Bất thường thị trường vàng giữa mùa dịch COVID-19
Nếu giá vàng trong nước cao hơn nhiều so với thế giới như hiện nay có thể dẫn đến nguy cơ nhập lậu vàng nguyên liệu qua đường biên giới.
Thị trường vàng kể từ cuối tháng 2 đến nay diễn biến rất bất thường và khó lường do dịch COVID-19. Có thời điểm giá vàng miếng SJC tăng lên mốc gần 50 triệu đồng mỗi lượng, mức cao kỷ lục chưa từng có trong vòng nhiều năm qua. Nhưng ngay sau đó, giá vàng đột nhiên rớt giá thê thảm xuống mức chỉ còn hơn 41 triệu đồng mỗi lượng.
Giá vàng trong nước, thế giới nhảy múa liên tục
Đến cuối giờ chiều 17-3, giá vàng giao ngay trên thị trường thế giới chỉ còn 1.480 USD/ounce. Như vậy nếu quy đổi theo tỉ giá hiện tại, giá vàng thế giới tương đương 41,5 triệu đồng mỗi lượng. Tính chung từ đầu tháng 3 đến nay, giá vàng thế giới đã mất khoảng 200 USD/ounce, tương đương bốc hơi khoảng 5,6 triệu đồng mỗi lượng. Đến ngày hôm qua 18-3, giá vàng lại bất ngờ bật tăng trở lại, có thương hiệu tăng gần 1 triệu đồng mỗi lượng.
Không chỉ thị trường vàng chao đảo mà thị trường chứng khoán cũng biến động chóng mặt do tác động của dịch COVID-19. Đơn cử có thời điểm chỉ số Dow Jones và S&P 500 lao dốc lần lượt 12,9% và 12%.
Chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh phân tích: Trong lịch sử, việc giá vàng và chứng khoán đi chung một chiều đã từng xảy ra tại nhiều giai đoạn. Nhưng thường hai sản phẩm này luôn đi ngược hướng với USD. Tuy vậy, thời gian qua cả vàng, USD và chứng khoán cùng chiều, tức cùng giảm là điều bất thường, báo hiệu những bất ổn nội tại bên trong thị trường tài chính do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
“Thông thường USD luôn ngược chiều với vàng, chứng khoán và các loại hàng hóa. Nguyên nhân do USD là đồng tiền định giá chính trong giao thương nên khi USD tăng giá sẽ làm áp lực lên các sản phẩm khác và ngược lại. Do đó, khi cả ba cùng đi xuống nghĩa là hầu hết các sản phẩm trên thị trường tài chính đều bị bán tháo” - ông Khánh nhìn nhận.
TS Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính, thì giải thích rằng giá vàng thế giới giảm sâu do nhiều nhà đầu tư bán vàng để bổ sung tiền ký quỹ nhằm bù lỗ cho chứng khoán, dầu thô và một số tài sản khác. Ở thời điểm hiện tại, diễn biến dịch bệnh COVID-19 vẫn là một ẩn số rất khó lường nhưng các tác động của nó đến thương mại, sản xuất và du lịch toàn cầu đang ngày càng hiển hiện.
“Điều này khiến nhà đầu tư dấy lên lo ngại về nguy cơ khủng hoảng kinh tế trong năm 2020 giống như đã xảy ra trong năm 2009. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá vàng, chứng khoán biến động mạnh” - ông Tín nói.
Từ góc độ của nhà đầu tư vàng, bà Phạm Thị Phương Liên ở quận Tân Bình, TP.HCM thừa nhận vì giá vàng biến động rất thất thường nên ngay cả những nhà đầu tư có kinh nghiệm cũng không thể dự đoán nổi. Bà nhớ lại thời điểm năm 2012, giá vàng liên tiếp lao dốc, có những ngày bà mua vào 100 lượng vàng ở vùng giá 44-48 triệu đồng/lượng. Mua xong, vàng lao dốc không phanh. Do đầu tư bằng nguồn tiền nhàn rỗi nên bà quyết định không bán cắt lỗ mà chôn vốn chờ thời.
“Tôi ôm mấy trăm cây vàng suốt 7-8 năm không thấy tăng. Đến năm ngoái vợ chồng tôi quyết định bán vàng ở vùng giá 42 triệu đồng/lượng để có thêm vốn đầu tư vào bất động sản. Nay giá vàng lại nhảy múa liên tục nên tôi đứng ngoài cuộc chơi này” - bà Liên chia sẻ.
Giá vàng biến động liên tục trong bối cảnh thị trường lo ngại nền kinh tế bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch bệnh. Ảnh: THÙY LINH
Người bán đẩy rủi ro cho người mua
Điều đáng chú ý là giá vàng thế giới mấy ngày qua có thời điểm giảm rất sâu nhưng giá vàng trong nước vẫn cao chót vót. Thậm chí có thời điểm giá vàng miếng trong nước đắt hơn giá vàng thế giới tới 4,7 triệu đồng/lượng, điều chưa từng có trong gần một thập niên qua. Nhiều chuyên gia cảnh báo, nếu để tình trạng này kéo dài sẽ tăng nguy cơ nhập lậu vàng nguyên liệu qua đường biên giới.
Anh Vũ Tuấn, một nhà đầu tư vàng chuyên nghiệp, nhận định: Từ nhiều năm trở lại đây, đây là lần đầu tiên giá vàng giữa hai thị trường trong và ngoài nước có mức chênh lệch cao như vậy. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vàng kéo giãn khoảng cách giá mua bán lên tới trên 1 triệu đồng/lượng, trong khi những năm gần đây dù giá có biến động dữ dội thì độ vênh này cũng chỉ có vài trăm ngàn. “Việc các công ty đẩy giá chênh lệch lên cao thực chất là đẩy rủi ro về phía khách hàng, những người mua vàng” - anh Tuấn phân tích.
Lý giải thêm về hiện tượng bất thường này, TS Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính, cho rằng đang có một khoảng cách khá lớn giữa thị trường vàng trong nước với thế giới. Mặt khác, giá vàng tại Việt Nam lên hay xuống còn do những tay buôn vàng siêu lớn, những quỹ đầu tư… tạo ra. Họ có thể tạo ra sóng ngắn, sóng dài hoặc đẩy giá lên xuống.
“Ví dụ, trong mấy ngày gần đây, có thời điểm giá vàng thế giới giảm xuống chỉ còn 41,2 triệu đồng/lượng, song giá vàng trong nước vẫn treo cao ở mốc 46 triệu đồng/lượng. Đây là mức chênh lệch cao chưa từng thấy trong nhiều năm qua” - ông Tín dẫn chứng.
Tuy vậy, các chuyên gia đều có chung nhận định giá vàng biến động mạnh nhưng về lâu dài sẽ diễn biến theo xu hướng tăng. Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng, nhìn nhận vàng là tài sản có thanh khoản gần như tốt nhất thế giới và nó gần như là một đồng tiền quốc tế mà hầu như nơi nào cũng chấp nhận.
Tuy nhiên, nhà đầu tư hay người dân muốn lướt sóng vàng ngắn hạn cần hết sức cẩn trọng. Riêng về dài hạn, đầu tư vàng dự báo vẫn có lãi. Nhưng dù chọn lướt sóng hay đầu tư dài hạn thì vàng vẫn là kênh đầu tư vô cùng khó đoán định và không dành cho những người dùng đòn bẩy tài chính hay kẻ yếu tim.
Giá dầu tiếp tục lao dốc mạnh Sáng 18-3, giá dầu thế giới tiếp tục tụt giảm thê thảm. Giá dầu OPEC và dầu Brent lần lượt chỉ đạt mức 30,63 USD và 30,88 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Mars US chỉ còn 23,25 USD/thùng, dầu WTI 27,16 USD và dầu Urals 27,40 USD. CNBC dẫn nguồn tin từ các chuyên gia năng lượng nhận định giá dầu sẽ tiếp tục giảm nữa chứ chưa có điểm dừng. Thậm chí, giá dầu có khả năng rớt xuống dưới 20 USD/thùng vào đầu tháng 4 này khi Saudi Arabia và Nga đẩy mạnh sản xuất sau khi hết thỏa thuận với Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) về giới hạn nguồn cung. Hiện Nga có kế hoạch sản xuất 200.000-300.000 thùng mỗi ngày trong ngắn hạn và dài hạn là 500.000 thùng. Saudi Arabia cũng công bố kế hoạch sản xuất 12,3 triệu thùng mỗi ngày vào tháng 4 trong khi tháng 2 mức sản xuất nước này đã là 9,7 triệu thùng/ngày. Nguồn cung tăng nhưng cầu sẽ không tăng tương ứng do các hãng hàng không lớn quốc tế lẫn Mỹ đã cắt giảm 70% chuyến bay sau khi các quốc gia tuyên bố đóng cửa đường biên do COVID-19. PHƯƠNG MINH |
Sáng 18/3, cả giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đều đồng loạt tăng mạnh trong bối cảnh dịch COVID-19 đã lan rộng...
Nguồn: [Link nguồn]