BĐS “đóng băng”, môi giới vay lãi rồi cho vay lại để kiếm lợi nhuận giờ “ngậm trái đắng”
Có nhiều môi giới bất động sản do thiếu việc làm nên đã đi vay lãi ngoài rồi cho vay lại để kiếm lợi nhuận. Tuy nhiên, do người đi vay không có khả năng trả lãi hàng tháng, đã khiến công việc này của các môi giới bất động sản “dở khóc dở cười”.
Anh Nguyễn Huy Nam, một môi giới bất động sản ở tỉnh Bình Dương, thời gian qua đã đi vay lãi của một số người quen rồi dùng số tiền đã đi vay, cho các nhà đầu tư bất động sản khác đang gặp khó khăn về tài chính vay lại để kiếm lời. Tuy nhiên, công việc này không diễn ra suôn sẻ, nhiều người đi vay không đủ tiền để trả lãi hàng tháng, nhưng anh Nam vẫn phải trả lãi vay cho những người đã cho mình vay.
Sau 6 tháng làm việc này, anh Nam phải “ngậm trái đắng” do không thể thu được tiền lãi từ những người mà mình đã cho vay một cách suôn sẻ.
Mặc dù khi cho vay khách hàng đã thế chấp một số lô đất hoặc các tài sản đảm bảo nhưng anh chưa thể bán được vì thời hạn vay còn kéo dài cả năm. Cực chẳng đã, anh Nam buộc phải rao bán một số mảnh đất mà anh đang sở hữu để có tiền giải quyết các khoản vay.
Vậy nhưng, sau nhiều lần rao bán các mảnh đất mà anh đang sở hữu tại Bình Dương, Đồng Nai, thậm chí cả ở khu vực TP. Thủ Đức (TP.HCM) vẫn chưa có ai hỏi mua. Anh phải tìm những người đã vay của mình, để động viên họ cố gắng xoay sở trả một phần lãi suất hàng tháng, hoặc có thể bán bớt các sản phẩm bất động sản đang có để trả tiền trả nợ cho mình.
Tuy nhiên, trong giai đoạn khó khăn, các con nợ của anh Nam cũng không thể bán được, khiến cuộc sống anh Nam rơi vào bế tắc.
Tương tự, anh Ngô Dũng, một nhà môi giới bất động sản ở Đồng Nai cũng đã đi vay của một số người với lãi suất 8%/ tháng rồi cho vay lại với lãi suất 10%/ tháng. Tuy nhiên, sau một thời gian nhiều người vay tiền không có khả năng trả lãi.
Cho dù khi vay họ cũng đã cầm cố tài sản như: Sổ đỏ các lô đất có giá trị, ô tô nhưng do không còn khả năng tài chính nên nhiều người vay chưa thể trả lãi nổi, đã khiến anh Dũng rơi vào thế khó.
Mới đây anh Dũng phải chấp nhận bán đi chiếc xe ô tô Santafe đang sử dụng với giá hơn 800 triệu đồng để trả cho một số chủ nợ đã cho mình vay. Tuy nhiên, số tiền này cũng không thấm thoát vào đâu so với số tiền gần 5 tỷ đồng anh này đã đi vay mượn để kinh doanh cho vay lại kiếm lợi nhuận.
“Trong giai đoạn khó khăn này đành phải chấp nhận sống chung với nó, không biết có thể trụ được thêm bao lâu nữa, dù cố gắng lắm cũng không thể duy trì được nếu như các con nợ đã vay của mình không có tiền đóng lãi hàng tháng”, anh Dũng nói.
Theo anh, dù đang giữ tài sản của khách vay, nhưng không thể bán được, vì thời hạn vay chưa hết, hơn nữa chủ yếu là cầm cố sổ đỏ, thời điểm thị trường không có thanh khoản như hiện nay cũng không thể mong gì hơn.
Trong thời gian thị trường bất động sản “đóng băng”, rất nhiều nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính để đầu tư đành phải chấp nhận đi vay lãi ngoài để trả lãi cho ngân hàng. Chính những hành động này đã khiến nhiều nhà đầu tư nợ thêm chồng nợ.
Ông Ngô Phương, CEO Bảo An Group cho biết, tình trạng nhà đầu tư vay lãi ngoài chi trả khoản tiền nợ ngân hàng không phải hiếm gặp. Là người làm trong nghề bất động sản lâu năm, ông Phương tiết lộ, nhiều người bạn của ông đang gặp khó vì bất động sản khó thanh khoản. Chưa kể, giá bất động sản đang hạ. Đơn cử như một số bất động sản ở Đà Nẵng hiện giảm tới 40-50% so với thời điểm thị trường “nóng”.
“Nỗi sợ nhất của nhà đầu tư bây giờ là trả tiền lãi ngân hàng. Nhiều người phải chấp nhận vay lãi ngoài với lãi suất cao hơn để chi trả tiền nợ nhà băng”, ông Phương nói.
Khi nói về “tâm lý của các nhà đầu tư hiện tại: Chấp nhận vay lãi ngoài trả lãi ngân hàng nhưng không muốn cắt lỗ”, ông Phương cho rằng, dù thừa nhận việc trả lãi ngân hàng là gánh nặng cho các nhà đầu tư. Song theo ông Phương, vấn đề của một số nhà đầu tư vẫn quan điểm rằng: “Họ chưa muốn cắt lỗ vì lo ngại thị trường có thể thay đổi”. Ngay cả cắt lỗ cũng chưa chắc đã có thể thanh khoản được bất động sản.
“Không ai có thể biết ngày mai thị trường sẽ diễn ra thế nào? Giá bất động sản sẽ tăng hay giảm? Nhà đầu tư vẫn kỳ vọng, đợi chờ thị trường sẽ khởi sắc, giá sẽ tăng. Nếu cắt lỗ ở hiện tại, nếu mai thị trường hồi, giá bất động sản tăng thì sao?”, ông Ngô Phương nói thêm.
Nguồn: [Link nguồn]
Mua được căn hộ chung cư hơn 3 tỷ đồng ở Thủ đô Hà Nội, chỉ sau 5 năm đi làm, chàng trai sinh năm 1996 khiến nhiều người nể phục. Cách thiết lập tài chính cá nhân của 9X...