Các công ty đua nhau tìm “vàng đỏ” trong đống đồ thải, tạo ra kho báu tỷ đô
Một trong những công ty khai thác lớn nhất thế giới đang đào bới trong các ngăn kéo đựng đồ cũ, điện thoại cũ và bãi rác của nước Mỹ để tìm kho báu “vàng đỏ”: những mẩu đồng để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi năng lượng và bùng nổ dữ liệu.
Điện thoại di động bị cắt nhỏ, cáp máy tính lỗi thời và ô tô bị nhai nát được chất thành đống cao bên ngoài nhà máy luyện đồng 97 năm tuổi của Glencore nằm sâu trong khu rừng phương bắc thưa thớt dân cư tại Canada. Tại đó, phế liệu được nấu chảy với đồng cô đặc từ các mỏ để sản xuất ra những tấm kim loại mới.
Các thiết bị điện tử cũ từ lâu đã trở thành nguồn tài nguyên đầu vào của nhà máy luyện kim. Nhưng ngày nay, Glencore và các nhà sản xuất đồng khác đang mở rộng phạm vi thu mua phế liệu và chi tiêu lớn để tăng năng lực tái chế.
Việc chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang điện tái tạo nhiều hơn hứa hẹn sẽ tái thiết thị trường hàng hóa. Nếu nước Mỹ cần ít dầu thô và than hơn, thì ngược lại, họ sẽ cần nhiều lithium hơn cho pin xe điện, và đồng là vật liệu cần cho mọi thứ liên quan đến điện.
Tiêu thụ đồng tăng vọt trong những thập kỷ gần đây khi Trung Quốc hiện đại hóa. Nhu cầu được thúc đẩy thêm một lần nữa từ luật khí hậu và thuế có hiệu lực từ năm 2022, thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo tại Hoa Kỳ. Các trung tâm dữ liệu đang được xây dựng để hỗ trợ trí tuệ nhân tạo và lưu trữ video trên điện thoại thông minh cần rất nhiều đồng. Điện thoại cũng vậy.
Glencore ước tính rằng nguồn cung đồng toàn cầu phải tăng khoảng 1 triệu tấn mỗi năm cho đến năm 2050. Điều đó sẽ đòi hỏi lượng đồng bổ sung hàng năm tương đương mỏ lớn nhất thế giới Escondida của Chile.
Giá trị của phế liệu
Ngay cả khi tìm thấy những mỏ đồng giàu có, cũng phải mất hàng thập kỷ để đưa các mỏ vào hoạt động. Theo chiến lược gia kim loại Tom Mulqueen của Citigroup, điều đó ngăn cản các công ty khai thác phản ứng nhanh với nhu cầu mới, khiến thị trường phải cân bằng với phế liệu.
Không giống như dầu mỏ hay các loại lương thực, đồng có thể tái chế vô hạn. Rất nhiều đồng đang nằm trong bãi phế liệu và bãi chôn lấp. Khi giá tăng, các nhà tái chế sẽ có nhiều động lực để mua lại chúng. Giá đồng hiện đang ở mức cao nhất từ trước đến nay.
Theo ước tính của công ty dữ liệu năng lượng Wood Mackenzie, gần một nửa nhu cầu sẽ là đồng tái chế vào năm 2050, tăng so với tỷ lệ 1/3 của hiện tại. Rất nhiều phế liệu của Mỹ được chuyển đến châu Á, nhưng các nhà sản xuất đồng đang xây dựng năng lực tái chế ở Bắc Mỹ.
Công ty Wieland của Đức đã bắt đầu xây dựng một cơ sở tái chế trị giá 100 triệu USD tại Shelbyville, Illinois của Mỹ vào năm 2022. Công ty này đang tiếp tục đàm phán với Bộ Năng lượng để được tài trợ thêm 270 triệu USD cho việc mở rộng cơ sở.
Một công ty Đức khác là Aurubis đang xây dựng một cơ sở tái chế trị giá 800 triệu USD tại Augusta, Georgia. Một phát ngôn viên cho biết công ty đã bắt đầu tìm nguồn phế liệu và dự kiến sẽ sản xuất đồng vào năm tới.
Hình thức kinh doanh này không chỉ giúp anh kiếm tiền mà còn mang lại những giá trị môi trường đáng kể.
Nguồn: [Link nguồn]