ đông góp vốn là bà Mary Chu Yuet Fan (Chu Duyệt Phấn 80%) và ông Trương Lập Hưng, bà Trương Huệ Vân mỗi người sở hữu 10%. Sau nhiều lần thay đổi đăng ký kinh doanh, Minerva hiện có vốn điều lệ 930 tỷ đồng, trong đó CTCP Tập đoàn Horizon nắm tới 94,2%.
Sau đó, bà Chu Duyệt Phấn đã chuyển toàn bộ cổ phần của mình tại Minerva cho Công ty cổ phần Tập đoàn Horizon nhưng bà Chu Duyệt Phấn vẫn giữ chức Chủ tịch HĐQT công ty.
Cũng theo nguồn tin của PV, bà Chu Duyệt Phấn là con gái của doanh nhân Trương Mỹ Lan - bà chủ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Những ngôi nhà cổ ở Hà Nội liên tiếp đổ sập trong những năm gần đây gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Trong...