Bỗng dưng... mắc nợ

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Bên cho vay chưa tuân thủ việc nhắc - đòi nợ theo đúng quy định khiến người mắc nợ oan vô cùng lo âu, ảnh hưởng đến uy tín cá nhân lẫn công ty mà họ đang công tác

"Tuy tôi không vay tiền từ công ty tài chính nhưng cuối tháng 10-2021, Văn phòng Luật sư Đa Kao (TP HCM) điện thoại đòi nợ, trực tiếp gửi văn bản nhắc nợ đến lãnh đạo công ty tôi đang công tác"- chị Võ Phương Dung, nhân viên Công ty TNHH FKS Logistics Việt Nam, phản ánh.

Bị đòi nợ oan

Cụ thể, văn bản của Văn phòng Luật sư Đa Kao căn cứ vào sự ủy quyền của Khối Tín dụng tiêu dùng - trực thuộc một ngân hàng, đề nghị giám đốc và trưởng phòng hành chính nhân sự Công ty TNHH FKS Logistics Việt Nam hỗ trợ xác minh và nhắc chị Dung nợ 8,3 triệu đồng (bao gồm vốn và lãi) theo hợp đồng tín dụng số 20201127-7906276.

"Trong quá trình thực hiện hợp đồng, bà Võ Phương Dung vi phạm nghĩa vụ trả nợ nên khoản nợ đã chuyển sang nợ quá hạn, được xếp vào loại nợ xấu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của Khối Tín dụng tiêu dùng. Chúng tôi đã nhiều lần điện thoại đôn đốc, nhắc nợ nhưng cho đến nay, bà Võ Phương Dung vẫn chưa trả số nợ nêu trên, có biểu hiện trốn tránh, không hợp tác trả nợ…" - văn bản của Văn phòng Luật sư Đa Kao nêu rõ.

Chị Dung cho biết cuối tháng 10-2020, nhân viên Văn phòng Luật sư Đa Kao thay thế Khối Tín dụng tiêu dùng nêu trên - tiền thân của một công ty tài chính - điện thoại đòi nợ. "Họ dùng nhiều lời lẽ mang tính đe dọa, gửi văn bản nhắc nợ khiến tôi vô cùng hốt hoảng, dẫn đến tai tiếng cá nhân và công ty tôi đang công tác" - chị than phiền.

Do Khối Tín dụng tiêu dùng đã chuyển đổi thành công ty tài chính nên chị Dung đã yêu cầu công ty này làm rõ vụ việc. Qua quá trình làm việc, công ty tài chính này cung cấp toàn bộ hồ sơ vay nhưng điều đáng nói là hợp đồng vay vốn không có chữ ký của bên vay, hình ảnh người vay không phải chị Dung và chị không biết người này là ai…

Bỗng dưng... mắc nợ - 1

Tương tự, vào tháng 6-2021, người của một công ty luật điện thoại đến anh Lâm Tứ Nhật - nhân viên công ty du lịch - và người thân để đòi nợ thay cho Công ty TNHH ATM online Vietnam (atmonline.vn - trực thuộc một công ty tài chính có trụ sở chính ở Hà Nội). Người này cung cấp hồ sơ vay bao gồm chứng minh nhân dân được cho là của anh Nhật và trang đầu tiên của hợp đồng vay vốn. Hợp đồng cho thấy năm 2019, anh Nhật có vay từ atmonline.vn 3 triệu đồng.

Do không vay tiền và lo sợ thông tin này ảnh hưởng đến uy tín cá nhân lẫn tập thể nên anh Nhật thông báo vụ việc cho công ty của anh biết. Anh cũng nộp đơn trình báo cơ quan công an, yêu cầu atmonline.vn trả lời về khoản vay nói trên.

Qua rà soát thông tin, atmonline.vn xác nhận hình ảnh trên chứng minh nhân dân, đoạn băng ghi âm giọng nói người vay tiền không phải là anh Nhật. Người vay đã giả mạo chứng minh nhân dân của anh làm thủ tục vay vốn, mở tài khoản ngân hàng để atmonline.vn chuyển số tiền cho vay vào tài khoản này.

Chưa tuân thủ quy định đòi nợ

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Phạm Đức (Công ty Luật Quốc tế và cộng sự) nhận định Văn phòng Luật sư Đa Kao gửi văn bản nhắc nợ đến lãnh đạo công ty chị Võ Phương Dung là chưa chính xác. Nếu việc này làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín cá nhân, tập thể thì chị Dung và công ty của chị có thể khởi kiện lên tòa án. Khi đó, các cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào văn bản công ty tài chính ủy quyền thu hồi nợ cho Văn phòng Luật sư Đa Kao để phân xử.

Bỗng dưng... mắc nợ - 2

Một phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết hiện nay, pháp luật cho phép công ty tài chính ủy quyền cho đơn vị khác đòi nợ thay. Tuy nhiên, theo quy định, công ty tài chính phải ràng buộc bên đòi nợ thay không được vượt quyền đòi nợ của mình. Nghĩa là bên được ủy quyền đòi nợ không được sử dụng biện pháp đe dọa đối với khách hàng, không nhắc nợ trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 21 giờ và chỉ được nhắc nợ tối đa 5 lần/ngày; không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính… "Nếu công ty tài chính không buộc bên được ủy quyền đòi nợ thực hiện nghiêm các quy định này, Ngân hàng Nhà nước sẽ xử phạt công ty tài chính" - vị phó thống đốc nhấn mạnh.

Thế nhưng, trong 2 trường hợp bị đòi nợ oan nêu trên, các quy định không được tuân thủ. Ngân hàng Nhà nước không thể đưa ra biện pháp chế tài khi đơn vị được ủy quyền thu hồi nợ vi phạm quy định đòi nợ.

Sao không xin lỗi khách hàng?

Theo chị Võ Phương Dung, ngay khi công ty tài chính lập biên bản xác nhận vụ việc vào ngày 10-11, chị đã yêu cầu công ty này cấp giấy xác nhận không vay tiền, gửi thư xin lỗi Công ty TNHH FKS Logistics Việt Nam về việc nhắc nợ chị. Ngày 18-11, nhân viên công ty tài chính điện thoại hứa hẹn trong vòng 1 tuần sẽ gửi giấy xác nhận chị Dung không vay tiền nhưng từ chối gửi thư xin lỗi Công ty TNHH FKS Logistics Việt Nam.

Anh Lâm Tứ Nhật cũng cho biết atmonline.vn đã chấm dứt việc đòi nợ nhưng không có động thái xin lỗi vì sự nhầm lẫn này. "Đến nay, tôi vẫn không biết còn mắc nợ oan công ty này hay không?" - anh Nhật lo âu.

Nguồn: [Link nguồn]

Loạt khoản nợ hàng trăm tỷ lại được ngân hàng rao bán

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa ra thông báo lựa chọn đơn vị  đấu giá khoản nợ  của CTCP kinh...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thy Thơ ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN