Ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm
- 484.600 lao động
- Lương trung bình: 10,8 triệu/tháng, cao nhất cả nước
- CEO lương thấp nhất: 4,2 tỷ/năm
- Tại các thành phố lớn: 5% số việc tuyển dụng hàng năm
- Nhu cầu nhân lực cấp cao tăng 20%/năm
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình không mấy khá giả, bố mẹ đều là công nhân với mức thu nhập thấp, Chị H. Trang thường hay đùa, ngay từ nhỏ mình đã nung nấu ước mơ được “đếm tiền”. Thời học phổ thông, chị xác định phải thi đỗ Học viện Ngân hàng để trở thành một nữ banker – ngành nghề tiềm năng nhất giúp chị thực hiện ước mơ “đếm tiền mỏi tay”.
Với sự quyết tâm, từng mục tiêu của cô học sinh ngày nào đã được hoàn thành. Giờ đây chị Trang đang là cán bộ hội sở chính của một ngân hàng thương mại lớn.
Chị Trang vào làm ở ngân hàng hiện tại với mức lương khoảng 14 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, tin nhắn báo tiền về thì không chỉ 1 tháng 1 lần. Thỉnh thoảng, điện thoại lại reo lên mang theo những món tiền thưởng, những khoản chi hoặc hỗ trợ ngoài lương cho cán bộ của ngân hàng. Số tiền mỗi lần thường từ vài trăm ngàn đến vài triệu. Đương nhiên, khoản thưởng lớn nhất là vào dịp cuối năm.
“Bên mình chi lương theo hiệu quả công việc sau, theo từng quý và cuối năm. Chính vì vậy, cuối năm nhận tiền thưởng lên đến hàng trăm triệu là chuyện bình thường. Như bộ phận của mình thưởng vẫn còn là thấp trong mặt bằng đấy.” Cùng với đó, các chế độ bảo hiểm và phúc lợi khác cũng rất tốt, chị Trang cho biết thêm.
Từ quê lên Hà Nội học rồi tìm việc, 5 năm trước chị lập gia đình và quyết tâm hoàn thành kế hoạch mua nhà, một kế hoạch nghe khá viển vông với một cô gái công sở bắt đầu mọi thứ từ con số 0. Giữ “bệnh nghề nghiệp”, chị thống nhất rõ ràng, ghi sổ sách với chồng về số tiền chi tiêu và tích lũy hàng tháng để 2 vợ chồng sớm đạt được mục tiêu. Tuy nhiên, chồng chị vẫn thường hay “chi vượt thu”.
“Chồng mình làm xây dựng nhưng lại bị vài năm Covid nên thu nhập không ổn định. Nam giới tiêu xài nhiều khi cũng không tính toán kỹ nên thường có bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu.”
Mặc dù vậy, chị Trang vẫn hoàn thành mục tiêu của mình vào năm ngoái. Căn hộ chung cư 2 phòng ngủ có giá gần 3 tỷ ở Hà Nội là thành quả sau gần 10 năm đi làm. Đặc biệt, chị không phải nhờ đến sự hỗ trợ từ gia đình 2 bên.
“Mình làm ở ngân hàng nên cũng được hỗ trợ gói vay ưu đãi. Tuy nhiên mình vay không nhiều, chỉ vài trăm triệu thôi. Số còn lại đều là tiền mình tích luỹ từ trước.”
Chưa đầy 30 tuổi, một tay lập nghiệp, mua nhà ở Hà Nội, lo cho em học đại học, chị Trang là niềm tự hào của cha mẹ ở quê. Bên phía nhà chồng cũng rất phấn khởi khi có con dâu giỏi giang, tháo vát. Trong họ, ai có việc gì cần về chính sách, lãi suất, thủ tục vay, gửi tiền cũng hỏi chị. Bạn bè gặp nhau cũng thường đùa “làm ngân hàng sướng nhỉ, tiền để đâu cho hết”.
Nhớ lại thời điểm tốt nghiệp đại học gần 10 năm trước, chị Trang đã vượt qua hàng trăm bạn cùng lứa để đỗ làm thực tập sinh tại một ngân hàng thương mại, tỷ lệ chọi còn cao hơn thi đại học.
Tuy nhiên, vào đến ngân hàng rồi vẫn chưa được “đếm tiền” như tưởng tượng. Ban ngày, cô thực tập sinh chỉ quanh quẩn ở cửa, chào khách, bấm số và hướng dẫn khách vào quầy, đến tối đi ngủ lại mơ thấy phải mở thẻ và sổ tiết kiệm vì áp lực KPI treo trên đầu.
“Khi đấy, gia đình mình ở quê không có tiền, bạn bè cũng chỉ là sinh viên mới ra trường nên nghe chỉ tiêu tiền tỷ là thấy sợ, không biết làm thế nào cả.”
Thỉnh thoảng nhóm thực tập sinh còn được giao nhiệm vụ phát tờ rơi. Giữa trưa nắng, chị bấm chuông cửa từng nhà nhưng nhiều người cứ nhìn thấy là xua tay đuổi, có người còn mắng là làm phiền họ. Học hành vất vả, được mặc chiếc áo đồng phục ngân hàng mơ ước nhưng lại bị người ta coi thường, thậm chí tưởng là lừa đảo, đó là quãng thời gian chị mông lung nhất về tương lai.
Tuy nhiên, nhờ quãng thời gian đầy những hoảng hốt và hoang mang ấy mở ra cơ hội cho các vị trí chính thức sau này. Chỉ có vất vả và áp lực thì chưa bao giờ giảm. Chị đùa, mùa báo cáo cuối quý và năm, chị và các đồng nghiêp thường xuyên “không nhìn thấy mặt trời”:
“Mùa báo cáo phải mắc màn ngủ ở văn phòng là chuyện cơm bữa. Phải mấy năm rồi, không có đêm 31/12 nào mình được ở nhà. Mình làm ngay trung tâm, nhìn xuống dưới là thấy dòng người nô nức mừng năm mới. Quay lại thì thấy đồng nghiệp đang ngổn ngang với những con số, chuẩn bị “chiến đấu” xuyên đêm. Nếu số liệu chạy “ngon lành” thì quá nửa đêm là được về rồi, nếu không thì phải ở lại, có khi làm nguyên cả ngày đầu năm để sửa lại số.”
Không chỉ là nghề vất vả, ngân hàng còn là nghề nguy hiểm. Mỗi chữ ký đặt xuống kèm theo trách nhiệm nặng nề về pháp lý vì tiền trong tay nhưng không phải của mình. Công việc gấp gáp, dồn dập và cũng không được phép chểnh mảng 1 giây.
Cùng chung vất vả của nghề, chị T. Nga, cán bộ dịch vụ khách hàng cho biết làm nghề này, thời gian cho công việc nhiều hơn cho chồng con. Nhiều người nói “trai khôn lấy vợ ngân hàng”. Chồng chị cũng phải công nhận vì nhờ có vợ làm ngân hàng mà mình “khôn” hơn hẳn. Từ đưa đón con đi học, nấu cơm, giặt giũ, chăm con ăn, ngủ đều biết làm cả.
Chị Nga cho biết nhìn thấy chị tối ngày đi sớm về muộn, hàng xóm cũng phải thấy ái ngại. “Thực sự nếu không phải vì yêu nghề mà chỉ vì lương thì có lẽ mình không thể gắn bó với nghề đến bây giờ. Nhiều khi mình thấy mức lương so với thời gian và cống hiến bỏ ra vẫn chưa tương xứng.” Tuy nhiên, mỗi lần nhớ lại lần đầu mặc đồng phục đi làm, những ngày chinh chiến đến khuya cùng đồng nghiệp và cả những phút thở phảo, phấn khởi khi xong một phần việc khó khiến chị không nỡ rời đi.
Một báo cáo của công ty tư vấn nhân sự First Alliances cho biết, tài chính - ngân hàng vẫn là lĩnh vực có thu nhập cao nhất tại Việt Nam năm 2022. Có những vị trí như CEO nhận lương lên đến 40.000 USD/tháng, tương đương gần 900 triệu đồng/tháng.
Mặc dù lương trung bình ở mức cao nhưng theo báo cáo “Một số vấn đề nổi bật về nhân sự ngành ngân hàng”của Navigos Group, những ứng viên ngân hàng tham gia khảo sát cho biết họ cảm thấy căng thẳng và áp lực ở các mức độ khác nhau. 65% cho biết họ thấy căng thẳng và áp lực nhưng vẫn trong tầm kiểm soát, 26% thường xuyên thấy căng thẳng và áp lực trong công việc.
Tốt nghiệp thạc sỹ ngành ngân hàng ở nước ngoài, chị T. Hiền về Việt Nam làm ở bộ phận quản trị rủi ro ở một ngân hàng lớn. Bất ngờ khi đi làm là chị phát hiện, cả phòng mình ai cũng là… thạc sĩ. Tối muộn mới về nhà đã đành, nhiều hôm chị vẫn phải học đến khuya để chuẩn bị cho các kỳ thi lấy chứng chỉ quốc tế. Công việc không đòi hỏi nhưng chị cũng không muốn bị tụt hậu so với đồng nghiệp.
Mẹ chồng chị cho biết: “Con dâu tôi thu nhập khá nên nhà rất yên tâm về tài chính, trong gia đình nếu cần gì đều mua sắm đủ. Nhưng tôi cũng xót con vì nó bận tối ngày. Đến thứ 7, chủ nhật vẫn chịu khó dậy sớm, đi chợ, đỡ giúp tôi các công việc gia đình. Con bảo tôi nếu mẹ vất vả quá thì để con tìm thuê người giúp việc nhưng tôi không đồng ý.”
Tuy nhiên, khi sống ở gia đình chồng, việc thường xuyên đi sớm về muộn, dồn gánh nặng chăm cháu nhỏ cho ông bà vẫn khiến chị thấy áy náy. Sau khi sinh bé thứ 2, cảm thấy gia đình cần bàn tay chăm sóc của mình nhiều hơn, cũng là lúc chị Hiền quyết định rời bỏ công việc trong mơ này.
“Mức lương công việc mới của mình khoảng 24 triệu/tháng. Nếu tính cả thưởng thì chắc là thấp hơn trước đây làm ngân hàng. Tuy nhiên giờ nếu thu xếp công việc ổn thoả thì trước 6 giờ chiều là mình có thể về nhà rồi.”
Một lý do quan trọng khác khiến chị Hiền quyết tâm không làm ngân hàng nữa là bởi theo chị khi làm ở hội sở chính ở một ngân hàng lớn thuộc nhóm big4, cơ hội thăng tiến không nhiều. Ngay ở ngân hàng cũ của chị, nếu không được luân chuyển, có những người 10 năm vẫn làm ở nguyên một vị trí.
Một buổi chiều muộn, có thể rất nhiều người vợ, người mẹ làm ngân hàng vẫn đang miệt mài với công việc, trong lòng canh cánh về con cái và gia đình khi mình chưa thể về nhà. Mục tiêu của họ có thể khác nhau, vì lương thưởng, vì cơ hội thăng tiến, vì sự ổn định tài chính, tương lai của con cái hay đơn giản là vì say nghề. Tuy nhiên dù họ muốn gì và lựa chọn thế nào, họ đều là những người phụ nữ được mài dũa qua khó khăn và thử thách, đầy bản lĩnh và tự chủ về tài chính.