Cái Tết “chưa từng có” của thị trường lao động

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Ngày càng nhiều DN cho lao động nghỉ Tết sớm, dài ngày, trong khi dịp này mọi năm đang hối hả tăng ca để kịp đơn hàng cho đối tác.

Cái Tết “lạ lùng”

75% lao động chịu ảnh hưởng làm việc trong doanh nghiệp FDI, tập trung ba ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ

75% lao động chịu ảnh hưởng làm việc trong doanh nghiệp FDI, tập trung ba ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ

Là một công nhân vừa quyết định nghỉ việc 2 tháng nay tại một công ty chuyên về linh kiện điện tử tại Khu công nghiệp Nam Thăng Long (Hà Nội), chị Đỗ Thị Lan Hương chia sẻ, công ty không có đơn hàng, công nhân chỉ ở nhà hưởng lương ngừng việc (tương ứng 70% lương cơ bản).

Mức lương 4 triệu đồng không đủ trả tiền giúp việc trông con nhỏ, nên chị phải tạm nghỉ. 8 năm gắn bó với công ty, đây là lần đầu tiên chị thấy tình trạng này.

Ghi nhận của PV những ngày qua cho thấy, thị trường lao động đã “ngấm đòn” với diễn biến thiếu đơn hàng, thiếu thanh khoản…

Mới đây, một doanh nghiệp môi giới bất động sản lớn tại Hà Nội thông báo cho toàn bộ nhân viên nghỉ Tết sớm từ ngày 12/12, không ai được hẹn ngày quay lại.

Tương tự, nhiều doanh nghiệp ở hai “thủ phủ công nghiệp” Đồng Nai và Bình Dương cũng đang lên kế hoạch cho người lao động được nghỉ Tết Nguyên đán 2023 dài ngày nhất có thể, bởi việc làm đang ít đi.

Đại diện Công đoàn Công ty TNHH Sản xuất đồ mộc Chien (Khu công nghiệp Tam Phước, TP Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết, năm nay công ty có kế hoạch cho 1.200 công nhân nghỉ Tết gần 1 tháng, trong khi mọi năm, nghỉ dài nhất khoảng 12 ngày.

Lý do là đơn hàng sụt giảm mạnh vào cuối năm và đơn hàng cho năm 2023 cũng chỉ lác đác - điều chưa từng có trong nhiều năm nay.

Đã cắt giảm hơn 1.000 lao động, ông Kiều Văn Đồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Gỗ Lee Fu Việt Nam (KCN Tam Phước, TP Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết, nhà máy vẫn hoạt động cầm chừng nên có thể phải nghỉ Tết Nguyên đán 2023 từ ngày 28/1, hoặc sớm hơn.

Là một trong những ngành có lượng đơn hàng giảm mạnh trên 50% thời gian qua, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) bày tỏ, chưa bao giờ thấy thị trường lao động Tết lạ lùng như hiện nay.

Hàng trăm doanh nghiệp trong hiệp hội đang tính cho lao động nghỉ Tết dài ngày, chỉ gọi lại khi có đơn hàng.

Hệ lụy lớn khi Tết cận kề

Nhớ lại những ngày đầu năm, ông Nông Văn Dũng, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đồng Nai cho hay, lúc đó, để vận động người lao động trở lại làm việc, Sở còn phải cử cán bộ đi Tây Nguyên, miền Tây để động viên, thuyết phục.

Trong khi, hiện nay, địa bàn tỉnh có trên 24.000 lao động mất việc làm, bị ngừng việc hoặc phải tạm hoãn hợp đồng; 15.000 lao động có nhu cầu về quê sớm so với mọi năm.

Dư địa trong nước còn nhiều với ngành dệt may. Do đó, ngoài việc khai thác triệt để thị trường vừa được ưu đãi về thuế suất như châu Âu hoặc tăng mạnh khai thác ở các thị trường lân cận, còn ổn định như khu vực Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc... thì doanh nghiệp cũng cần tính toán đến các phương án hàng hóa phục vụ thị trường nội địa.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam

Tương tự, dù chưa có thống kê cụ thể, song đại diện tỉnh Bình Dương cũng khẳng định, hiện các doanh nghiệp cũng đã và đang có kế hoạch cho công nhân nghỉ Tết dài ngày, bởi đa số không có đơn hàng mới, thậm chí bị hủy cả đơn hàng cũ.

Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Ngọ Duy Hiểu cho biết, đến ngày 10/12, gần 434.000 người bị giảm giờ làm hoặc ngừng việc có hưởng lương; hơn 6.500 lao động tạm hoãn hợp đồng và 41.600 người đã mất việc.

75% lao động chịu ảnh hưởng làm việc trong doanh nghiệp FDI, tập trung ba ngành dệt may, da giầy, chế biến gỗ, chủ yếu ở phía Nam.

Trong số này có hàng nghìn công nhân nữ 35 tuổi trở lên, đang thai sản hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.

Thống kê cho thấy, lượng người nhận bảo hiểm thất nghiệp 10 tháng đầu năm tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, TP.HCM tăng gần 26%, Bình Dương 39,1%, Đồng Nai tăng 54,7% và Tiền Giang tăng 66,5%.

“Hệ lụy rất lớn khi Tết Nguyên đán cận kề”, ông Hiểu nói và cho rằng, tình hình sẽ rất căng thẳng khi dự báo, ra Tết sẽ có thêm gần 272.000 người bị giảm giờ làm và 15.800 lao động mất việc.

Giải pháp nào cho thị trường lao động?

Theo ông Hiểu, việc mất lao động hiện tại có thể chưa mang lại tác động tức thời, nhưng những tháng tới, khi tình hình được cải thiện, tốt dần lên, doanh nghiệp cần lao động có tay nghề chắc chắn sẽ khó tuyển dụng và tốn kém rất nhiều chi phí.

Đối với nền kinh tế, đó là sự giảm sút về năng suất lao động, giảm sút về tổng sản phẩm, về giá trị kinh tế và kéo theo là ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng...

Trước thực tế này, ông Ngọ Duy Hiểu cho hay, trước mắt các cấp công đoàn đề xuất với doanh nghiệp công bố phương án nghỉ Tết, trả lương, trả thưởng trước Tết ít nhất 20 ngày.

Với lao động mất việc, các bên phải chi trả đầy đủ chế độ liên quan BHXH, bảo hiểm thất nghiệp.

Lãnh đạo Tổng liên đoàn đề nghị Chính phủ, bộ, ngành tăng kiểm soát giá cả, không để lạm phát tăng cao và tổ chức điểm bán hàng bình ổn giá cho công nhân; hỗ trợ tiền vay lãi suất thấp cho doanh nghiệp thiếu đơn hàng để trả lương cơ bản, giữ chân lao động.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Giày Gia Định cho biết, doanh nghiệp cố gắng tìm những đơn hàng nhỏ lẻ, dù không mang lại hiệu quả kinh tế nhưng lại giải quyết được việc làm cho người lao động.

“Thời điểm này, chính sách hỗ trợ và an sinh cho lao động là hợp lý nhất để có thể giữ chân được lao động”, ông Trung nói.

Đó cũng là kiến nghị từ nhiều doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng chịu tác động mạnh nhất thời gian này.

Phần lớn đề xuất nghiêng về việc có thể cân nhắc miễn giảm phí công đoàn, giãn đóng bảo hiểm xã hội để hỗ trợ doanh nghiệp giữ việc cho công nhân.

Hiện, VCCI cũng đang kiến nghị trích Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (hiện kết dư khoảng 55.570 tỷ đồng) để hỗ trợ người mất việc.

Tuy nhiên, họ cũng cho rằng, về lâu dài, cũng cần thêm chính sách thúc đẩy thị trường và cũng cần sự linh hoạt hơn từ bản thân doanh nghiệp.

Kiểm toán phát hiện nguồn cải cách tiền lương TPHCM cấp thừa gần 2.000 tỷ đồng

Qua kiểm toán tại TPHCM, căn cứ theo số liệu tại ngày 31/7/2022 xác định cấp thừa nguồn cải cách tiền lương các quận, huyện là gần 2.000 tỷ đồng, chưa thu hồi kịp thời nguồn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Hạnh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN