Các “đại gia” vàng kiếm được bao nhiêu sau 2 mùa Thần Tài Covid-19?
Các “đại gia” đã kiếm được bao nhiêu tiền trong "mùa Thần Tài" khi liên tục thông tin doanh số bán ra tăng mạnh bất chấp dịch Covid-19?
Mùa Thần Tài là mùa kiếm tiền của các "đại gia" vàng
Tổng kết lại mấy ngày bán vàng dịp Thần Tài năm nay, Tập đoàn Doji cho biết đã bán hết hơn 300.000 sản phẩm, tăng hơn 20% so với năm trước.
Doji cũng là doanh nghiệp có chiến lược truyền thông khá rầm rộ trước mỗi dịp Thần Tài, cùng với việc ra mắt trung tâm vàng trang sức tại số 5 Lê Duẩn.
Tuy nhiên, do không công khai báo cáo tài chính nên mọi số liệu đều khó kiểm chứng. Đơn cử, mùa Thần Tài năm nay, số sản phẩm Thần Tài Doji bán ra tăng 20% so với năm ngoái trong khi mùa Thần Tài năm trước doanh nghiệp này cũng thông tin đã bán ra khoảng 270.000 sản phẩm. Như vậy, nếu Doji bán hết 300 ngàn sản phẩm thì chỉ tăng trên dưới 10% so với 2020.
Trong khi Bảo Tín Minh Châu khá kín tiếng khi nói về doanh số mấy năm nay nhưng một doanh nghiệp mới mở rộng là Công ty vàng bạc đá quý Sacombank SBJ khẳng định doanh thu từ sản phẩm vàng Thần Tài trong năm nay tăng đột biến. Năm 2021 doanh nghiệp này chuẩn bị nhiều hơn năm trước là 400 nghìn sản phẩm và mở rộng quy mô kinh doanh trên cả nước cũng như tăng cường bán trên kênh online.
Được biết, mùa Thần Tài 2020, Sacombank SBJ bán sỉ tại thị trường TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, khu vực Tây Nam Bộ, Hà Nội và đạt doanh thu đạt hơn 300 tỷ đồng.
Mảng kinh doanh vàng 24k vẫn mang lại lợi nhuận tăng đều cho PNJ
Doanh nghiệp hiếm hoi trong ngành này niêm yết công khai trên sàn chứng khoán tập trung là Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận PNJ với thế mạnh là vàng trang sức. Đây cũng là một “đại gia” lớn trên thị trường vàng.
Theo thống kê sơ bộ của PNJ, doanh thu mùa Thần Tài năm nay tăng mạnh khoảng 20%. Trước đó, theo báo cáo tài chính quý 1/2020, mùa Thần Tài này đã góp phần đẩy doanh thu thuần của doanh nghiệp này lên 5 nghìn tỷ đồng, cao hơn 4,5% so với cùng kỳ năm 2019. Nhưng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ đạt 511,9 tỷ đồng,giảm nhẹ 5,8% do chi phí lãi vay, chi phí bán hàng và chi phí quản lý đều tăng do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Đáng chú ý, theo giải trình tại báo cáo bán niên 2020 của PNJ, dù doanh thu giảm nhẹ nhưng riêng mảng kinh doanh vàng 24k vẫn tăng 10%, giúp doanh nghiệp bù đắp chi phí.
Dù vậy, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, lợi nhuận kế toán trước thuế 2020 doanh nghiệp chỉ đạt 1.346 tỷ đồng, giảm nhẹ so với 1.506 tỷ đồng năm 2019 dù quý 4/2020 phục hồi khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
“Đại gia” lớn nhất trên thị trường hiện là Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC. Đây là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và cũng là công ty duy nhất được Ngân hàng Nhà nước giao sản xuất độc quyền vàng miếng trên thị trường. Các doanh nghiệp khác kinh doanh vàng miếng đều là mua đi bán lại vàng miếng thương hiệu SJC.
Hiện báo cáo bán niên 2020 và báo cáo năm 2020 vẫn chưa được SJC công bố. Tuy nhiên theo mục tiêu đặt ra, doanh thu của doanh nghiệp độc quyền sản xuất vàng miếng năm 2020 là 25.700 tỷ đồng, tăng 11%; Lợi nhuận trước thuế 70 tỷ đồng. Trước đó, năm 2019, SJC đạt doanh thu 23.167 tỷ đồng, tăng 11%; Lợi nhuận trước thuế đạt 67 tỷ đồng, tăng 86% so với 2018.
Đây là người phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam giai đoạn đầu.
Nguồn: [Link nguồn]