Bitcoin vượt mốc 21.000 USD, vẫn không được công nhận tại Việt Nam

Tiền điện tử Bitcoin đã vượt mốc 21.000 USD, đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay của đồng tiền này. Tuy vậy, Bitcoin vẫn không được coi là phương tiện thanh toán hợp pháp trong nước.

Sau ba tuần thử thách sự kiên nhẫn của nhà đầu tư, tối ngày 16/12 (theo giờ Mỹ) giá Bitcoin đã thiết lập mức đỉnh lịch sử mới. Trên sàn Coindesk, mỗi Bitcoin được giao dịch quanh mốc hơn 20.700 USD. Giá đồng tiền mã hóa phổ biến nhất thế giới thậm chí có thời điểm chạm ngưỡng 21.796,09 USD (lúc 8h14 ngày 17/12 giờ Việt Nam).

Tiền điện tử Bitcoin đã vượt mốc 20.000 USD và đang hướng tới những cột mốc ấn tượng mới - Ảnh Reuters

Tiền điện tử Bitcoin đã vượt mốc 20.000 USD và đang hướng tới những cột mốc ấn tượng mới - Ảnh Reuters

Trước đó, Bitcoin đạt đỉnh ở mức 19.920 USD hôm 1/12. Giá Bitcoin đã tăng gấp đôi trong 3 tháng gần đây. Hiện tại, Bitcoin có giá trị vốn hoá khoảng 382 tỷ USD.

Với đà tăng ấn tượng này, tính từ đầu năm cho đến nay, giá đồng Bitcoin đã leo dốc 188%, vượt xa đà tăng của giá vàng và các tài sản khác. Cùng với đà tăng phi mã của đồng Bitcoin, những đồng tiền mã hóa khác như Ethereum, XRP và Stellar cũng đồng loạt tăng mạnh trong 24 giờ qua.

Theo Coindesk, việc vượt mốc 20.000 USD đã mở ra cơ hội mới cho Bitcoin và rộng cửa tiến đến những mốc cao hơn, thậm chí là cán mốc 100.000 USD.

Theo CNBC, đà tăng giá ấn tượng của Bitcoin còn đến từ việc đồng tiền điện tử này nhận được những đánh giá cao của các nhà đầu tư tên tuổi như Paul Tudor Jones và Stanley Druckenmiller khi chuyển các tài sản khác sang đồng tiền này.

Hai gã khổng lồ thanh toán Square và PayPal cũng cho phép người dùng mua và bán Bitcoin trên nền tảng của mình. Trong khi đó, S&P Dow Jones Indices (đơn vị thuộc nhà cung cấp dữ liệu tài chính S&P Global) tiết lộ sẽ tung các chỉ số tiền mã hóa vào năm 2021.

Một số chuyên gia về tiền ảo đánh giá việc giới hạn nguồn cung có thể khiến nhu cầu đối với đồng tiền này gia tăng. Giới hạn này giúp giá trị của mỗi đồng Bitcoin tăng lên khi đồng tiền trở nên phổ biến. Hiện tại, có hơn 18,5 triệu đơn vị đang được lưu hành, chiếm 90% số lượng đồng Bitcoin.

Cùng với đó, các chuyên gia tài chính cũng nhắc đến hiệu ứng FOMO (fear of missing out), tức các nhà đầu tư lo sợ bỏ lỡ cơ hội và quyết định đổ tiền vào Bitcoin.

Khi sở hữu Bitcoin, nhà đầu tư có nhiều cách để đổi chúng lấy tiền mặt. Phổ biến nhất là thông qua các sàn giao dịch bên thứ ba, như Coinbase, Kraken hay Bitstamp.

Cách thứ hai là sử dụng các nền tảng trao đổi ngang hàng (P2P), như LocalBitcoins hay Paxful để tìm người mua và không qua trung gian. ATM Bitcoin được lắp đặt tại một số nơi trên thế giới cũng là một lựa chọn.

Dù đồng tiền điện tử Bitcoin đã tăng giá trị hơn 180% kể từ đầu năm đến nay nhưng tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đến nay vẫn khẳng định Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp trong nước.

Do đó, việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán vẫn là hành vi bị cấm.

Nguồn: [Link nguồn]

Doanh nghiệp địa ốc nói ”không” với thưởng tết

Nhiều công ty địa ốc ở TPHCM cho biết năm nay có tiền trả đủ lương cho nhân viên đã là may mắn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Anh ([Tên nguồn])
Tiền điện tử Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN