Bầu Đức: "Trùm" địa ốc đầu tư dàn trải, nay dồn toàn lực vào trái cây
Bầu Đức đang từng bước cơ cấu lại bộ máy của HAGL, tập trung vào nông nghiệp trong đó mảng trái cây là sản phẩm chủ lực.
Bầu Đức bỏ bò, thủy điện, bất động sản để trồng cây ăn trái
Theo báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đạt 923 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ trái cây là 607 tỷ đồng, chiếm 66% tổng doanh thu, còn lại là nguồn thu từ bán mủ cao su, bán ớt và một số dịch vụ khác. Đặc biệt, doanh nghiệp của bầu Đức đã không còn nguồn thu nào từ bất động sản, cho thuê, bán bò...
Trong năm 2019, HAGL đặt chỉ tiêu doanh thu thuần là 5.125 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 88 tỷ đồng. Trong đó, mảng cây ăn trái dự kiến sẽ mang về doanh thu 4.401 tỷ đồng, tức chiếm tới 86% trong cơ cấu doanh thu.
Chuối đang là sản phẩm trái cây chủ lực của HAGL
Trên thực tế, cơ cấu kinh doanh của HAGL đã có dấu hiệu chuyển hướng tập trung vào mảng trái cây kể từ năm 2016. Bầu Đức cho rằng đây là hướng đi đúng đắn bởi sản phẩm trái cây có thị trường tiêu thụ rộng lớn, thời gian thu hoạch nhanh và hiệu quả kinh tế cao, giúp HAGL cân đối lại thanh khoản và vượt qua giai đoạn khó khăn về dòng tiền.
Theo ghi nhận trong hai năm 2017 và 2018, doanh thu từ trái cây đã chiếm lần lượt 33% và 54% tổng doanh thu của HAGL. Doanh thu từ bất động sản, cho thuê, bán bò sụt giảm mạnh theo từng năm.
"Thanh lọc" lại Hoàng Anh Gia Lai
HAGL tiền thân là xí nghiệp tư doanh Hoàng Anh Pleiku và sau đó được chuyển đổi thành CTCP HAGL vào năm 2006. Công ty của bầu Đức niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE năm 2008 với mã chứng khoán là HAG.
Sau đó, Bầu Đức nhanh chóng mở rộng hoạt động sang nhiều lĩnh vực và trở thành người "máu mặt" trong giới kinh doanh. Năm 2008 và 2009, mảng bất động sản đã giúp ông Đức trở thành người giàu nhất trên sàn chứng khoán với khối tài sản quy ra tiền tương ứng là hơn 6,1 ngàn tỷ đồng và hơn 11,4 ngàn tỷ đồng.
Bầu Đức từng là "ông trùm" BĐS thị trường phía Nam
Trong giai đoạn 2008-2012, lĩnh vực bất động sản và xây dựng đóng góp khoảng 3.000 tỷ doanh thu mỗi năm cho HAGL, các dự án chủ yếu tại khu vực TP HCM.
Tuy nhiên, đến năm 2013, khi thị trường bất động sản khó khăn, bầu Đức đã dần thoái lui khỏi lĩnh vực này và chuyển hướng sang thủy điện, khai khoáng, nông nghiệp. Công ty bầu Đức đầu tư mạnh vào mía đường, cao su, cọ dầu, bò thịt... tuy nhiên đều không thành công.
Kết quả, bộ máy doanh nghiệp cồng kềnh với gần 40 công ty con cùng khoản nợ ngân hàng khổng lồ (hơn 26.000 ngàn tỷ đồng), HAGL sau đó đã lâm vào khủng hoảng tài chính. Năm 2016, HAGL gây choáng váng cho cổ đông với mức lỗ “khủng” tới 1.500 tỷ đồng.
Sang năm 2017, Hoàng Anh Gia Lai đã quyết định tập trung toàn lực vào mảng cây ăn trái. Sau đó, công ty của bầu Đức kí kết hợp tác chiến lược với THACO của tỷ phú Trần Bá Dương để phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiện tại, nhóm cổ đông liên quan tới THACO đã sở hữu hơn 35% vốn của HAGL Agrico.
Ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HAGL
Theo ghi nhận tới thời điểm 30/6/2019, các doanh nghiệp con trong lĩnh vực bất động sản như CTCP Xây dựng và phát triển nhà Hoàng Anh, Công ty TNHH HAGL Myanmar và HAGL Bangkok đã bị loại bỏ hoàn toàn khỏi BCTC của HAGL.
Tuy vậy, HAGL vẫn đang sở hữu tới 35 công ty con. Trong đó, 4 công ty con ở lĩnh vực thủy điện tại Việt Nam và Lào; 23 công ty con trong lĩnh vực nông nghiệp; 3 công ty con trong lĩnh vực khai khoáng và 5 công ty con trong lĩnh vực xây dựng dịch vụ như thể thao, bệnh viện...
Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp trong số này ở lĩnh vực thủy điện, nông nghiệp, khai khoáng đã chuyển sang tình trạng ngừng hoạt động hoặc đang thanh lý. Trong động thái mới nhất, bầu Đức đã chuyển nhượng toàn vốn góp của mình tại công ty cọ dầu, cao su Đông Pênh cho Thadi - công ty con của THACO.
Điều này càng cho thấy HAGL của bầu Đức đang cố gắng tinh gọn lại bộ máy doanh nghiệp, giảm bớt tình trạng dàn trải.
Lô trái phiếu quốc tế của Vingroup sẽ được niêm yết tại Sở giao dịch Chứng khoán Singapore (SGX), không được chào bán,...