Bị phạt vì vận chuyển hàng cho công ty 'ma' Trung Quốc
Nhiều doanh nghiệp bị phạt hàng trăm triệu đồng vì nhận vận chuyển hàng quá cảnh cho chủ hàng nước ngoài, mà không biết đó là hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ.
Hàng quá cảnh hay còn gọi là hàng "mượn đường", là hàng hóa được vận chuyển từ nước thứ nhất, quá cảnh qua nước thứ hai, để đến nước thứ ba tiêu thụ.
Nằm ở vị trí thuận lợi trong lưu thông quốc tế, dịch vụ vận chuyển hàng quá cảnh đang hấp dẫn nhiều doanh nghiệp (DN) Việt. Tuy nhiên, rủi ro từ hoạt động này không phải là nhỏ.
Chở quá cảnh cũng có thể bị xử phạt nếu là hàng giả
Mới đây, Công ty TNHH X.N.K. L tại Hà Nội vừa bị xử phạt sau khi bị hải quan kiểm tra và phát hiện hàng mà DN này vận chuyển quá cảnh có vi phạm sở hữu trí tuệ.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện công ty cho biết họ rất bất ngờ, bởi chỉ nhận vận chuyển hàng đóng gói sẵn, chứ không thể biết chắc chắn trong đó thế nào.
“Hàng có xuất xứ đầy đủ, hợp đồng rõ ràng là chúng tôi chỉ là bên được thuê làm dịch vụ quá cảnh. Nếu đó là hàng nhái hay vi phạm sở hữu trí tuệ thì chủ hàng phải chịu chính, bên vận chuyển chỉ liên đới phần nào thôi chứ?”, đại diện DN này than thở.
Cũng hoạt động dịch vụ quá cảnh, ông Trần Văn Phương, Giám đốc Công ty TNHH Smart Logistics Việt Nam cho biết trong vai trò bên vận chuyển, công ty ông chỉ được bạn hàng cung cấp tờ khai tên hàng, chủng loại, số lượng và họ chịu trách nhiệm về nội dung đó.
Còn hàng hóa được niêm phong trước khi nhận, chất lên xe, giữ nguyên cho đến khi hoàn tất quá cảnh. Công ty vận chuyển không có quyền cũng như nghĩa vụ kiểm tra tính xác thực của tờ khai.
“DN vận chuyển như chúng tôi bao giờ cũng rất trách nhiệm trong việc khai báo. Nhưng nguyên tắc dịch vụ là vậy, nên rất khó phát hiện nếu là hàng giả, hàng nhái” – ông Phương cho hay.
Ông H.T.S, Giám đốc Công ty Thương mại và vận tải quốc tế V.T thì băn khoăn về căn cứ của việc xử phạt. “Cho dù đó là hàng giả thì cũng đâu tiêu thụ ở Việt Nam. Sao hải quan ta phải mất công đi bảo vệ cho nước thứ ba nơi điểm đến, tiêu thụ hàng?” – ông S bày tỏ.
Hàng quá cảnh là hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ bị cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ. Ảnh: AN HIỀN
Giải thích từ hải quan
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Ba, Đội trưởng Đội 4, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho biết việc kiểm tra đối với hàng quá cảnh là theo pháp luật Việt Nam, như một phần nghĩa vụ khi tham gia liên minh hải quan quốc tế, mà cam kết chung là ngăn ngừa hàng giả, hàng phi pháp, vi phạm sở hữu trí tuệ.
Đội 4 là đơn vị chuyên kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Qua nắm bắt thì đơn vị này có danh sách 129 DN cung ứng dịch vụ vận chuyển hàng quá cảnh.
Từ rà soát, đánh giá rủi ro và công tác trinh sát phát hiện hàng hóa có dấu hiệu vi phạm về sở hữu trí tuệ trên cả nước, Đội 4 chọn ra bốn công ty đưa vào diện trọng điểm để kiểm tra. Đó là các công ty TNHH TM S.H, công ty TNHH MTV B.V, công ty TNHH KD&DV X.N.K, công ty CP VT X.Q.G.
“Bốn DN này trong thời gian từ 13 đến 21-7 vận chuyển 647 container quá cảnh qua các cửa khẩu Hữu Nghị, Cha Lo, Mộc Bài, Tây Ninh để sang nước thứ ba. Trong số này, chúng tôi chỉ kiểm tra 132 container, phát hiện 88 container có vi phạm, gồm 35 container chứa hàng giả các thương hiệu nổi tiếng, số còn lại là hàng hóa sai với khai báo trong tờ khai hải quan” – ông Ba cung cấp thông tin.
Về căn cứ lựa chọn, Đội 4 cho hay đây là những DN mà kiểm tra các năm 2017, 2018, 2019 đều có vi phạm, với số lượng lớn hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ được phát hiện.
“Họ cũng giải thích chủ hàng người Trung Quốc, họ chỉ là đơn vị vận chuyển nên không biết gì. Không biết gì nhưng nhỡ vận chuyển cả ma túy, vũ khí, tài liệu phản động thì trách nhiệm thuộc về ai?” – ông Ba nói.
Ông Nguyễn Văn Ba, Đội trưởng Đội 4 trao đổi với PV. Ảnh: AN HIỀN
Với các cuộc kiểm tra, xử phạt cụ thể vừa nêu, người đứng đầu Đội 4 cho hay trước khi tiến hành đều nắm được thông tin tình báo hải quan. Và sau các đợt kiểm tra, phía Việt Nam đều có trao đổi với luật sư đại diện các thương hiệu nổi tiếng ở Trung Quốc, Campuchia, Lào, Thái Lan để phối hợp chống buôn lậu quốc tế.
“Bốn DN này đã có nhiều năm vi phạm, vi phạm có hệ thống. Như Công ty S.H đợt này vận chuyển 35 container thì 17 chứa hàng giả. Công ty X.N.K thì 13/35 container có chứa hàng giả”.
Ông Ba cũng cho biết pháp luật không hề khắt khe với hàng quá cảnh. Bởi theo hiệp định hải quan giữa Việt Nam với các nước thì về cơ bản, hàng quá cảnh là miễn kiểm tra, thậm chí được ưu tiên đến mức là không có luồng đỏ. Tuy nhiên hiệp định cũng quy định rõ nếu có dấu hiệu vi phạm thì vẫn phải kiểm tra.
Giải pháp phòng ngừa
Những vướng mắc trong kiểm tra hàng quá cảnh đã được các DN gửi tới Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA).
Phó tổng thư ký Nguyễn Tương cho biết: “Nguyên tắc chung là tạo thuận lợi không kiểm tra, nhưng khi hải quan nghi ngờ thì họ được quyền kiểm tra. Vấn đề này đã được quy định rõ trong luật, hiệp định”.
Tuy nhiên, Phó tổng thư ký VLA cũng cho rằng nên có thông cảm nhất định với DN vận chuyển. “Hải quan phải thông cảm với DN, vì họ chỉ là đơn vị chuyên chở. Nhưng về phía DN cũng phải tự chứng minh không có sai phạm. Chứ biết đó là hàng lậu mà vẫn cố tình chở thì khi bị phát hiện, bị xử phạt là đúng” – ông Tương nhấn mạnh.
Giải pháp phòng ngừa, theo ông Tương là DN tìm hiểu thật kỹ bạn hàng, không nên ham lợi mà nhận vận chuyển cho những đầu mối ngoại không rõ ràng. Ngoài ra, quy trình tiếp nhận, vận chuyển phải chặt chẽ, với hợp đồng, niêm phong đầy đủ, để chứng minh không có thay đổi hàng hóa trong thời gian quá cảnh.
“Hiện nay vận chuyển hàng quá cảnh đang bị lợi dụng để buôn lậu nên phải làm nghiêm ngặt. DN làm ăn chính đáng rất hoan nghênh hải quan làm nghiêm ngặt để bảo vệ họ, không để xảy ra tình trạng con sâu làm rầu nồi canh” – ông Tương nói.
Còn theo ông Nguyễn Văn Ba, phương thức kinh doanh dịch vụ quá cảnh hiện nay là người vận chuyển phải khai tờ khai hải quan và do đó phải chịu trách nhiệm với nội dung kê khai.
“Chẳng hạn chủ hàng Trung Quốc giao hàng cho công ty Việt Nam vận chuyển thì kèm theo là bảng kê chi tiết. Dựa vào đó, công ty bên mình khai báo hải quan. Cho nên, nếu bảng kê không đúng thì rất rủi ro.
Giải pháp là công ty vận chuyển cần đàm phán với chủ hàng để ràng buộc trách nhiệm dân sự, để họ phải chịu phạt nếu khai báo gian dối, kinh doanh hàng giả. Khi bị phát hiện mới có cớ mà xử nhau” – ông Ba gợi ý.
Nhiều chủ hàng Trung Quốc là công ty ma Từ các cuộc kiểm tra hàng quá cảnh, chúng tôi đã phối hợp với phía Trung Quốc để điều tra, thì thấy các chủ hàng bên đó đều là công ty ma, hồ sơ giả. Riêng tôi đã hai lần sang Trung Quốc để tìm hiểu vấn đề này. Bám vào chứng từ, con dấu, chữ ký trên hồ sơ mà công ty vận chuyển của Việt Nam khai hải quan thì không thấy doanh nghiệp Trung Quốc nào như vậy cả. Công ty không có thật, chủ hàng không có thật thì hàng trở nên bất hợp pháp. Doanh nghiệp Việt Nam vận chuyển hàng quá cảnh ấy hoàn toàn có thể bị nghi ngờ là buôn lậu. Chưa kể, đang có hiện tượng hàng Trung Quốc quá cảnh Việt Nam, sang Campuchia thì xuống hàng để buôn lậu trở lại Việt Nam. Tuyến đường sông ở Vĩnh Xương, cửa khẩu Thường Phước, dọc bờ sông bên kia của Campuchia là hệ thống kho. Họ lợi dụng sông, rạch biên giới để quay hàng về. (Ông Nguyễn Văn Ba, Đội trưởng Đội 4) |
Nguồn: [Link nguồn]
Hàng loạt doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ bị phạt vì nộp thiếu thuế thu nhập doanh nghiệp theo Nghị định 126/2020...