Bộ Công an: Cần bổ sung cơ chế can thiệp thị trường vàng
Thứ trưởng Công an Lê Quốc Hùng cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần sớm bổ sung cơ chế can thiệp, như biên độ chênh lệch tối đa giá mua - bán, để ổn định thị trường vàng.
Sáng 15/5, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo dân nguyện tháng 4. Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nói cử tri, nhân dân lo ngại giá vàng liên tục biến động thời gian qua sẽ tác động xấu đến nền kinh tế, đời sống.
Ông Bình đề nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo tăng thanh tra, giám sát thị trường và hoạt động kinh doanh vàng. Cơ quan chức năng xử lý buôn lậu, trục lợi, đầu cơ, thao túng để bảo đảm thị trường này ổn định, minh bạch.
Thứ trưởng Công an Lê Quốc Hùng đồng tình biến động giá vàng thời gian qua "vô cùng phức tạp". Ông cho hay Bộ Công an nắm tình hình và kiến nghị nhiều giải pháp thắt chặt an ninh tiền tệ, an ninh quốc gia. Trong đó, giải pháp cần thiết lúc này là tăng quy mô dự trữ vàng, quản lý khuôn vàng miếng SJC tại Nhà máy in tiền quốc gia.
Để ổn định thị trường, Bộ Công an kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước sớm xây dựng, áp dụng cơ chế can thiệp của cơ quan quản lý, như giá mua - bán, cung - cầu thị trường. Nhà chức trách cũng cần bổ sung quy định về biên độ chênh lệch tối đa giữa giá mua và bán, cũng như trách nhiệm quản lý với vàng miếng, sản xuất gia công trang sức, mỹ nghệ.
Cùng đó, các cơ quan chuyên môn tăng thanh tra, kiểm tra thị trường, kiểm soát nguyên liệu đầu vào, chất lượng sản phẩm.
Thứ trưởng Công an Lê Quốc Hùng phát biểu sáng 15/5. Ảnh: Media Quốc hội
Hai tuần qua giá vàng liên tục tăng cao do chịu ảnh hưởng từ biến động thị trường quốc tế, nguồn cung hạn chế.
Sau các đợt giá sốt nóng, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng để tăng cung, hạ nhiệt và giảm chênh lệch so với quốc tế. Tuy nhiên, các phiên thầu được đánh giá là chưa thành công, khi lượng cung ứng nhỏ, khoảng 15% tổng mức chào thầu. Giá vàng và mức chênh với thế giới vẫn cao.
Tuần qua, vàng miếng SJC có thời điểm vượt 92 triệu đồng một lượng, cao nhất từ trước đến nay. Sau các chỉ đạo từ cơ quan quản lý, giá hạ nhiệt về dưới 90 triệu. Chênh lệch giá trong nước và thế giới quanh 17 triệu đồng một lượng.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục tăng cung vàng miếng qua các phiên đấu thầu và tiến tới sửa Nghị định 24 về quản lý, kinh doanh mặt hàng này.
Hôm 14/5, Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu thanh tra ngay hoạt động kinh doanh vàng trong tuần này.
Vàng được bày bán tại một cửa hàng trên phố Trần Nhân Tông, Hà Nội, tháng 5/2024. Ảnh: Giang Huy
Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 13/5, các thành viên Chính phủ cho biết cũng "hết sức đau đầu" với vấn đề thị trường vàng. Một trong những điểm khó để quản lý thị trường là người dân hiện chưa có thói quen lấy hóa đơn khi mua vàng, doanh nghiệp cũng chưa xuất hóa đơn theo từng lần bán.
Ở điểm này, Thứ trưởng Công an lê Quốc Hùng cho biết cũng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu quy định bắt buộc xuất hóa đơn điện tử giao dịch vàng theo từng lần bán. Biện pháp này, theo lãnh đạo Bộ Công an, nhằm ngăn tình trạng mua bán không hóa đơn, hoặc cơ sở kinh doanh vàng miếng chưa được cấp phép bán chui cho người dân, gây thất thu thuế.
Hiện, Chính phủ giao Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước triển khai, phải hoàn thành trong quý II.
Số liệu của Hội đồng vàng thế giới (WGC) cho biết, năm 2022, Việt Nam tiêu thụ 43 tấn vàng, tăng 37% so với năm 2021, cao nhất khu vực ASEAN.
Năm ngoái, 81% nhà đầu tư tại Việt Nam rót tiền vào vàng và cho biết họ sẽ xem xét đầu tư vào kim loại quý một lần nữa. Chỉ số này cao hơn Trung Quốc (72%), Ấn Độ (67%), và toàn cầu (45%).
Theo các chuyên gia, quy định mua bán vàng bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt chỉ nên áp dụng ở những đô thị lớn.
Nguồn: [Link nguồn]