Bất ngờ cạn nguồn, nhiều nhà máy ô tô Việt phải ngừng sản xuất
Do nguồn cung cấp linh kiện từ Trung Quốc bị gián đoạn, nhiều doanh nghiệp ô tô tải Việt Nam lao đao, có thể phải tạm ngừng sản xuất trong thời gian tới.
Đứng ngồi không yên vì thiếu linh kiện
Một doanh nghiệp có nhà máy tại TP.HCM mỗi tháng lắp ráp 100 xe tải các loại, từ nhẹ tới nặng, nguồn cung cấp linh kiện chính đến từ Trung Quốc. Việc nhập khẩu trước đây vẫn diễn ra bình thường. Song, khi dịch Covid-19 bùng phát từ sau Tết Nguyên đán đến nay, doanh nghiệp không thể nhập khẩu được linh kiện nữa. Lý do chính là bởi nhiều nhà sản xuất linh kiện tại Trung Quốc chưa sản xuất trở lại.
“Hiện chúng tôi chỉ còn 100 bộ linh kiện dành cho sản xuất lắp ráp nhập về từ năm 2019. Hết tháng này là hết hàng. Chúng tôi rất lo lắng, nếu nguồn cung không được khôi phục thì hoạt động của nhà máy sẽ phải tạm ngừng”, giám đốc công ty cho hay.
Thiếu linh kiện để sản xuất lắp ráp, nhiều DN ô tô tải Việt Nam có thể phải tạm ngừng hoạt động (ảnh minh họa).
Đây là tình trạng chung của các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp xe tải Việt Nam hiện nay. Một doanh nghiệp chuyên lắp ráp xe tải tại Hưng Yên cho biết vẫn phải nhập khẩu hơn 50% bộ linh kiện từ Trung Quốc, nhưng nay không thể nhập được và cũng không thể tìm được nguồn thay thế phù hợp. Điều đáng lo ngại là không biết đến khi nào thì các nhà sản xuất tại Trung Quốc sẽ hoạt động và cung cấp linh kiện trở lại. Do lệ thuộc quá lớn vào nguồn cung từ thị trường này, nên khi dịch Covid-19 bùng phát, các doanh nghiệp bị động, không thể xoay xở kịp.
Có đến hơn 70% số doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô tải tại Việt Nam dựa vào nguồn linh kiện chính từ Trung Quốc. Chi phí hợp lý, nguồn cung dồi dào giúp xe tải sản xuất lắp ráp có giá cạnh tranh hơn hẳn so với linh kiện có nguồn gốc từ Hàn Quốc, Nhật Bản và được khách hàng chấp nhận. Chính vì vậy, khi nguồn cung tại Trung Quốc gặp vấn đề thì các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải gánh chịu rủi ro.
Không chỉ các doanh nghiệp Việt Nam, ngay cả những tập đoàn ô tô lớn của Hàn Quốc cũng chịu trận. Vừa qua, Hyundai và Kia đã thông báo tạm ngừng sản xuất tại một loạt nhà máy ở Hàn Quốc do thiếu linh kiện cung cấp từ Trung Quốc.
Các doanh nghiệp ô tô tải Việt Nam lo lắng, tình trạng này kéo dài chắc chắn sẽ tạm ngừng sản xuất. Khi đó, doanh nghiệp sẽ thiệt hại rất nhiều bởi doanh số không có, trong khi vẫn phải gánh chịu các chi phí như: vốn vay, lương người lao động, thuê mặt bằng, bảo quản dây chuyền, duy trì các đại lý,...
Trong hai năm 2018-2019, nhiều doanh nghiệp sản xuất lắp ráp xe tải Việt Nam đã đối mặt với khó khăn khi nhu cầu giảm, dẫn đến doanh số bán giảm. Nay nếu phải ngừng sản xuất thì khó khăn thêm chồng chất.
Lo giảm sản xuất, nguồn cung thiếu
Không những thế, các doanh nghiệp xe tải Việt Nam còn thêm mối lo ngại mới. Ngày 5/2/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 17/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều tại các nghị định liên quan, trong đó có Nghị định 116, đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương.
Các doanh nghiệp xe tải trong nước lo ngại sẽ khó có thể cạnh tranh nổi với xe tải nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc
Cụ thể, với ô tô nhập khẩu sẽ không còn phải kiểm tra chất lượng theo từng lô hàng khi về cảng nữa mà thay bằng kiểm tra theo mẫu và chấp nhận kết quả đó cho tất cả các lô hàng tiếp theo trong vòng 36 tháng. Ngoài ra, doanh nghiệp nhập khẩu cũng không cần phải cung cấp Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại của các cơ quan có thẩm quyền nước ngoài về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường nữa.
Như vậy, hoạt động nhập khẩu ô tô sắp tới sẽ rất thông thoáng. Thời gian thông quan nhanh, chi phí thông quan giảm. Điều này sẽ tạo cơ hội cho xe tải nguyên chiếc từ Trung Quốc dễ dàng vào Việt Nam hơn so với hiện nay.
Các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp xe tải trong nước lo ngại sẽ khó có thể cạnh tranh nổi với xe tải nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc thời gian tới, nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ. Sản xuất sẽ tiếp tục đi xuống.
Với tác động từ việc thiếu linh kiện, phải tạm ngừng sản xuất, một số doanh nghiệp dự báo nguồn cung xe tải trên thị trường có thể sẽ thiếu, đẩy giá tăng, nhất là với các mẫu mới được khách hàng ưa chuộng. Hơn nữa, xe tải là để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Thiếu xe có thể tác động tới cước phí vận tải và thời gian giao hàng của các doanh nghiệp, gây ra những thiệt hại lớn.
Mặc dù vậy, đây có thể là cơ hội cho các doanh nghiệp xả hàng tồn kho của nhiều năm trước. Hiện tồn kho với xe tải khá lớn, theo ước tính lên đến hàng chục ngàn chiếc. Có doanh nghiệp tồn hàng ngàn chiếc từ những năm 2016-2017. Tuy nhiên, đó hầu hết là những xe đã lạc hậu và để lâu ngày chất lượng giảm sút. Vì vậy, không biết khách hàng có còn chấp nhận. Nếu nguồn cung khan hiếm kéo dài, trong khi cần xe phục vụ cho kinh doanh, khách hàng sẽ phải mua những sản phẩm này bởi không còn cách nào khác.
Nguồn: [Link nguồn]
Ước tính, trong vòng ba tháng tới, dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Covid-19 gây ra có thể làm ngành du...