Big C tạm ngừng nhập hàng Việt: Muốn tồn tại, doanh nghiệp phải tự cứu mình!
Sau câu chuyện siêu thị Big C từ chối hàng dệt may trong nước, nhìn một cách công bằng, các chuyên gia khuyến cáo, doanh nghiệp Việt cần cải tiến chất lượng sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh mới có thể đứng vững ở “sân nhà”.
DN kêu khó tiếp cận các siêu thị lớn
Một đại diện doanh nghiệp may mặc tại Hà Nội cho biết, không riêng Big C, doanh nghiệp may mặc cũng gặp khó khăn với hệ thống AEON Mall của Nhật Bản, khi siêu thị này nâng mức phí chiết khấu và định mức bán hàng lên cao. Thực tế này khiến hàng hóa của doanh nghiệp Việt khó cạnh tranh được với các thương hiệu nước ngoài đã có tên tuổi. Một số doanh nghiệp may mặc nội địa không chịu được định mức và phí chiết khấu, buộc phải rút khỏi hệ thống trung tâm thương mại này.
Theo bà Ninh Thị Ty, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn may mặc Hồ Gươm, trước đây doanh nghiệp chỉ tập trung vào sản xuất phục vụ xuất khẩu, nay phát triển song song cho cả xuất khẩu và thị trường nội địa. Do đó, ngoài việc phải thay đổi nâng cao chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp may mặc phải đối mặt với hàng nhái.
“Sản phẩm mình tốt, chiếm lĩnh thị trường thì người ta mới làm nhái, nhưng hàng nhái sẽ khiến lòng tin của người tiêu dùng với doanh nghiệp sụp đổ. Do vậy, Nhà nước cần có chính sách kiểm soát hàng giả hàng nhái mạnh hơn nữa, đặc biệt là tạo hệ thống hàng rào bảo vệ thương hiệu Việt. Vấn đề này doanh nghiệp không thể làm được”, bà Ty nói.
Việc Big C tạm ngừng nhập mặt hàng may mặc thương hiệu Việt Nam, có thể xem là “đòn kép” đối với doanh nghiệp may mặc trong nước. Sau động thái này, rất có thể sắp tới Big C sẽ đồng loạt tăng phí chiết khấu, định mức bán hàng đối với sản phẩm may mặc Việt khi bày bán tại siêu thị này, như đã từng làm với các doanh nghiệp thủy sản mấy năm trước.
Ông Nguyễn Văn Thanh, giám đốc một doanh nghiệp dệt khăn tại Hà Nội cho biết, trước đây, DN của ông từng làm việc với đại diện một số siêu thị để đăng ký làm nhà cung cấp sản phẩm. Tuy nhiên, do tỷ lệ chiết khấu cao nên ông Thanh từ bỏ ý định đưa hàng vào siêu thị. Thay vào đó, DN của ông Thanh tiếp cận với hệ thống các siêu thị nhỏ lẻ, các đại lý bán hàng để cung cấp sản phẩm.
“Chúng tôi ký gửi hàng vào các siêu thị nhỏ, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa ở Hà Nội và một số địa phương như Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa. Dần dần, các cửa hàng này trở thành hệ thống phân phối sản phẩm của chúng tôi. Ngoài ra, tôi lắng nghe phản hồi của khách hàng để điều chỉnh chất lượng, giá bán sản phẩm phù hợp với thị trường”, ông Thanh cho biết.
Quần áo đổ đống trong siêu thị Big C. Ảnh Đức Hùng
Những thương hiệu hoàng kim biến mất
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội phân tích, những thương hiệu của Việt Nam từng một thời hoàng kim nhưng dần dần đã biến mất trước cạnh tranh khốc liệt.
“Để một thương hiệu tồn tại trên thị trường đòi hỏi sự vận hành rất đồng bộ giữa các yếu tố với nhau, từ marketing đến sản xuất, phân phối. Nhiều thương hiệu của Việt Nam không có được sự đồng bộ đó dẫn đến sẽ bị thua thiệt trong cuộc chơi dài hơi”, ông Phú nói.
Đồng thời ông Phú cho rằng, chính doanh nghiệp phải là đơn vị tự xây dựng hệ thống phân phối cho sản phẩm của mình chứ không thể chờ đợi hoặc phụ thuộc vào bất cứ ai. Tuy nhiên, thực tế hệ thống phân phối của Việt Nam hiện đang còn yếu. Để xây dựng một hệ thống phân phối mạnh thì chỉ có sức không thôi chưa đủ, doanh nghiệp còn phải có tiền bạc và sự... nhẫn nại.
“Tôi không phải chê hàng Việt Nam nhưng hàng hóa của ta chậm được đổi mới và không theo kịp sự sáng tạo của các hãng nước ngoài. Nhà sản xuất nước ngoài họ nghiên cứu rất kỹ thị trường, gu tiêu dùng của người Việt Nam để đưa hàng hóa phù hợp, cạnh tranh với hàng nội địa. Đừng đổ cho hàng Nhật Bản, Thái Lan, họ chỉ chiếm 30% sự quyết định tồn tại hay không. Tôi vẫn nghĩ, người dùng không có lỗi gì. Ở đâu hàng hóa ngon hơn, tiện hơn, giá rẻ hơn, mùi vị phong phú hơn họ sẽ dùng. Và, thị trường sẽ quyết định sản xuất”, ông Phú nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đánh giá, việc bán hàng ngoại ở Việt Nam không phải do chủ quan của nhà phân phối mà người tiêu dùng sẽ quyết định. Nếu như hàng hóa nhập ngoại có chất lượng thấp, giá cả cao không phù hợp với người Việt Nam chắc chắn sẽ không được chấp nhận. Đã đến lúc DN trong nước phải nâng cao chất lượng sản phẩm để có thể cạnh tranh tốt hơn.
Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, bản thân các doanh nghiệp cũng cần có sự nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh. Doanh nghiệp không thể cứ ỷ lại vào lòng tốt của các đối tác nước ngoài bởi đầu tư kinh doanh phải hướng đến lợi nhuận. Mặt hàng dệt may chỉ là mặt hàng đầu tiên chứ không phải là mặt hàng cuối cùng sẽ gặp phải sự từ chối.
“Chỉ khi nào mặt hàng của Việt Nam có thế mạnh hơn thì các doanh nghiệp nước ngoài mới không thể thay thế bằng hàng nhập ngoại. Nếu các nhà sản xuất trong nước đưa ra những sản phẩm tốt, giá cả phải chăng, chắc chắn sản phẩm sẽ đứng vững trên thị trường, tận dụng được thế mạnh “sân nhà” để phát triển” ông Long nhấn mạnh.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương ngày 4/7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, sáng cùng...