Bất đồng quan điểm cấm vận, Mỹ - Triều không đạt thỏa thuận, kinh tế Việt Nam vẫn hưởng lợi

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội kết thúc mà không đạt được thỏa thuận do bất đồng về vấn đề lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, về phương diện kinh tế, Việt Nam vẫn được hưởng lợi nhất định, khi mà Tổng thống Mỹ Donald Trump rất yêu quý Việt Nam và nhiều khả năng thương mại Việt Nam - Mỹ sẽ tốt hơn trong thời gian tới.

Kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ Triều là cuộc họp báo vào lúc 2h chiều nay (28.2) của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại khách sạn Marriott.

Mỹ - Triều không đi đến một thỏa thuận chung

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng, ông đã có một "khoảng thời gian thực sự hiệu quả" trong các cuộc thảo luận với ông Kim Jong-un tại Hà Nội. Tuy nhiên, "không có gì để ký kết ngày hôm nay", vị lãnh đạo này thừa nhận.

"Ông ấy đúng là một người có cá tính", Tổng thống Mỹ nói về nhà lãnh đạo Triều Tiên. "Chúng tôi có một số lựa chọn, nhưng ở lần này, chúng tôi quyết định không thực thi bất kỳ lựa chọn nào. Đôi khi bạn cần rời đi. Đây chỉ là một trong số những lần như vậy", ông Trump nói.

Bất đồng quan điểm cấm vận, Mỹ - Triều không đạt thỏa thuận, kinh tế Việt Nam vẫn hưởng lợi - 1

Tổng thống Mỹ Donald trump phát biểu tại buổi họp báo.

Lý giải về nguyên nhân Mỹ - Triều không đi đến một thỏa thuận chung, ông Donald Trump cho biết ông Kim Jong-un muốn phi hạt nhân hóa, nhưng chỉ ở một số khu vực nhất định. Ông cũng cho rằng, Triều Tiên muốn được dỡ trừng phạt hoàn toàn, nhưng Mỹ không thể làm như vậy. Cũng chính vì đòi hỏi của Triều Tiên về dỡ trừng phạt hoàn toàn đã khiến cuộc đàm phán bị chệch hướng và không đạt thỏa thuận.

Sau khi thừa nhận thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội kết thúc không có thỏa thuận là do vấn đề lệnh trừng phạt, ông Trump nói ông vẫn muốn chứng kiến các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên được dỡ bỏ trong tương lai.

"Chúng tôi chưa từ bỏ bất kỳ điều gì", ông Trump nói thêm và cho biết vẫn muốn đàm phán trong tương lai với Triều Tiên bởi đây là 1 quốc gia có tiềm năng rất lớn.

Kinh tế Việt Nam vẫn có những lợi ích nhất định

Dù Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un không đi đến môt thỏa thuận chung nào sau 2 ngày đàm phán tại Việt Nam song theo các chuyên gia kinh tế điều này cũng không gây bất cứ tác động tiêu cực nào tới quan hệ kinh tế song phương giữa Việt Nam và Mỹ hay Việt Nam và Triều Tiên.

“Việt Nam đã thể hiện thiện chí tốt với cả hai quốc gia là Mỹ và Triều Tiên. Hình ảnh của Việt Nam trong mắt những người bạn quốc tế vẫn tốt đẹp. Vậy Việt Nam không có lý do gì để quan ngại về quan hệ giao thương, thương mại đối với các quốc gia này”, bà Phạm Thị Hoàng Anh, chuyên gia kinh tế, khẳng định.

Theo vị chuyên gia này, bản thân Tổng thống Mỹ Donald Trump rất quý Việt Nam. Chưa có đời Tổng thống nào sang Việt Nam 2 lần liên tiếp trong thời gian khá gần nhau như ông Donald Trump.

Bất đồng quan điểm cấm vận, Mỹ - Triều không đạt thỏa thuận, kinh tế Việt Nam vẫn hưởng lợi - 2

Đoàn xe của Tổng thống Mỹ Donald Trump rời khách sạn Metropole về khách sạn JW Marriott. 

Ông Donald Trump có mối quan hệ với Việt Nam rất tốt. Trong khi đó, về kinh tế, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương giữa 2 nước Việt – Mỹ đã chạm ngưỡng 60 tỷ USD. Chính vì vậy, việc Mỹ không đi đến thỏa hiệp nào đối với Triều Tiên cũng không tạo áp lực đối với mối quan hệ kinh tế song phương giữa hai quốc gia.

“Thậm chí, với niềm tin của Tổng thống Mỹ Donald Trump dành cho Việt Nam khi lựa chọn Việt Nam là điểm gặp mặt giữa hai nhà lãnh đạo cấp cao Mỹ - Triều Tiên, nhiều khả năng thương mại giữa 2 nước sẽ ngày càng tốt hơn trong thời gian tới.

Trong ngày 27.2 vừa qua, Việt Nam cũng đã ký kết thương mại với Mỹ với trị giá lên tới 21,3 tỷ USD. Điều này đã làm giảm thâm hụt thương mại từ Mỹ với Việt Nam. Rõ ràng, cả Mỹ và Việt Nam đều có những lợi ích nhãn tiền từ hội nghị lần này”, bà Hoàng Anh phân tích.

Xét trong mối quan hệ với nền kinh tế Triều Tiên, nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đi đến một thỏa thuận chung thì Việt Nam sẽ hưởng lợi từ nhiều mặt. Ví dụ như trở thành trung gian đầu tư sang Triều Tiên hay đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang Triều Tiên.

Tuy nhiên, không đạt thỏa thuận chung không có nghĩa rằng cơ hội của Việt Nam không còn. Cơ hội có nhưng sẽ khó khăn hơn song về cơ bản kinh tế Việt Nam và Triều Tiên cũng không hề bị tác động.

Bất đồng quan điểm cấm vận, Mỹ - Triều không đạt thỏa thuận, kinh tế Việt Nam vẫn hưởng lợi - 3

Quan hệ kinh tế song phương giữa Mỹ và Việt Nam tiếp tục được củng cố.

“Về phía Mỹ, trước mắt chắc chắn Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không hỗ trợ Triều Tiên phát triển kinh tế như những gì ông đã từng đề cập trong 2 ngày 27 và 28.2 này. Điều này đồng nghĩa với việc Triều Tiên sẽ khó tránh khỏi tụt hậu về kinh tế”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu khẳng định.

Ông Hiếu cho rằng, vấn đề trọng tâm và mang tính quyết định của Tổng thống Mỹ đối với Triều Tiên chính là vấn đề hạt nhân, vấn đề chính trị. Chính vì thế, khi thỏa thuận không đạt được, đối với cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới này, bức tranh kinh tế không hề bị tác động.

Chứng khoán giảm điểm theo tâm lý

Theo giới chuyên gia chứng khoán, sự “thất vọng” vào thỏa thuận chung giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un khiến cho thị trường chứng khoán sụt giảm.

Tính tới thời điểm hiện tại, thị trường Châu Á 4/5 chỉ số chứng khoán Châu Á giảm điểm. Trong đó, giảm mạnh nhất Kospi của Hàn Quốc giảm tới 1,76% giá trị. Nikkei của thị trường Nhật Bản giảm 0,79%. 2 chỉ số Shanghai và HIS của Trung Quốc và Hồng Kông cũng mất tới gần 0,5% giá trị.

Bất đồng quan điểm cấm vận, Mỹ - Triều không đạt thỏa thuận, kinh tế Việt Nam vẫn hưởng lợi - 4

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều kết thúc mà không có thoả thuận nào được ký kết khiến nhiều thị trường thế giới mất điểm và VnIndex cũng kết thúc phiên giao dịch trong sắc đỏ.

Kết thúc phiên giao dịch với sắc đỏ lan toả, chỉ số Vn- Index mất gần 25 điểm, chính thức mất mốc 970 điểm và chốt phiên tại 965,47 điểm. HNX – Index cũng mất 1,64% giá trị. Sàn HoSE ghi dấu ấn với mức thanh khoản hơn 5.400 tỷ và HNX đạt 59 tỷ. Mức giao dịch hôm nay cao hơn hôm qua đến gần 35%.

Ở nhóm VN30, mất điểm nhiều nhất là cổ phiếu VHM của Vinhomes, tiếp đến là VNM, VRE... Nhóm VN30 chỉ có duy nhất cổ phiếu DHG của Dược Hậu Giang là có sắc xanh tăng giá.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc giảm điểm của thị trường chứng khoán là do yếu tố tâm lý. Diễn biến này sẽ kéo dài trong 1 đến 2 phiên sau hội nghị thượng đỉnh. Nhiều khả năng, thị trường chứng khoán sẽ đi lên từ phiên giao dịch đầu tuần sau, thứ 2 ngày 4.3

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huyền Anh ([Tên nguồn])
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN