Bình ổn thị trường vàng: Chỉ có thể nhập khẩu, xóa độc quyền

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Như thông báo phát đi tối 27/5, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức dừng các phiên đấu thầu vàng miếng sau khi đưa khoảng 1,8 tấn vàng ra thị trường với lời cam kết sẽ có biện pháp khác thay thế từ 3/6/2024. Tuy nhiên, biện pháp khác là gì, và liệu có đủ mạnh để kéo giá vàng trong nước xuống gần với giá thế giới? Giới quan sát cho rằng, chỉ còn cách cho nhập khẩu và xóa bỏ độc quyền mới bình ổn được thị trường vàng.

Đột ngột dừng đấu thầu vàng

Ngân hàng Nhà nước thông báo dừng đấu thầu vàng miếng và sẽ triển khai phương án khác để bình ổn thị trường vàng, dự kiến từ ngày 3/6. Tuy nhiên, phương án bình ổn thị trường mới là gì, hiện vẫn chưa được cơ quan này tiết lộ. Từ cuối năm 2023, giá vàng liên tục lập đỉnh mới. Vàng miếng SJC có lúc đạt 85 triệu đồng một lượng vào tháng 4, trước khi đạt kỷ lục hơn 92 triệu đồng vào tháng 5. Chênh lệch với giá thế giới neo ở mức cao, có thời điểm hơn 20 triệu đồng/lượng.

Tạo nguồn cung vàng và bình đẳng giữa các thương hiệu sẽ góp phần kéo giá vàng trong nước xuống. Ảnh: Như Ý

Tạo nguồn cung vàng và bình đẳng giữa các thương hiệu sẽ góp phần kéo giá vàng trong nước xuống. Ảnh: Như Ý

Để tăng cung bình ổn thị trường, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu gọi thầu vàng miếng SJC từ ngày 22/4. Sau 9 phiên đấu thầu, có 6 phiên thành công với hơn 48.000 lượng vàng miếng được Ngân hàng Nhà nước tung ra thị trường. Càng về sau, khối lượng vàng qua đấu thầu thành công càng tăng. Phiên gần nhất tổ chức ngày 23/5 có 11 ngân hàng và doanh nghiệp đã mua 13.400 lượng, chiếm gần 80% quy mô chào thầu.

Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Trần Duy Phương cho biết, để bình ổn thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức đấu thầu vàng miếng. Tuy nhiên, lượng vàng đưa ra thị trường chưa đủ lớn, giá trúng còn cao nên chưa hạ nhiệt được thị trường. Theo đó, giá vàng miếng SJC vẫn cao hơn giá vàng thế giới lên đến 17-18 triệu đồng/lượng.

Ông Phương cho rằng, nếu cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng sẽ có lợi cho cả việc bình ổn giá vàng trang sức. Có hai phương án để tăng nguồn cung vàng nguyên liệu cho thị trường, đó là cấp hạn mức cho các doanh nghiệp trực tiếp nhập vàng hoặc Ngân hàng Nhà nước nhập vàng nguyên liệu về và bán lại cho doanh nghiệp.

Với phương án cấp hạn mức cho vàng nhập trực tiếp, các doanh nghiệp phải báo cáo việc nhập khẩu vàng cho Ngân hàng Nhà nước để nơi này quản lý, giám sát. Cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu theo đường chính ngạch sẽ giúp triệt tiêu được vàng lậu và giúp thị trường vàng thông suốt hơn; từ đó có thể tiến tới xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC, để các doanh nghiệp kinh doanh vàng đủ điều kiện có thể sản xuất vàng miếng như trước đây.

Ông Phương cho biết thêm, nếu cho phép xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC, trên thị trường sẽ có thêm nhiều thương hiệu vàng miếng khác, tạo ra cạnh tranh lẫn nhau. Khi nguồn cung nguyên liệu tăng, có nhiều sự lựa chọn và không còn cơ chế độc quyền nữa, giá vàng miếng SJC không thể cao vô lý như hiện nay.

Tạo nguồn cung vàng và bình đẳng giữa các thương hiệu sẽ góp phần kéo giá vàng trong nước xuống Ảnh: Như Ý

Tạo nguồn cung vàng và bình đẳng giữa các thương hiệu sẽ góp phần kéo giá vàng trong nước xuống Ảnh: Như Ý

Nếu thực hiện đồng loạt các giải pháp trên, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn sẽ chủ động nhập khẩu vàng nguyên liệu và sản xuất vàng miếng SJC, tăng nguồn cung vàng miếng cho thị trường. Thị trường vàng trong nước, thế giới sẽ liên thông nhiều hơn. Khi đó, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC, giá vàng thế giới sẽ rút ngắn đáng kể, có thể về mức 3-5 triệu đồng/lượng. “Đó là biện pháp triệt để nhất để bình ổn giá vàng”, ông Phương nói.

Chuyên gia kinh tế Trần Duy Phương dự đoán: “Vào tuần tới 3/6, có khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ định 4 ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV) bán vàng trực tiếp cho người dân. Trước đây, đấu thầu xong, doanh nghiệp có thể bán giá thế nào là quyền của họ. Thế nhưng giờ đây, Ngân hàng Nhà nước ấn định giá công khai mua vào - bán ra sẽ làm cho giá trở nên thực tế hơn. Tất nhiên, thời điểm này không quá kỳ vọng vào việc giá sẽ giảm mạnh nhưng từng bước một giá sẽ giảm”.

Coi vàng là tài sản và đánh thuế

Một phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết, hiệp hội từng gửi đề xuất nhập vàng lên Ngân hàng Nhà nước nhưng chưa nhận được phản hồi. Tuy nhiên, nếu chưa sửa Nghị định 24 về bỏ độc quyền vàng miếng SJC thì dù cho phép nhập khẩu vàng cũng không có ý nghĩa nhiều. Do vậy, để bình ổn thị trường phải vừa sửa nghị định 24 để xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC vừa cho phép các doanh nghiệp đủ điều kiện được nhập khẩu vàng.

Cũng theo vị này, không nên quá lo ngại việc cho phép nhập khẩu vàng sẽ khiến “vàng hóa” nền kinh tế. Vì bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay rất khác so với hơn 10 năm trước.

Còn chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Tuấn, Tổng giám đốc AFA Capital thì cho rằng, hiện có nhiều biện pháp đưa ra để bình ổn thị trường vàng. Thế nhưng, khi triển khai các biện pháp thì chênh lệch giá vàng miếng SJC với thế giới ngày càng cao. Nếu như 10 năm trước, mức chênh lệch này chỉ từ 1 - 2 triệu đồng/lượng nhưng nay lên gần 20 triệu đồng/lượng.

Ông Tuấn cho hay, nếu như coi vàng là tiền thì việc kiểm soát vàng cũng như kiểm soát tiền, cung tiền hoàn toàn thuộc về quyền của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên hiện tại vai trò của vàng miếng vô cùng thấp, do Nghị định 24 và hệ thống ngân hàng đã khác 10 năm trước, nhiều khi các ngân hàng không còn cho vay bằng vàng.

Còn nếu coi vàng là tài sản thì nên tập trung quản lý về đối tượng giao dịch. Chúng ta có thể cho thành lập trung tâm giao dịch vàng vật chất quốc gia như các sản phẩm đầu tư khác: cổ phiếu, trái phiếu và có trung tâm lưu ký và giao nhận. Vì vậy, để điều tiết giữa các kênh đầu tư có thể dùng công cụ thuế, phí dành cho chuỗi giá trị từ nhập khẩu, mua bán cho đến xuất khẩu.

Nguồn: [Link nguồn]

Sáng nay 29/5, giá vàng thế giới và giá vàng trong nước đồng loạt tăng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Mai ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN