BOT Cai Lậy lỗ 130 tỷ, chủ đầu tư "chỉ biết năn nỉ tài xế"
Sau khi phương án thu phí trở lại của BOT Cai Lậy được công bố, chủ đầu tư dự án cho biết đã bị lỗ hơn 130 tỷ đồng vì tạm ngừng thu phí hơn 1 năm qua.
Chiều 25/2, bộ Giao thông Vận tải đã chủ trì cuộc họp báo về BOT Cai Lậy. Ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng bộ GTVT cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý phương án giữ nguyên vị trí trạm BOT Cai Lậy trên QL1, tỉnh Tiền Giang.
Sau hơn 1 năm dừng hoạt động, BOT Cai Lậy khiến nhà đầu tư lỗ nặng nề. (Ảnh: Hà Nhân).
Ngoài việc giảm giá vé bất ngờ, từ 35.000 đồng/lượt xuống 15.000 đồng/lượt, việc thu phí của BOT Cai Lậy cũng sẽ phối hợp với chính quyền địa phương để mở rộng phạm vi miễn/giảm phí cho các hộ dân trên địa bàn 8 xã lân cận.
Về phía chủ đầu tư, ông Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc hành chính công ty TNHH đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang nói: "Trong hơn một năm dừng hoạt động, chúng tôi đã lỗ hơn 130 tỷ đồng vì chi phí bảo trì, vận hành, nhân sự,... vẫn phải duy trì. Bây giờ, sau khi các cấp chính quyền cho phép thu phí trở lại, nói thật là chúng tôi cũng không biết sẽ có phương án nào tốt hơn vì đã làm hết sức rồi".
Ông Phạm Văn Cường, đại diện công ty TNHH đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang tại buổi họp báo. (Ảnh: Hà Nhân).
Trả lời câu hỏi về tình hình tài xế phản đối có thể tái diễn, ông Cường bày tỏ: "Chúng tôi chỉ biết năn nỉ các tài xế thôi. Chúng tôi cũng là người làm ăn, tất cả đều cố gắng làm đúng pháp luật của Nhà nước. Nếu bị phản đối, chúng tôi cũng chỉ cố gắng giải thích cho tài xế hiểu. Ai đưa tiền lẻ thì chúng tôi huy động nhân viên đếm tiền, ai thắc mắc thì chúng tôi mời vào để giải thích chứ cũng không biết làm gì hơn".
Ông Cường cũng cho biết, công ty sẽ huy động thêm nhân viên, tăng cường hướng dẫn để nhân viên có cách giao tiếp đúng đắn với khách hàng, tài xế. "Chúng tôi còn bố trí thêm lực lượng cứu thương, cứu hộ tại trạm BOT để phòng trường hợp khẩn cấp. Việc này là hoàn toàn miễn phí", ông Cường nói.
Tuy nhiên, khi nhận được câu hỏi về vị trí đặt trạm BOT không hợp lý, ông Cường đã dẫn ra các văn bản, công văn để chứng minh rằng quyết định đặt trạm trên QL1 đã được các cấp chính quyền, đại biểu Quốc hội,... đồng ý.
"Theo nhà tư vấn dự án, nếu chúng tôi đặt trạm thu phí tại tuyến tránh thì thời gian thu phí phải kéo dài đến 23 năm. Trong khi đó, không có ngân hàng nào cho dự án vay trung hạn trên 20 năm cả", ông Cường giãi bày.
Vấn đề đảm bảo an ninh trật tự khi BOT Cai Lậy hoạt động lại vẫn bị bỏ ngỏ. (Ảnh: Hà Nhân).
Trong cuộc họp báo, vì thời gian chính xác, cụ thể của việc thu phí trở lại chưa được quyết định nên các câu hỏi về tình hình an ninh trật tự, phản ứng của dư luận,... của nhiều phóng viên vẫn bị bỏ ngỏ.
Trao đổi riêng với PV báo Người Đưa Tin, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, địa phương sẽ cố gắng làm hết khả năng và trách nhiệm trong công tác quản lý an ninh trật tự. "Quan trọng vẫn là cách quản lý việc thu phí của nhà đầu tư BOT Cai Lậy", ông Tuấn nói.
Đồng thời, đại diện UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, việc thu thập dữ liệu phương tiện cá nhân của người dân tại 8 xã xung quanh trạm BOT Cai Lậy vẫn đang được triển khai. Kết quả của quá trình thống kê này sẽ là cơ sở để chủ đầu tư BOT Cai Lậy áp dụng miễn/giảm phí cho các phương tiện giao thông không kinh doanh trong phạm vi 10km.
Chốt lại buổi làm việc, Thứ trưởng Nhật khẳng định: "Chủ trương đầu tư công - tư phối hợp, hình thức PPP, BOT là hoàn toàn đúng đắn. Trong bối cảnh ngân sách quốc gia hạn chế nhưng phải đầu tư hạ tầng giao thông để thúc đẩy kinh tế xã hội thì đây là giải pháp tối ưu nhất. Các nước đang phát triển hay đã phát triển khác cũng đang làm như chúng ta".
"Tuy nhiên, khi đã thực hiện thì sẽ ít nhiều có bất cập. Bộ GTVT sẽ nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế của mình, lắng nghe dư luận để rà soát, sửa chữa, khắc phục các sai sót", ông Nhật kết luận.