Bộ trưởng Tài chính: Kho chứa tiền giờ để không
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, trước đây Kho bạc Nhà nước có kho chứa tiền, xe chở tiền, nhưng nay thanh toán không tiền mặt nên kho để không, xe thanh lý hết.
Chiều 14/6, tại Hội thảo “Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt” do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ tổ chức, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, nhận thức rõ tầm quan trọng của thanh toán không dùng tiền mặt đối với đời sống xã hội, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước và các đơn vị thuộc Bộ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực tài chính.
Kho bạc để không
“Trước đây Kho bạc Nhà nước có kho chứa tiền, xe chở tiền, nhưng nay thanh toán không tiền mặt, kho để không, xe thanh lý hết” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc (ảnh: Quang Định).
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, hiện có hơn 99% giao dịch thu ngân sách đã thực hiện theo các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Về chi ngân sách, Kho bạc Nhà nước đã hoàn thành cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với tất cả các thủ tục hành chính và tích hợp lên cổng dịch vụ quốc gia. Hiện có hơn 40.000 đơn vị sử dụng ngân sách ủy quyền cho Kho bạc Nhà nước tự động thanh toán các khoản chi điện, nước, viễn thông trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến với tổng số tiền đã thanh toán là hơn 3.000 tỷ đồng.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, thời gian tới Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách về thanh toán không dùng tiền mặt trong thu, chi ngân sách Nhà nước; nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, an toàn, hiệu quả, có khả năng liên thông; đẩy mạnh thu, chi ngân sách Nhà nước bằng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt… Ngành Tài chính cũng chỉ đạo tổ chức giám sát an toàn an ninh mạng 24/7 để phát hiện và xử lý sớm các cuộc tấn công mạng.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó chủ tịch UBND TPHCM - cho biết, thành phố đang hướng đến mục tiêu dẫn đầu cả nước về giao dịch không tiền mặt. Đến nay, 100% bệnh viện công của thành phố đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Trong lĩnh vực thương mại, ba chợ đầu mối, 222 chợ truyền thống, 237 siêu thị, 48 trung tâm thương mại tại thành phố đều tham gia thanh toán không tiền mặt. Trong cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tỷ lệ đã đạt trên 30%, góp phần phổ biến thanh toán không tiền mặt.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng thừa nhận trong quá trình triển khai hoạt động thanh toán không tiền mặt, thành phố cũng gặp một số khó khăn, đặc biệt vấn đề bảo mật, an toàn cho người dùng là một trở ngại khiến người dân chưa mạnh dạn sử dụng.
Tội phạm công nghệ cao rất phức tạp
Thiếu tướng Nguyễn Văn Giang, Phó cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an (A05) cho biết, tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến phức tạp, có sự móc nối giữa các đối tượng trong nước và nước ngoài.
Giao dịch không tiền mặt ngày càng phát triển (ảnh: Quang Định).
Tổng số tiền người dân bị lừa đảo trên mạng khoảng 8.000 - 10.000 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2022. Theo thống kê, 91% thông tin liên quan lĩnh vực tài chính; 73% người dùng thiết bị di động, mạng xã hội… nhận tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo.
Thời gian qua, mặc dù cơ quan chức năng liên tục cảnh báo, nhiều giải pháp đã triển khai quyết liệt. Tuy nhiên, nhiều người vẫn sập bẫy. Nguyên nhân chủ yếu là do các nhóm tội phạm lừa đảo qua mạng hoạt động có tổ chức, xuyên biên giới, lợi dụng kẽ hở pháp luật.
Các đối tượng tội hoạt động mang tính chuyên nghiệp, xây dựng kịch bản và phân công vai trò cụ thể, triệt để lợi dụng khoa học, công nghệ để tấn công người dùng. Tội phạm trú chân tại địa bàn các quốc gia láng giềng như Campuchia, Myanmar… các đối tượng cầm đầu thường là người nước ngoài.
Theo thống kê của Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 thủ đoạn lừa đảo. Để ngăn chặn hoạt động lừa đảo trực tuyến, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an đang phối hợp với Hiệp hội An ninh mạng quốc gia để cung cấp miễn phí phần mềm giúp phát hiện lừa đảo qua mạng, dự kiến ra mắt trong quý III năm nay.
Trong năm vừa rồi, Tập đoàn FPT chi 22.825 tỷ đồng để trả cho nhân viên, trung bình 1 ngày khoảng 62,5 tỷ đồng.
Nguồn: [Link nguồn]