Bộ Công an cảnh báo Ví điện tử PayAsian có dấu hiệu lừa đảo

Bộ Công an vừa phát đi thông tin cho biết hoạt động của Công ty cổ phần PayAsian (ví thanh toán điện tử PayAsian) có dấu hiệu huy động vốn, kinh doanh đa cấp trái phép và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo thông tin từ Bộ Công an, PayAsian xuất hiện tại Việt Nam từ đầu năm 2019 và được quảng cáo là ứng dụng ví thanh toán điện tử, có chức năng thanh toán trực tuyến mọi loại tiền tệ của các quốc gia trên thế giới.

Công ty cổ phần PayAsian (ví thanh toán điện tử PayAsian) có dấu hiệu huy động vốn, kinh doanh đa cấp trái phép và lừa đảo chiếm đoạt tài sản...

Công ty cổ phần PayAsian (ví thanh toán điện tử PayAsian) có dấu hiệu huy động vốn, kinh doanh đa cấp trái phép và lừa đảo chiếm đoạt tài sản...

Qua công tác xác minh, nắm tình hình, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an được biết: Khoảng đầu năm 2019, một nhóm người do ông Nguyễn Mạnh Hùng (trú tại phường 3, quận 11, Tp.HCM) là người đại diện pháp luật, Tổng giám đốc Công ty cổ phần PayAsian cầm đầu; thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo quảng cáo, lôi kéo người tham gia đầu tư vào ví điện tử PayAsian.

Ông Hùng giới thiệu PayAsian là ví điện tử thanh toán mobile đầu tiên trên thế giới chấp nhận tất cả các loại tiền tệ quốc gia, không giới hạn địa lý, lĩnh vực, cộng đồng, hay môi trường thanh toán...

Theo lời quảng cáo, chỉ cần đầu tư mua đồng tiền ảo có tên là Paya ở trong ví, vài năm sau người đầu tư sẽ nhận lãi lớn và đã có không ít người đặt niềm tin, gửi tiền tham gia vào ví thanh toán điện tử PayAsian.

Các buổi thuyết trình giới thiệu của PayAsian có sự tham gia của các ca sĩ, diễn viên nổi tiếng nhằm tạo uy tín và thu hút hàng nghìn nhà đầu tư tham gia.

Hình thức hoạt động của ví điện tử PayAsian được quảng cáo là sử dụng đồng tiền thanh toán có tên PAYA, với tổng số lượng phát hành là 21 tỷ đồng PAYA và quảng cáo sau 06 tháng sẽ tăng lên gấp 10, thậm chí là 20 lần hoặc nhiều hơn thế. Nhà đầu tư khi tham gia vào hệ thống sẽ được tiền thưởng giống như mô hình đa cấp kim tự tháp.

Theo đó, muốn tham gia vào hệ thống PayAsian, nhà đầu tư phải nộp tối thiểu số tiền tương ứng 100 USD để mua đồng PAYA với giá 0,05 USD/PAYA. Theo đó, 100 USD sẽ quy đổi được 2.000 PAYA; 500 USD quy đổi được 10.000 PAYA; 5.000 USD quy đổi được 100.000 PAYA.

Mỗi thành viên khi lôi kéo được người khác tham gia nộp tiền sẽ được hưởng hoa hồng từ việc giới thiệu; và càng lôi kéo được nhiều người tham gia thì càng được hưởng nhiều lợi ích (hoa hồng của F1 là 30%; F2 là 20%; thưởng nhánh yếu là 30%; thưởng lãnh đạo là 15% tổng doanh số nhánh yếu khi đạt mốc 10 triệu PAYA, 20 triệu PAYA...).

Trước đó, trao đổi về vấn đề này, chuyên gia tài chính - ngân hàng Cấn Văn Lực cũng đã chỉ rõ, các "ví điện tử" được nói đến chỉ là những tài khoản hay ví điện tử tại sàn giao dịch tiền kỹ thuật số đặt ở nước ngoài được sử dụng để nhà đầu tư chuyển tiền bằng tiền pháp định (fiat currency) hoặc đồng tiền kỹ thuật số đã được lưu hành khác. Điểm này hoàn toàn khác với việc đầu tư vào các công ty cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán (trong đó có ví điện tử) được cấp phép hoạt động tại Việt Nam hiện nay như Momo, Moca… Bên cạnh đó, từ “lãi suất” cũng sử dụng không chính xác. Đây được xem là lợi nhuận dự kiến mang lại từ kỳ vọng đồng tiền kỹ thuật số sẽ tăng giá trong tương lai.

“Về bản chất, đây là hoạt động đầu tư vào dự án nghiên cứu phát triển một đồng tiền kỹ thuật số xét trên góc độ nhà đầu tư và là nghiệp vụ gọi vốn cộng đồng (crowdfunding) xét trên góc độ công ty gọi vốn. Dự án gọi vốn ở đây là một đồng tiền kỹ thuật số chưa đi vào lưu hành. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là gọi vốn đầu tư đa cấp” – ông Lực nói.

Tiền điện tử là tiền được lưu trữ bằng các công cụ/phương tiện điện tử như ví điện tử, tài khoản ngân hàng… Bản chất của tiền điện tử vẫn là tiền và được pháp luật bảo vệ, hay nói cách khác tiền điện tử có giá trị nội tại.

Hiện nay pháp luật Việt Nam chưa thừa nhận tiền kỹ thuật số cũng như các hoạt động gọi vốn cộng đồng. Do đó có thể nói khả năng lấy lại tiền là rất thấp, gần như không thể khi số tiền thường được chuyển ra nước ngoài. Đặc biệt việc chuyển tiền thông qua các ví điện tử đặt tại nước ngoài nên việc tìm ra nguồn tiền lại càng trở nên khó khăn hơn.

Bộ Công an cho biết, qua xác minh trụ sở Công ty cổ phần PayAsian tại 137 Hoàng Văn Thụ, phường 8, quận Phú Nhuận, Tp.HCM, lực lượng Công an được biết, đây là trụ sở của Công ty cổ phần EcoWorld; bên trong trụ sở công ty này được Công ty PayAsian thuê treo biển quảng cáo mang dòng chữ "PAYASIAN". Ngân hàng Nhà nước hiện chưa cấp phép cho ví điện tử PayAsian; Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng Bộ Công thương cũng chưa cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cho Công ty cổ phần PayAsian.

"Như vậy, theo quy định của pháp luật Việt Nam ví điện tử PayAsian hiện chưa được cơ quan chức năng cấp phép, số tiền nạp vào ví điện tử PayAsian không thể sử dụng; các nhà đầu tư muốn rút tiền chỉ có cách bán PAYA ảo cho nhà đầu tư khác trong nội bộ, tồn tại rất nhiều rủi ro cho nhà đầu tư. Hoạt động của Công ty cổ phần PayAsian có dấu hiệu huy động vốn, kinh doanh đa cấp trái phép và lừa đảo chiếm đoạt tài sản", thông báo của Bộ Công an nhấn mạnh.

Đồng thời cơ quan công an thông báo để người dân cảnh giác tránh bị đối tượng xấu lợi dụng. Những ai đã nạp tiền vào ví điện tử PayAsian có thể đến cơ quan công an nơi gần nhất để trình báo hoặc cung cấp thông tin.

Cẩn trọng với ”bẫy” lừa đảo đa cấp qua ví điện tử Payasian

Ví điện tử Payasian được quảng cáo có chức năng thanh toán trực tuyến mọi loại tiền tệ của các quốc gia trên thế...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Chi ([Tên nguồn])
Kinh doanh đa cấp Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN