Cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ: Lo ngại biến tướng và lối thoát nào cho 217 doanh nghiệp đang hoạt động dịch vụ này?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Ngày 17/6/2020, Quốc hội biểu quyết thông qua dự án luật Đầu tư (sửa đổi).

Chia sẻ của người trong cuộc

Một tuần sau khi thông tin trên được công bố, tôi liên hệ làm việc với công ty Cổ phần Thu hồi nợ Đại Nam ở địa chỉ phường Trung Kính, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Tiếp chúng tôi, ông Nguyễn Quang Huy – Chủ tịch HĐQT công ty cho biết có nắm được thông tin về việc ngành nghề kinh doanh của mình đã bị cấm, song cho đến thời điểm luật Đầu tư mới có hiệu lực (01/01/2021) thì công ty của ông vẫn hoạt động bình thường.

“Nói bây giờ thì có giải quyết được vấn đề gì không?” – ông Huy đặt câu hỏi với tôi, rồi tự trả lời: “Thôi thì mình là doanh nghiệp hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, giờ Nhà nước cấm mình phải chấp hành. Tuy nhiên tôi tin rằng một thời gian nữa, điều này có thể sẽ phải thay đổi. Các chuyên gia nói mãi rồi, cấm cái gì thị trường có nhu cầu chẳng những không cấm được mà còn có thể làm biến tướng của nó phát sinh nhiều hơn”.

“Bản thân những công ty đòi nợ hợp pháp như chúng tôi chính là những người phản đối nạn “người xăm trổ mang dao đi đòi nợ” nhất, vì họ làm ảnh hưởng đến danh tiếng của chúng tôi. Không lý do gì chúng tôi lại đi đòi nợ bằng cách thức côn đồ như vậy” – ông Huy chia sẻ.

Theo Chủ tịch công ty Đại Nam, công ty đã có bề dày hoạt động nhiều năm, bản thân ông Huy xuất thân làm công việc này đã hơn 10 năm ở TP. Hồ Chí Minh. Đầu năm nay ông mới mở thêm chi nhánh ở Hà Nội, gặp đợt dịch Covid-19 nên cũng “tê liệt” hoạt động đến giờ.

“Tôi đang dự tính sẽ thành lập doanh nghiệp khác, nhưng tất cả đang phải chờ đến ngày quyết định trên có hiệu lực, xem cơ quan quản lý hướng dẫn cụ thể thế nào” – Chủ tịch công ty Đại Nam nói.

Còn ông Nguyễn Thanh Sơn – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thu Nợ Dân An (ở phố Lê Duẩn, Hoàn Kiếm, Hà Nội), trong buổi tiếp PV ĐS&PL thì nhận định cần có lộ trình phù hợp và hướng dẫn sát với thực tế.

Dân An được xem là một trong những công ty đòi nợ thuê được biết đến nhiều nhất ở Việt Nam, thành lập từ năm 2002 với mô hình gồm 1 trụ sở chính, 2 văn phòng hoạt động tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, quy mô khoảng 50 người. Bản thân vốn là luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết, hiện nay công ty đang triển khai dở dang rất nhiều hợp đồng đòi nợ với khách hàng, trong đó có những khách hàng nổi tiếng, hợp đồng giá trị rất lớn, nếu ngay lập tức phải dừng hoạt động sẽ không tránh khỏi hệ luỵ.

“Tôi nghĩ Nhà nước cần có hướng dẫn chi tiết, thậm chí là cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp chứ không thể nói xoá bỏ là xoá bỏ ngay. Về lâu dài, tôi cho rằng rất có thể hoạt động đòi nợ thuê không biến mất hoàn toàn mà nó sẽ được chuyển đổi linh hoạt sang hình thức khác, ví dụ công ty xử lý nợ chẳng hạn...” – ông Sơn nhận định.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Một số doanh nghiệp kinh doanh đòi nợ khác khi được hỏi, đều có chung quan điểm với ông Huy và ông Sơn. Họ nói, khi pháp luật chưa cấm thì họ hoạt động có đăng ký kinh doanh đàng hoàng, trong quá trình hoạt động cũng không vi phạm pháp luật. Giờ Nhà nước muốn cấm thì phải có cơ chế hỗ trợ để tháo gỡ khó khăn, tránh hệ luỵ đến các khách hàng và nhân sự đang ổn định.

“Món nợ khó đòi” và những dự báo của chuyên gia pháp lý

Trước khi dịch vụ đòi nợ thuê được đa số ĐBQH bấm nút thông qua trao đổi với PV ĐS&PL, Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học (bộ Công an) cho biết, cả bên nợ lẫn bên chủ nợ đều đứng trước những rủi ro rất lớn về pháp lý vì đối tượng được thuê đòi nợ phải tạo áp lực để thu nợ, có không ít trường hợp bên đòi nợ đang đúng trở thành sai. Thậm chí, tình trạng đòi nợ thuê do các nhóm công ty, các nhóm giang hồ xã hội đen thực hiện đã trở thành một chuyên đề công tác đấu tranh của bộ Công an trong năm 2019.

“Theo chúng tôi, dịch vụ đòi nợ rất nhạy cảm, cần phải luật hóa với những điều kiện rất cụ thể, quy định ràng buộc trách nhiệm chặt chẽ liên quan đến đối tượng đòi nợ và chính quyền địa phương khi mà tiếp nhận các thông tin. Chẳng hạn, khi công ty đòi nợ đến đề nghị trợ giúp của chính quyền địa phương để thực hiện những hợp đồng dịch vụ này, theo chúng tôi, vì tính chất nhạy cảm, diễn biến khó lường của sự việc, cần thiết phải có sự chứng kiến của chính quyền địa phương ở những vụ đòi nợ này để việc đòi nợ diễn ra một cách hợp pháp” - Trung tá Đào Trung Hiếu từng đề xuất.

Còn hiện tại, ông Hiếu cho rằng, khi pháp luật đã chính thức cấm, thì hoặc là các công ty này phải chấm dứt hoạt động, hoặc phải chuyển đổi lĩnh vực kinh doanh sang ngành nghề hợp pháp khác.

Luật sư Hoàng Ngọc Biên (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho rằng để thay đổi một chính sách quan trọng như xoá bỏ một ngành nghề kinh doanh, cơ quan quản lý chắc chắn phải có văn bản hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp thực hiện, tránh gây xáo trộn quá lớn đến thị trường cũng như về mặt xã hội, ví dụ như việc làm, người lao động...

Cùng góc tiếp cận như trên, trao đổi với PV ĐS & PL, TS Cao Vũ Minh (giảng viên khoa Luật Hành chính – ĐH Luật TP. HCM, Phó tổng Biên tập tạp chí Pháp lý Việt Nam) nêu quan điểm: “Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật 2015 có quy định phải “lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động”, tôi không rõ dự thảo luật Đầu tư (sửa đổi) lần này có lấy ý kiến của 217 doanh nghiệp đang kinh doanh đòi nợ hay không?”.

“Có khả năng họ sẽ phải giải thể doanh nghiệp, hoặc là chuyển đổi ngành nghề kinh doanh, tuy nhiên nếu trong báo cáo đánh giá tác động của chính sách mà có lấy ý kiến của họ chắc chắn sẽ có một giải pháp phù hợp trong tình hình này” – TS Cao Vũ Minh, người từng không đồng tình việc cấm dịch vụ đòi nợ thuê, nói.

LS Trương Thanh Đức (Chủ tịch công ty Luật Basico) cho rằng việc cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ có thể sẽ dẫn đến các hình thức “lách luật” kiểu như “uỷ quyền đòi nợ có thu phí”, “mua bán nợ không có thật” (tức là giao kết không có thật về việc mua bán nợ, chủ yếu để lấy tư cách đi đòi nợ thuê) hoặc là chức năng đòi nợ sẽ được “ẩn náu” trong các văn phòng luật sư.

“Việc cấm dịch vụ đòi nợ thuê dẫn tới tình trạng các công ty tài chính có thể mất vốn nhiều hơn, khiến họ ngại cho vay, vô tình khuyến khích tín dụng đen phát triển, lãi suất của các công ty tài chính, ngân hàng cũng sẽ cao hơn vì không thu hồi được nợ xấu", ông Đức dự báo.

Đồng thời vị chuyên gia có 30 năm tư vấn tài chính cho doanh nghiệp nhận định: "Với quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê, chúng ta có thể chuyển từ việc chỉ phải quản lý 217 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ sang phải quản lý vô vàn vụ người dân tự phát đi đòi nợ. Nó có thể sẽ phát sinh nhiều hệ lụy vì thiếu hiểu biết về pháp luật, còn các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ dẫu sao cũng đã được đào tạo bài bản, hoạt động theo luật pháp".

Vương quốc Anh đang ôm khối nợ lớn hơn nền kinh tế cả nước

Khối nợ của Anh hiện có giá trị cao hơn toàn bộ nền kinh tế của nước này sau khi chính phủ vay số tiền kỷ lục vào...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Minh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN