Bất động sản bỏ hoang: Nên mạnh tay thu thuế, xử phạt

Giá nhà tăng cao, nguồn cung khan hiếm, người có nhu cầu ở thực khó tiếp cận, trong khi đó loạt dự án đầu tư xong bỏ hoang...

Nhà ở thiếu, dự án vẫn bỏ hoang cả loạt

Nằm trên địa bàn xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Khu đô thị Hà Phong được quy hoạch bài bản, đồng bộ hạ tầng với diện tích 41ha, trong đó có trên 20ha đất được dùng xây 444 căn biệt thự và 279 căn liền kề, 3ha được xây dựng chung cư cao tầng văn phòng; số diện tích đất còn lại dự tính là 18,5 ha được dùng để để làm công viên và hạ tầng giao thông. Kế hoạch dự kiến hoàn thành vào năm 2014. Thế nhưng đến nay, ngoài một số căn biệt thự đã và đang được hoàn thiện thì nhiều khu đất vẫn bỏ trống, chưa được xây dựng.

Một góc khu đô thị Hà Phong bỏ hoang

Một góc khu đô thị Hà Phong bỏ hoang

Tương tự tại dự án Khu đô thị Lideco nằm ở phía Bắc quốc lộ 32 cách trung tâm Hà Nội khoảng 10 km về phía Tây, do Công ty Cổ phần Phát triển đô thị Từ Liêm (Lideco) làm chủ đầu tư. Dự án Lideco được khởi công xây dựng vào năm 2007 và dự kiến hoàn thiện vào năm 2013. Hiện nay, nhiều dãy biệt thự, liền kề đã hoàn thành xong phần mộc.

Trao đổi với PV, một nhân viên tư vấn cho biết, những dãy nhà này đều đã được bán hết. Nếu muốn mua thì phải mua lại. Thế nhưng phần lớn tài sản đều chưa được đưa vào sử dụng và đang có dấu hiệu xuống cấp. Ngoài ra phải kể đến như dự án Sudico Nam An Khánh (Hoài Đức), dự án HUD Vân Canh (Nam Từ Liêm)...

Đánh thuế bất động sản bỏ hoang như thế nào?

Chia sẻ với PV Báo Giao thông sau khi Bộ Tài chính lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương, hiệp hội về đề cương sửa đổi Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp, Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, trong đó có tổng kết thi hành các chính sách liên quan đến bất động sản; Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TGS ủng hộ xây dựng quy định về thu thuế bất động sản bỏ hoang, không đưa vào sử dụng.

Theo Luật sư, mỗi dự án đầu tư bất động sản đều thoả mãn tính cấp thiết của nó. Nhưng thực tế, ngày càng nhiều dự án không đưa vào sử dụng. Chủ yếu là do các nhà đầu cơ mua để dành, không có nhu cầu ở thực. Từ đó dẫn đến lãng phí nguồn lực xã hội, mất mỹ quan và định hướng phát triển độ thị. Lợi ích lọt vào túi một số cá nhân. Trong khi đó, những người mua ở thực khó tiếp cận vì giá nhà bị "thổi" lên cao, nguồn cung hạn chế.

Trước đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất, biệt thự bỏ hoang 3 tháng có thể áp thuế khoảng 5% trên giá trị hợp đồng, còn sau một năm biệt thự vẫn bỏ hoang sẽ bị tính thuế 10% trên tổng giá trị. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đề xuất xử phạt hành chính chủ sở hữu biệt thự, với mức phạt 10 - 20 triệu đồng/căn, đồng thời kiến nghị Chính phủ áp dụng thu thuế cao lũy tiến đối với người mua từ ngôi nhà thứ hai trở lên.

Cũng theo luật sư, để thu được thuế tài sản không đưa vào sử dụng cần xây dựng hệ thống biểu phí, thuế luỹ tiến đối với việc sở hữu bất động sản thứ hai trở đi và luỹ tiến theo diện tích sử dụng, giá trị bất động sản; hoặc mục đích sử dụng.

Luật sư dẫn chứng: Singapore, với nhà ở có giá thấp dưới 8.000 USD thì không phải chịu thuế (thuế 0%), nhưng khi vượt quá con số này thì mức thuế sẽ dao động từ 4-16%, nhà trống không sử dụng thì mức thuế có thể lên đến 20%. Hay như vương quốc Anh, với bất động sản thứ nhất thì tuỳ theo giá trị mức thuế suất dao động từ 0% đến 2%, nhưng đối với bất động sản thứ 2 thì mức thuế sẽ luỹ tiến theo 5 bậc khác nhau.

Cũng liên quan đến nội dung này, đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết, đề xuất đánh Thuế bất động sản của Bộ Tài chính có từ vài năm trước nhưng chưa được Quốc hội đồng ý. Bộ Xây dựng ủng hộ đề xuất này và đang nghiên cứu góp ý đánh thuế nhà thứ 2, thứ 3. Hiện nhà nước đang thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, nhưng chỉ tính với đất, chưa tính với nhà và tài sản trên đất.

Theo vị đại diện, trên thế giới đã có một số quốc gia thu thuế bất động sản nhằm thêm nguồn thu và hạn chế đầu cơ, thổi giá, nên mức thuế này thường rất cao, như Hàn Quốc thu cao gấp 3 lần Việt Nam. Bên cạnh đó, hiện việc đánh thuế nhà đất đang sử dụng đã có nhưng chưa tính với tài sản trên đất, chưa kể mức thu còn thấp. “Bộ Xây dựng sẽ tính toán mức thuế với đất và tài sản trên đất, trong đó có tính tới giảm tác động tới người có một nhà...”, vị đại diện nói.

Được biết, mới đây, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị các bộ ngành, địa phương cho ý kiến góp ý về việc bổ sung đánh thuế đối với nhà, nghiên cứu xây dựng Luật thuế tài sản, sửa đổi Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp và Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp trước ngày 15/4/2022.

Theo đó, Bộ Tài chính dự kiến sẽ đánh giá mặt được, chưa được của từng luật trong quá trình thực thi cũng như tác động với đối tượng chịu thuế, người nộp thuế, số lượng hàng hoá đánh thuế, số thuế, mức thuế, hoàn thuế… để đề xuất sửa đổi. Đặc biệt, với Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành đề xuất nội dung cụ thể cần sửa đổi, bổ sung vào luật, như bổ sung đánh thuế với nhà, nghiên cứu xây dựng luật thuế tài sản hay bất động sản. Đánh giá tác động của nội dung đề xuất sửa đổi với nền kinh tế - xã hội, doanh nghiệp, người dân, ngân sách nhà nước; đánh giá tính cấp thiết của nội dung đề xuất.

Nguồn: [Link nguồn]

Tp.HCM nói gì về việc đấu giá lại 2 lô đất bị ”bỏ cọc” ở Thủ Thiêm?

Các Sở ngành đang tham mưu UBND Tp.HCM đánh giá việc đấu giá 4 lô đất Thủ Thiêm để rút kinh nghiệm cho công tác đấu giá thời gian tới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hùng ([Tên nguồn])
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN