Bất ngờ về người vừa ngồi ghế Chủ tịch VNG
Đầu năm 2023, ông Lê Hồng Minh đã rời chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị VNG, người thay thế là ông Võ Sỹ Nhân. Đến nay, ông Nhân từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân và ông Minh quay lại ghế chủ tịch. Hiện vị trí tổng giám đốc của công ty này đang bỏ trống.
Ngày 25/11, Công ty CP VNG (mã chứng khoán: VNZ) công bố nghị quyết về việc ông Lê Hồng Minh - nhà sáng lập VNG - làm Chủ tịch Hội đồng quản trị và là người đại diện pháp luật của công ty kể từ ngày 25/11.
Ông Lê Hồng Minh sinh năm 1977 tại Hà Nội. Ông từng theo học chuyên ngành tài chính - ngân hàng tại Đại học Monash (Australia). Năm 2001, ông Minh quyết định trở về Việt Nam xây dựng sự nghiệp với công việc đầu tiên là nhân viên tín dụng tại Công ty Vina Capital.
Năm 2003, ông Minh cùng một vài người bạn quyết định thành lập một quán game với một vài dịch vụ đi kèm. Năm 2004, ông Lê Hồng Minh cùng những cộng sự thành lập Công ty CP Vinagame và đến năm 2009 thì đổi tên thành Công ty CP VNG như hiện tại.
Ông Minh là nhà sáng lập, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc VNG từ năm 2004 và là một trong những cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp này.
Đầu năm 2023, ông Lê Hồng Minh rời chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị VNG, người thay thế là ông Võ Sỹ Nhân.
Tuy nhiên hôm 22/11 vừa qua, ông Võ Sỹ Nhân đã từ nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị VNG theo nguyện vọng cá nhân. Ông hiện đang là Giám đốc điều hành Empire City, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành quỹ GAW NP Capital.
Để tuân thủ quy định hiện hành đối với công ty đại chúng, VNG thông qua việc miễn nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc đối với ông Lê Hồng Minh từ ngày 25/11. Như vậy, vị trí tổng giám đốc của công ty đang bỏ trống.
Ông Lê Hồng Minh quay lại vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị VNG.
Hiện tại, ban tổng giám đốc của VNG còn 4 phó tổng Giám đốc là ông Kelly Wong, ông Vương Quang Khải, ông Nguyễn Lê Thành và ông Raymond Tan.
Quý III năm nay, VNG tiếp tục lỗ sau thuế 11 tỷ đồng nhưng giảm mạnh so với con số 649 tỷ đồng ở cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân, VNG ghi nhận lợi nhuận gộp tăng hơn 450 tỷ đồng (tăng hơn 90% so với cùng kỳ) và chi phí bán hàng giảm gần 215 tỷ đồng (giảm gần 30% so với cùng kỳ). Như vậy, quý III vừa qua là quý thứ 12 liên tiếp VNG nối dài mạch thua lỗ.
9 tháng năm nay, VNG có doanh thu thuần đạt 6.892 tỷ đồng, doanh thu từ hoạt động tài chính đạt 120 tỷ đồng, thua lỗ trong công ty liên kết gần 76 tỷ đồng, lợi nhuận khác báo lỗ 31 tỷ đồng. Kết quả: VNG báo lỗ sau thuế gần 597 tỷ đồng.
Tại thời điểm ngày 30/9, tổng tài sản của VNG là 10.441 tỷ đồng, tăng gần 9% so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn là 4.628 tỷ đồng, giảm gần 16%, chủ yếu đến từ việc tiền và các khoản tương đương tiền giảm hơn 20%, xuống 3.054 tỷ đồng, tương ứng giảm gần 800 tỷ đồng.
Nợ phải trả của VNG là 8.687 tỷ đồng, tăng gần 2.000 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn là 6.166 tỷ đồng, tăng 15%. Trong đó, nợ và nợ thuê tài chính là 2.228 tỷ đồng.
Dù trải qua 12 quý liên tục thua lỗ nhưng thị giá cổ phiếu VNZ chốt phiên giao dịch ngày 25/11 ở mức 369.000 đồng/cổ phiếu. Hồi đầu tháng, thị giá cổ phiếu của VNG ghi nhận giao dịch quanh mức 401.500 đồng/cổ phiếu, cao nhất sàn chứng khoán. Giá kỷ lục của VNG ghi nhận từng đạt được mức 1.434.700 đồng/cổ phiếu.
Nguồn: [Link nguồn]
VNG khẳng định ông Lê Hồng Minh vẫn là tổng giám đốc của VNG, còn ông Wong Kelly được giao đảm nhiệm cương vị quyền tổng giám đốc VNG. Nhiều người thắc mắc, việc này có phù hợp với quy định hiện hành không?