Bế tắc khi truy thu hơn 3.700 tỷ đồng tiền thuế của Sabeco và Unilever Việt Nam

Sự kiện: Chính sách thuế

Liên quan đến khoản tiền truy thu thuế lên tới hơn 3.700 tỷ đồng của Sabeco và Unilever Việt Nam, Cục thuế TP.HCM lại vừa có báo cáo về những số liệu thuế của hai doanh nghiệp này.

Ngày 16/2, thông tin từ Cục thuế TP.HCM cho hay, cơ quan này vừa có báo cáo số liệu xử lý về khoản tiền truy thu thuế lên đến 3.140 tỷ đồng của Tổng Công ty CP Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và số tiền 575 tỷ đồng của Công ty Unilever Việt Nam.

Theo lãnh đạo Cục thuế TP.HCM, Bộ Tài chính đang phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét toàn bộ việc truy thu thuế đối với hai doanh nghiệp này. Báo cáo của Cục thuế Thành phố sẽ là cơ sở để Bộ Tài chính xem xét, đưa ra quyết định. 

Bế tắc khi truy thu hơn 3.700 tỷ đồng tiền thuế của Sabeco và Unilever Việt Nam - 1

Cục thuế TP.HCM vẫn chưa thể cưỡng chế hơn 3.700 tỷ đồng của Sabeco và Unilever Việt Nam. 

Trước đó, cuối tháng 12/2018 Cục thuế TP.HCM ra 5 quyết định về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của Sabeco. Số tiền phạt vi phạm hành chính về thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền chậm nộp của doanh nghiệp này lên đến 3.140 tỷ đồng. 

Sau khi nhận 5 quyết định cưỡng chế, Sabeco đã có văn bản phản hồi, cho rằng kể từ năm 2015 khi Kiểm toán Nhà nước ban hành kết luận kiểm toán, công ty không có bất kỳ sai phạm nào trong việc kê khai, tính và nộp thuế tiêu thụ đặc biệt. 

Văn phòng Chính phủ sau đó truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian chờ các bộ, ngành, cơ quan xem xét, xử lý kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ về việc này, Bộ Tài chính chỉ đạo Cục thuế TP.HCM chưa cưỡng chế tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính của Sabeco. 

 Đối với Công ty Unilever Việt Nam, khi kiểm toán ngân sách TP.HCM năm 2015, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị truy thu doanh nghiệp này hơn 800 tỷ đồng. Sau khi đối chiếu số liệu, số tiền truy thu thuế của Unilever Việt Nam còn 575 tỷ đồng. 

Cũng như Sabeco, Unilever Việt Nam sau đó có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét chưa cưỡng chế để chờ kết luận cuối cùng. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Anh Linh ([Tên nguồn])
Chính sách thuế Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN