Buộc Sendo, Shopee, Lazada… thu thuế khách hàng: Bất hợp lý
Theo quy định mới, các sàn thương mại điện tử phải cung cấp doanh thu, tài khoản ngân hàng, thông tin cá nhân khách hàng... cho cơ quan thuế.
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 40/2021 hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1-8 tới đây.
Phải cung cấp thông tin, nộp thuế thay
Thông tư 40/2021 nêu rõ: Các sàn thương mại điện tử (TMĐT) căn cứ doanh thu, các khoản thu khác mà cá nhân kinh doanh trên sàn nhận được, bao gồm khoản nhận qua đơn vị vận chuyển, các hình thức trung gian thanh toán... để xác định doanh thu kê khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh.
Trong thời gian chưa thực hiện được việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT phải có trách nhiệm cung cấp các thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh của cá nhân thông qua sàn theo yêu cầu của cơ quan thuế.
Thông tin phải cung cấp cho cơ quan thuế bao gồm: Họ tên; số định danh cá nhân hoặc CMND/CCCD, hộ chiếu; mã số thuế; địa chỉ; email; số điện thoại liên lạc; hàng hóa, dịch vụ cung cấp; doanh thu kinh doanh; tài khoản ngân hàng của người bán và các thông tin khác liên quan.
“Nếu cơ sở dữ liệu thông tin hiện tại của sàn giao dịch TMĐT chưa đầy đủ, các sàn phải bổ sung thông tin theo quy định chậm nhất trước ngày thông tư có hiệu lực vào 1-8” - thông tư nêu.
Tạo thêm gánh nặng, khó thực hiện
Nhiều sàn TMĐT và chuyên gia cho rằng việc ngành thuế buộc các sàn phải gánh thêm trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay cho người bán hàng sẽ rất khó khăn và khó thực hiện, tạo thêm áp lực trong việc vận hành cho các sàn. Bởi để thực hiện các yêu cầu của ngành thuế đòi hỏi sàn TMĐT phải có nguồn nhân lực cao và số lượng nhiều.
“Hiện nay riêng sàn của chúng tôi đã có đến hàng trăm ngàn đơn vị kinh doanh lớn nhỏ, cùng với nhiều phương thức thanh toán. Do đó, chúng tôi mong muốn được ngành thuế hướng dẫn cụ thể hơn, hoặc đưa ra một công cụ tra soát thuế hiệu quả. Từ đó vừa giảm tải áp lực cho doanh nghiệp, vừa tránh thất thoát thuế” - đại diện một sàn TMĐT nêu quan điểm.
Đại diện một sàn TMĐT khác nhấn mạnh: Thời gian có hiệu lực của thông tư từ 1-8-2021 là quá ngắn để các sàn có thể kịp chuẩn bị hệ thống cho việc thu thập dữ liệu cũng như báo cáo theo yêu cầu của cơ quan thuế. Vì vậy lộ trình áp dụng cần được cân nhắc thay đổi để đảm bảo các sàn có đầy đủ thông tin và hệ thống để triển khai đồng bộ, nhất quán.
Các sàn TMĐT lẫn người bán hàng đều kêu gặp nhiều vướng mắc trước Thông tư 40/2021 của Bộ Tài chính. Trong ảnh: Mua hàng thông qua sàn TMĐT. Ảnh: QH
Chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn cũng nhận xét quy định các sàn TMĐT phải kê khai, nộp thuế cho người bán sẽ khỏe với cơ quan thuế nhưng lại tạo ra gánh nặng vất vả cho các sàn. Lý do là việc khấu trừ thuế không hề đơn giản vì số lượng người bán, giao dịch rất nhiều nên các sàn phải đầu tư thêm công nghệ, thêm nhân lực và nhiều chi phí khác.
“Bên cạnh đó, các sàn phải có thêm bộ máy để kê khai, nộp thuế khi khấu trừ; phải làm các khâu thông báo với người bán hàng; hết năm phải thống kê làm bản xác nhận khấu trừ cho người bán... Do vậy cơ quan thuế cần có lộ trình để họ chuẩn bị và có các chính sách hỗ trợ khuyến khích các sàn trong việc kê khai, nộp thuế cho người bán” - ông Sơn đề xuất.
Người bán hàng bị thiệt lớn
Với Thông tư 40/2021, không chỉ ngành TMĐT gặp khó khăn mà còn gây ra nhiều tác động không tốt đối với người bán hàng. Lý do là theo quy định hiện hành, cá nhân kinh doanh có thu nhập năm từ 100 triệu đồng trở lên sẽ phải nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân.
Mức thuế áp dụng cho cá nhân bán buôn, bán lẻ các loại hàng hóa (trừ giá trị hàng hóa đại lý bán đúng giá hưởng hoa hồng) là 1,5% tính trên doanh thu. Trong đó gồm 1% thuế suất giá trị gia tăng và 0,5% thuế thu nhập cá nhân.
Như vậy thông tư mới thiếu công bằng và gây ra những thiệt hại lớn khi những người kinh doanh, bán hàng nhỏ lẻ vẫn phải đóng thuế dù doanh thu của họ không đạt mức trên 100 triệu đồng/năm. Không chỉ vậy, việc khấu trừ 1,5% thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân trên doanh thu theo cơ chế không quyết toán thuế cũng gây thiệt hại không nhỏ tới những người bán hàng trên sàn.
“Đây là điểm bất hợp lý vì Thông tư 40/2021 chưa quy định về trường hợp này. Thực tế có những người bán hàng doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm sẽ bị ảnh hưởng nếu cứ đánh đồng khấu trừ thuế khi bán hàng trên sàn TMĐT” - luật sư Trần Xoa, Đoàn Luật sư TP.HCM, nhận xét và đề nghị: Cơ quan thuế cần làm rõ quy định này để tránh trường hợp các cá nhân bán hàng thuộc trường hợp không phải nộp thuế thu nhập cá nhân phải chịu thiệt.
Nông sản được đóng gói, chào bán thông qua sàn TMĐT ngày càng nhiều. Ảnh: TH
Nhiều mâu thuẫn, chồng chéo Đại diện Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) phân tích: Theo Điều 45 Luật Quản lý thuế, cá nhân kinh doanh phải kê khai và nộp thuế tại cơ quan thuế nơi họ đặt địa điểm kinh doanh. Trong khi đó, các sàn TMĐT có thể có địa điểm kinh doanh ở tỉnh khác (thường là Hà Nội và TP.HCM). Như vậy, việc Thông tư 40/2021 yêu cầu các sàn kê khai thay và nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh sẽ dẫn đến mâu thuẫn với quy định hiện hành trong trường hợp cá nhân kinh doanh có trụ sở tại tỉnh khác. Cụ thể, cá nhân kinh doanh sẽ phải kê khai và nộp thuế tại cơ quan thuế nơi họ đặt địa điểm kinh doanh chứ không phải thông qua các sàn TMĐT. “Điều này cũng gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc cho các sàn TMĐT và cá nhân kinh doanh trong việc chứng minh với cơ quan thuế về số thuế đã khấu trừ, nộp thay với cơ quan thuế tại địa phương” - đại diện VECOM nhấn mạnh. VECOM cũng cho rằng Thông tư 40/2021 có nhiều nội dung mới so với bản dự thảo đăng tải đầu tiên ngày 12-3-2021 nhưng ban soạn thảo chưa tổ chức lấy ý kiến các bên liên quan và các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp. Điều này dẫn đến hệ quả là một số quy định trong thông tư chưa có tính khả thi cao và có thể gây ra nhiều tác động lớn đối với hoạt động kinh doanh của các sàn TMĐT cũng như hàng trăm ngàn cá nhân kinh doanh trên sàn. Đơn cử, các sàn giao dịch TMĐT không phải là đơn vị “trả thu nhập” mà chỉ cung cấp hạ tầng công nghệ để kết nối người bán và người mua, giúp họ thực hiện giao dịch. Vì vậy không thuộc đối tượng có nghĩa vụ kê khai, khấu trừ thuế thu nhập của người bán theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Luật Thuế thu nhập cá nhân. Thêm nữa, trong các trách nhiệm của sàn quy định tại Nghị định 52/2013 về TMĐT, không có trách nhiệm phải kê khai thay, nộp thuế thay cho người bán. Doanh nghiệp lớn cũng gặp khó Hiện nay không chỉ các nhà bán hàng quy mô nhỏ mà rất nhiều doanh nghiệp lớn cũng bán hàng thông qua sàn TMĐT. Bởi vậy, các ông lớn cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trước Thông tư 40/2021. Ông Trần Lâm, Tổng giám đốc Công ty Natural House, cho biết hiện công ty ông đang bán hàng trên hầu hết sàn TMĐT tại Việt Nam và lâu nay luôn thực hiện đóng thuế tại địa phương đăng ký kinh doanh. Do vậy với thông tư mới của Bộ Tài chính, ông không rõ việc thu thuế sắp tới sẽ thực hiện ra sao. “Những đơn vị như công ty chúng tôi đã đóng thuế tại nơi đăng ký kinh doanh rồi, nếu tới đây lại phải đóng thuế qua sàn TMĐT nữa thì sẽ gây chồng lấn. Thêm vào đó, với Thông tư 40, tôi không rõ các hình thức kinh doanh như công ty bán trên gian hàng chính hãng, hộ kinh doanh và gian hàng cá nhân… sẽ thực hiện đóng thuế ra sao và mức doanh thu nào thì sẽ phải đóng thuế” - ông Lâm nói. Đại diện nhiều công ty có bán hàng thông qua sàn TMĐT cũng có chung nỗi lo như ông Lâm. Họ cho biết mỗi đơn hàng bán ra trên sàn TMĐT đều được xuất hóa đơn bán lẻ và nộp thuế đầy đủ hằng tháng. Do đó không có chuyện thất thu thuế hay trốn thuế. Vì vậy cơ quan thuế cần quy định chi tiết mức doanh thu để xác định doanh thu bao nhiêu thì gọi là hộ kinh doanh, cá nhân hay công ty, từ đó đưa ra các mức đóng thuế sao cho phù hợp với từng đối tượng. |
Nguồn: [Link nguồn]
Hashtag #boycottzara hiện cũng đang là nội dung xu hướng trên Twitter.