Các ông lớn bất động sản vào cuộc đua xây nhà xã hội

Nhiều doanh nghiệp bất động sản, trong đó có những ông lớn vốn chỉ làm dự án cao cấp, nghỉ dưỡng, đã tính xây nhà ở xã hội với quy mô chục nghìn căn.

Cuộc đua xây dựng nhà ở xã hội bắt đầu nóng từ đầu năm 2023 khi thị trường bất động sản rơi giai đoạn khó khăn nhất. Khi phần lớn phân khúc đều rơi vào trầm lắng, thanh khoản kém, nhất là các sản phẩm cao cấp, nhà ở xã hội và nhà thương mại bình dân duy trì lực cầu lớn nhưng nguồn cung thiếu hụt.

Nhiều chuyên gia trong ngành chỉ ra nhà xã hội chính là "phao cứu sinh" của doanh nghiệp địa ốc. Tuy nhiên, xuyên suốt năm ngoái, xây nhà xã hội chủ yếu nằm ở kế hoạch và việc tìm hiểu đầu tư. Đến nửa đầu năm 2024, cuộc đua xây nhà xã hội nóng lại và được các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ.

Mới đây, Tập đoàn địa ốc Hoàng Quân đã ký hợp tác chiến lược với Novaland để xây nhà ở xã hội tại TP HCM và các tỉnh phía Nam, mục tiêu hoàn thành 3.000 căn trong năm nay. Theo thỏa thuận, Địa ốc Hoàng Quân và Novaland sẽ cùng đóng góp tài chính, năng lực, kinh nghiệm, khai thác quỹ đất sẵn có của cả hai để xây dựng các dự án nhà xã hội tại TP HCM và nhiều địa phương khác như Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, Long An...

Trong tài liệu Đại hội đồng cổ đông 2024, Chủ tịch Địa ốc Hoàng Quân Trương Anh Tuấn cho biết doanh nghiệp sẽ hoàn thành ít nhất 50 dự án nhà xã hội với khoảng 50.000 sản phẩm tại TP HCM, Đồng Nai, Long An đến năm 2030. Trong năm nay, doanh nghiệp sẽ tích cực tìm kiếm quỹ đất để phát triển dự án.

Lần hợp tác này với Hoàng Quân cũng đánh dấu việc Novaland tham gia xây nhà ở xã hội. Trước đây, doanh nghiệp này chủ yếu phát triển các dự án thương mại cao cấp, nghỉ dưỡng. Tại một hội nghị với Thủ tướng, lãnh đạo Novaland từng tuyên bố sẵn sàng nhận nhiệm vụ phát triển 200.000 căn nhà xã hội tại các tỉnh phía Nam.

Trong tài liệu chuẩn bị cho phiên họp thường niên cuối tháng 5, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) cũng cho biết muốn làm gần 10.000 căn nhà ở xã hội tại nhiều địa phương, tập trung ở Hà Nội, Hà Nam, Đồng Nai. Hancorp là doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng, được biết đến chủ đầu tư của nhiều dự án nhà ở khu vực Tây Hồ Tây.

Một khu nhà ở xã hội ở phường Định Hòa, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương. Ảnh: Quỳnh Trần

Một khu nhà ở xã hội ở phường Định Hòa, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương. Ảnh: Quỳnh Trần

Tại hội nghị về nhà xã hội do Thủ tướng chủ trì vào giữa tháng 3, nhiều tên tuổi lớn của thị trường địa ốc đã cập nhật về tình hình và kế hoạch triển khai các dự án. Ông Nguyễn Việt Quang, Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup, cho biết Vinhomes đã khởi công xây dựng 4 dự án nhà xã hội, quy mô hơn 10.000 căn tại Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Trị và Khánh Hòa. Tập đoàn Vingroup cũng đang hoàn thành các thủ tục pháp lý để sớm khởi công các dự án khác tại Hà Nội, Hưng Yên, Hà Tĩnh, TP HCM...

Ông Trần Ngọc Anh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Viglacera, cũng thông tin doanh nghiệp đã triển khai việc đầu tư và bàn giao khoảng 5.000 căn nhà xã hội, tập trung ở Hà Nội. Tổng công ty đang xây dựng hơn 10.000 căn ở 4 tỉnh gồm Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hà Nam và Phú Thọ. Hiện đã có sẵn 3.000 căn có thể đưa vào sử dụng, giá 8-10 triệu đồng mỗi m2.

Nói với VnExpress, ông Nguyễn Hoàng Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần G-Home, cho biết cuộc đua đầu năm nay là "đua về tiến độ triển khai" chứ không chỉ dừng ở việc đề ra mục tiêu. Động lực chính là Luật Nhà ở 2023 được thông qua đã tăng ưu đãi cho chủ đầu tư và giảm điều kiện cho người mua. Đơn cử, chủ đầu tư không dùng vốn ngân sách sẽ được miễn tiền sử dụng, thuê đất với toàn bộ diện tích dự án, ưu đãi thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, vay vốn với lãi suất ưu đãi. Quy định cởi mở hơn đã thúc đẩy các doanh nghiệp "rốt ráo tham gia cuộc đua xây nhà xã hội".

Theo CEO G-Home, tuy biên lợi nhuận của nhà ở xã hội thấp, định mức tối đa chỉ có 10%, doanh nghiệp vẫn có thể chắt chiu, chấp nhận lãi ít hơn hay hòa vốn để duy trì hoạt động, tạo công ăn việc làm cho nhân viên. Phương án này là đường lui có ánh sáng, sau một giai đoạn dài nhiều ông lớn chỉ "chạy đua" xây nhà ở cao cấp và hạng sang.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), ghi nhận nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp bất động sản không muốn tham gia phát triển nhà ở xã hội, song ông cho rằng chưa chính xác. Thực tế HoREA thống kê có hơn 15 doanh nghiệp địa ốc tại TP HCM chủ động tự thỏa thuận "mua đất" để xây nhà xã hội trong hơn 30 năm qua. Gần đây, loạt doanh nghiệp lớn đã đăng ký tổng hơn 1,5 triệu căn hộ để đóng góp vào đề án xây dựng ít nhất một triệu căn nhà xã hội đến năm 2030.

"Nếu doanh nghiệp không mặn mà với nhà ở xã hội thì không thể đăng ký đến hàng nghìn căn nhà. Nhiều chủ đầu tư lớn tham gia giúp phân khúc này có sức sống hơn", ông Châu nói.

Để cuộc đua phát triển nhà ở xã hội có hiệu quả và bền vững, các chuyên gia cho rằng cần đảm bảo hai yếu tố mấu chốt là quỹ đất và nguồn vốn ưu đãi. Về quỹ đất, Luật Nhà ở 2023 đã quy định UBND cấp tỉnh phải bố trí đủ quỹ đất xây nhà xã hội, gồm cả quỹ đất phát triển dự án độc lập. Ông Lê Hoàng Châu cho rằng điều này giúp hình thành các khu nhà xã hội độc lập quy mô lớn, có đủ dịch vụ, tiện ích đô thị.

Về nguồn vốn ưu đãi, hiện có gói 120.000 tỷ đồng cho vay phát triển nhà xã hội, nhà ở công nhân, triển khai từ tháng 4/2023. Tuy nhiên, Chủ tịch HoREA cho rằng gói tín dụng này giải ngân rất chậm, chưa thu hút doanh nghiệp và người dân bởi lãi suất cao. Ông Châu đề nghị Bộ Xây dựng khôi phục gói tín dụng 110.000 tỷ đồng với lãi suất 4,8-5% một năm, thời hạn vay tối đa 25 năm. Gói này tương tự gói tín dụng 30.000 tỷ đồng áp dụng trong giai đoạn 2013-2016.

Chủ tịch HoREA cũng đề nghị tăng thêm lợi nhuận định mức cho chủ đầu tư nhà ở xã hội lên 15%, thay vì 10% như trước. Quy định này áp dụng cho chủ đầu tư tự tạo lập quỹ đất, mục tiêu thu hút thêm nhiều doanh nghiệp cùng tham gia cuộc đua phát triển nhà xã hội.

Đây là một ngôi nhà nhỏ ấm áp, ngập tràn yêu thương với những đứa trẻ đáng yêu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Diễm ([Tên nguồn])
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN