Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: 'Người ta làm như vũ bão, chúng ta cái gì cũng xin - cho'
Đề cập tới thực tiễn từ Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết nhà máy ô tô Tesla ở Thượng Hải từ khi khởi công đến khi khánh thành, đi vào hoạt động chỉ đúng 11 tháng; một trung tâm thương mại lớn từ khi xây dựng và đi vào hoạt động cũng chỉ mất có 6 tháng. "Người ta làm như vũ bão, còn chúng ta cái gì cũng xin - cho" - ông Dũng nói.
Sáng 23/5, trong phiên thảo luận tại tổ của Quốc hội về tình hình kinh tế, xã hội, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) - cho rằng, những kết quả mà Việt Nam đạt được trong thời gian qua là một nỗ lực rất lớn, được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Tuy vậy, ông cũng thừa nhận “tình hình là rất khó khăn” thể hiện qua số lượng doanh nghiệp giải thể trong 4 tháng đầu năm cao hơn số doanh nghiệp gia nhập thị trường (hơn 86.000 doanh nghiệp giải thể trong khi chỉ có hơn 81.000 doanh nghiệp thành lập mới).
“Chưa bao giờ có những con số đó. Đi trên đường các cửa hàng, cửa hiệu đóng cửa rất nhiều. Doanh nghiệp khó khăn đồng nghĩa là lao động và người dân cũng khó khăn và nợ xấu cũng bắt đầu tăng cao”, ông Dũng nói.
Chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến khó khăn trên, song Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng, có 3 nguyên nhân chính là: Niềm tin của thị trường, tâm lý xã hội và tinh thần dám nghĩ, dám làm của cán bộ công chức. “Đây là ba rào cản, thách thức chính của nền kinh tế chúng ta”, ông Dũng nói.
Để giải quyết 3 rào cản, thách thức trên, ông Dũng cho rằng phải tập trung xây dựng thể chế để giải quyết các ách tắc; cải cách hành chính mạnh mẽ, quyết liệt hơn và có giải pháp để cán bộ dám nghĩ, dám làm.
Đề cập tới thực tiễn từ Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, nhà máy ô tô Tesla ở Thượng Hải từ khi khởi công đến khi khánh thành, đi vào hoạt động chỉ đúng 11 tháng; một trung tâm thương mại lớn từ khi xây dựng và đi vào hoạt động cũng chỉ mất có 6 tháng.
“Người ta làm như vũ bão, còn chúng ta cái gì cũng xin - cho; không phân cấp, phân quyền; không dám nghĩ, dám làm, cứ đá lên đá xuống thì rất khó. Nếu chúng ta không cải cách nhanh thì nhà đầu tư sẽ đi chỗ khác”, ông Dũng cảnh báo.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh tham gia thảo luận tại tổ. Ảnh: Như Ý.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng cho rằng, việc giải quyết thủ tục hành chính vẫn rất trì trệ, tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm vẫn diễn ra.
“Có những việc, như trước đấy là quyết đấy, nhưng giờ thì hỏi khắp nơi, hỏi từ cấp ủy, thậm chí hỏi cả Ủy ban Thường vụ Quốc hội để cho an toàn", ông Thanh nói.
Tham gia thảo luận, ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - đặt vấn đề: Khi nói đến cán bộ sợ sai, né tránh, không dám làm, thậm chí có người đổ lỗi cho tham nhũng, vậy tại sao cùng mặt bằng đó có nơi làm tốt, phát triển tăng trưởng cao?
“Nếu các lĩnh vực khác cũng thực hiện quyết liệt như khi làm đường bộ cao tốc thì chắc chắn sẽ phát triển”, ông Thắng nói.
"Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng để tăng nguồn cung cho thị trường nhưng lại xảy ra nghịch lý, cứ sau đấu thầu giá vàng lại tăng, vì giá sàn cao nên doanh nghiệp trúng thầu phải bán giá cao hơn" - đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho hay.
Nguồn: [Link nguồn]