Biến tướng đa cấp thời 4.0: Kết đắng cho niềm tin “ngồi mát ăn bát vàng”
Những hình thức biến tướng đa cấp tài chính vẫn như vòi bạch tuộc “hút máu” nhà đầu tư ngây thơ bằng nhiều vỏ bọc phức tạp.
Chiêu bài “kiếm tiền online thụ động”
Một buổi sáng, tôi bất ngờ nhận được dòng chat Zalo của anh bạn đối tác: “Xin chào! G.T là công ty phân quyền kinh doanh cho nhà đầu tư. Đầu tư mua phân quyền 3 triệu đồng được tặng 1.000 cổ phần trong tháng Sáu này. Mỗi tháng đều đặn nhận cổ tức “khủng”. Ngoài ra, nhà đầu tư được quyền kinh doanh hoặc phân phối các sản phẩm của công ty...”. Tin nhắn dường như được gửi đi hàng loạt cho nhiều người.
Phản hồi tin nhắn nói trên, tôi được biết anh bạn mới bỏ việc ở một tập đoàn bất động sản nổi tiếng để chuyên tâm tìm kiếm cơ hội khởi nghiệp mới. Lướt qua tài khoản Zalo, Facebook của anh bạn, tôi phát hiện thời gian gần đây, hình ảnh gia đình đã thưa dần, nhường chỗ cho những châm ngôn sống to tát kiểu như “Một cái đầu chứa toàn nỗi sợ hãi sẽ không có chỗ cho sự thành công”, “Lựa chọn đúng quan trọng hơn nỗ lực”...
Truy cập trang web được giới thiệu, tôi nhận ra đây là một công ty bao gồm 5 hệ sinh thái doanh nghiệp, kinh doanh 26 lĩnh vực: Quán café, thiết bị viễn thông, sàn giao dịch tiền điện tử trung gian, ví điện tử, quỹ đầu tư tài chính...
Với slogan khá ngờ nghệch được treo trên website “Một lần cơ cấu bằng cả đời phấn đấu”, công ty này tự quảng bá đã tiên phong kinh doanh hình thức “phân quyền kinh doanh”, là công ty duy nhất trên thế giới chia cổ tức hàng tháng đồng thời kêu gọi nhà đầu tư hãy “nắm bắt cơ hội làm giàu xây dựng doanh nghiệp riêng cho mình với số vốn vỏn vẹn 3 triệu”.
Không chỉ G.T, thời gian gần đây người dùng mạng xã hội thường xuyên đọc được các bản tin chào mời đầu tư tài chính kiểu như: “Xin chào cả nhà, mình đang tham gia dự án đầu tư có thể thu về gấp 4 lần số vốn ban đầu chỉ trong vòng 1 tháng. Đây là mô hình góp vốn ủy thác vừa phát triển của công ty X chuyên về giao dịch forex đến từ Hy Lạp”.
Theo lời giới thiệu của nhân viên môi giới (broker) này, người chơi vào sàn đầu tư tài chính, mở 1 tài khoản, nộp tiền ủy thác và để robot tự giao dịch. Lợi nhuận sau đó được trả vào một ngày cố định hằng tuần. Tùy theo gói vốn có thời hạn ủy thác 3, 6, 9 hay 12 tháng mà tiền lãi tỉ lệ thuận càng cao.
Mỗi tài khoản được kích hoạt sẽ có một đường link giới thiệu cho tài khoản mới và tài khoản giới thiệu được nhận 10% hoa hồng trên lợi nhuận ròng mà gói tài khoản mới được kích hoạt. “Cứ như vậy, bạn sẽ kiếm tiền online thụ động một cách nhẹ nhàng và nhanh chóng trở nên giàu có” – boker tiếp tục dẫn dụ người chơi.
Ngoài ra, hàng loạt bài viết trên mạng xã hội phơi bày cuộc sống vương giả của những đại gia trader phất lên nhờ forex, đi siêu xe, xài tiền hàng quyển... đã mang đến thứ ảo tưởng cho nhiều nhà đầu tư ngây thơ rằng chỉ cần nắm bắt đúng thời cơ là có thể đổi đời trong tích tắc.
Sập bẫy các chiêu bài này, rất nhiều người đã gia nhập vào các mạng lưới đầu tư này. Theo chia sẻ của chính vị Chủ tịch công ty G.T thì chỉ sau hơn một năm công ty ra đời đã thu hút được hơn 110.000 người tham gia.
Không khác gì đa cấp
Trả lời PV Đời sống & Pháp luật, chuyên gia tài chính – TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, Chính phủ Việt Nam hiện đang cấm giao dịch ngoại tệ trên thị trường tự do. Người dân chỉ được quyền giữ ngoại tệ trong nhà, nếu phát sinh nhu cầu trao đổi, mua bán (như gửi tiền cho con đang du học, đi du lịch nước ngoài...) thì phải báo cáo. Chính vì vậy, các hình thức kêu gọi vốn đầu tư kiểu forex (Foreign Exchange: Thị trường ngoại hối) về mặt kỹ thuật thì tương tự như chơi chứng khoán, nhưng nó sử dụng ngoại tệ trong giao dịch thì là bất hợp pháp.
Ngoài ra, đặc điểm căn bản nhất để nhận biết một mô hình kinh doanh có phải là đa cấp hay không thì chỉ cần dựa vào cơ chế trả lãi của nó, nếu nó yêu cầu người chơi (trader) liên tục mở rộng mạng lưới và lấy tiền đầu tư của người sau để trả lãi cho người trước thì đó chính là mô hình ponzi đặc trưng của kinh doanh đa cấp. Nhà đầu tư dễ dàng bị đánh lừa rằng khoản lãi đó đến từ lợi nhuận kinh doanh, nhưng thực chất nó chỉ là vốn đầu tư của người sau. Nếu mọi việc diễn ra trôi chảy thì không ai phát hiện ra, chỉ đến khi đầu tư giảm, quá trình trả lãi này bị ngưng trệ thì cả mô hình đa cấp mới bị sụp đổ.
Một đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, hiện nay chưa có quy định cụ thể về hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch ngoại hối, do đó mọi hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch ngoại hối là trái pháp luật. Quy định hiện hành chỉ cho phép tổ chức và cá nhân thực hiện các giao dịch hối đoái có tính chất giao dịch giao ngay, giao dịch kỳ hạn, giao dịch hoán đổi, giao quyền chọn và trong phạm vi các tổ chức tín dụng.
Kết đắng cho những ảo mộng “ngồi mát ăn bát vàng”
Đã qua thời kinh doanh đa cấp truyền thống kiểu 15 - 20 năm về trước, trong đó người chơi phải bỏ ra một khoản tiền để mua thực phẩm chức năng, đai chữa bệnh, quần áo có từ trường chữa bệnh... rồi muốn thu hồi khoản vốn ban đầu thì phải về nhà huy động anh chị em, về quê chào mời hàng xóm láng giềng tham gia. Sau khi nhiều công ty đa cấp bị cơ quan chức năng “sờ gáy” rồi phạt nặng thậm chí rút giấy phép, người dân đã được trang bị thông tin để cảnh giác với nạn biến tướng đa cấp phát sinh lừa đảo khiến nhiều gia đình tán gia bại sản, hoạt động kinh doanh đa cấp dường như có chiều hướng chững lại.
Theo thông tin từ bộ Công Thương, từ năm 2016 đến nay, số lượng doanh nghiệp đa cấp đã giảm mạnh; tính đến tháng 9/2019, chỉ còn 23 doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động kinh doanh đa cấp; 44 doanh nghiệp đã bị thu hồi giấy chứng nhận hoặc tự giải thể, phá sản vì làm ăn kém hiệu quả. Số lượng tham gia kinh doanh đa cấp cũng giảm mạnh từ 1,3 triệu người xuống còn 800.000 người. Dù vậy, doanh thu của ngành kinh doanh này vẫn đạt 5.800 tỷ đồng trong sáu tháng đầu năm 2019, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2018.
Thông tin mới nhất từ cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho hay, hiện trên thị trường Việt Nam chỉ có 23 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định tại Nghị định 40/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng theo phương thức đa cấp. Tuy nhiên bằng nhiều cách, các công ty có kinh doanh mô hình đa cấp vẫn “lách luật” để hoạt động.
Trao đổi với PV ĐS & PL, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhận định, về hình thức các khái niệm “phân quyền kinh doanh” hay “nhượng quyền thương hiệu” chỉ là cách nói khác đi của các công ty đa cấp, nếu như nó vẫn hoạt động theo mô hình ponzi nói trên thì vẫn là đa cấp.
“Chính bởi vì không đi theo hướng kinh doanh đa cấp bài bản, hợp pháp nên các công ty này không xin cấp phép từ bộ Công Thương mà lại xin giấy phép từ bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hình thức kinh doanh hợp pháp khác, sau đó tìm cách lái sang hướng kinh doanh đa cấp kiểu biến tướng lừa đảo” – Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhận xét.
Và hậu quả cho những nhà đầu tư ngây thơ là tiếp tục bị “hút máu”, khánh kiệt, thậm chí vướng vòng lao lý. Chỉ riêng trong tháng 11/2019, cơ quan chức năng đã tiến hành điều tra, bắt giữ và xét xử hàng loạt vụ trọng án lừa đảo chiếm đoạt tài sản có liên quan đến hình thức kinh doanh đa cấp.
Mới đây, ngày 28/11/2019, Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Phước đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, tuyên phạt sáu bị cáo với tổng mức án 50 năm tù do hành vi lừa đảo qua hình thức kinh doanh đa cấp tại công ty cổ phần Ðầu tư thương mại dịch vụ Sức Mạnh Việt, chiếm đoạt gần 2 tỷ đồng của 12 bị hại. Trước đó là các đại án Công ty Liên Việt, địa ốc Alibaba,... với số tiền chiếm đoạt lên đến cả nghìn tỷ đồng.
Trước biến tướng phức tạp của lừa đảo kinh doanh đa cấp, không có cách nào khác, trước khi quyết định, nhà đầu tư cần phải tìm hiểu để nắm rõ hồ sơ, vốn điều lệ, lĩnh vực kinh doanh, phương thức làm ăn, quá trình phát triển của các công ty, tập đoàn này. Tuyệt đối không đầu tư vào lĩnh vực, mặt hàng không được pháp luật Việt Nam công nhận hay lĩnh vực doanh nghiệp chưa đăng ký kinh doanh.
Nếu thấy sự tăng trưởng đáng ngờ của doanh nghiệp, những lời mời chào huy động vốn, hoa hồng cao bất thường không tương xứng với tiềm năng và tầm vóc của doanh nghiệp, nhà đầu tư phải cân nhắc kỹ lưỡng, vì đây là các dấu hiệu quen thuộc của lừa đảo đa cấp theo cái bẫy Ponzi (đặt theo tên của C. Ponzi - ông trùm lừa đảo tín dụng đa cấp). Bởi, không có hoạt động làm giàu nào lại dễ dàng, tốn ít công sức, ngoại trừ các thủ đoạn lừa đảo chiếm dụng tài sản người khác.
Nguồn: [Link nguồn]
Chốt tuần, vàng thế giới tăng vượt ngưỡng do ảnh hưởng của dịch Covid-19.