Bất an với thưởng Tết

Chậm xây dựng quy chế thưởng Tết hoặc quy chế thưởng không rõ ràng là nguyên nhân gây tranh chấp lao động tại nhiều doanh nghiệp dịp cuối năm

Sau một năm làm việc vất vả, cống hiến cho doanh nghiệp (DN), điều mà người lao động (NLĐ) mong mỏi nhất là nhận được khoản tiền thưởng Tết tương xứng. Thế nhưng, khi nhận được thông tin thưởng Tết từ người sử dụng lao động (NSDLĐ), không ít NLĐ cảm thấy hụt hẫng, thậm chí bức xúc dẫn đến tranh chấp lao động.

Giữ tiền thưởng để níu kéo NLĐ

Phản ánh đến Báo Người Lao Động mới đây, một số nhân viên của một HTX vận tải ở quận 8, TP HCM, bức xúc: "Năm ngoái, toàn bộ tiền thưởng Tết và tiền lương của chúng tôi được HTX phát trước khi nghỉ Tết. Thế nhưng năm nay, đơn vị chỉ cho NLĐ ứng 50% lương tháng 1-2019 và 50% tiền thưởng, còn lại họ hứa sẽ chi trả sau Tết. Tìm hiểu nguyên nhân, chúng tôi mới biết đây là cách để HTX giữ chân NLĐ sau Tết. Cách làm ấy liệu có thỏa đáng khi đơn vị chỉ nghĩ đến lợi ích của mình mà đẩy NLĐ vào tình thế khó khăn. Với kiểu chi trả như vậy, chúng tôi có còn Tết?".

Bất an với thưởng Tết - 1

Công nhân Công ty LD An Thành (quận 12) an tâm làm việc khi thưởng Tết thực hiện đúng cam kết trong thỏa ước lao động tập thể

Tương tự, tại Công ty TNHH S.M (tỉnh Long An), hàng trăm công nhân (CN) rất bức xúc trước kiểu trả thưởng Tết của DN. Tập thể CN cho biết mới đây, công ty ra thông báo sẽ thưởng Tết cho NLĐ 1 tháng lương cơ bản. Thế nhưng, khoản thưởng Tết năm nay sẽ không được chi trả trước khi NLĐ nghỉ Tết mà trả theo 2 đợt, một đợt vào tháng 3 và đợt còn lại là tháng 5-2019. Khi một số CN tỏ ý không đồng tình thì được công ty yêu cầu lên văn phòng giải quyết. Tại đây, công ty yêu cầu số CN nói trên tự viết đơn xin thôi việc. Bức xúc trước cách hành xử này, 9 CN không đồng ý viết đơn xin thôi việc và ngay lập tức họ đã bị bảo vệ đuổi ra ngoài. "Lấy lý do chúng tôi tự ý rời khỏi vị trí làm việc và kích động CN ngừng việc, công ty còn ra quyết định sa thải dù không có chứng cứ. Quá đáng hơn, công ty còn niêm yết ảnh của chúng tôi trước cổng công ty để răn đe CN khác. Chúng tôi sẽ kiện ra tòa để đòi lại sự công bằng" - CN Huỳnh Hoàng Vũ nói.

Tùy tiện thay đổi quy chế

Theo luật sư Trần Hữu Tín, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín và Cộng sự, Bộ Luật Lao động hiện hành không quy định tiền thưởng là khoản bắt buộc mà NSDLĐ phải trả cho NLĐ; quy chế thưởng do NSDLĐ quyết định sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện NLĐ và công bố công khai tại nơi làm việc. Chính vì lẽ đó, nhiều DN thường xuyên thay đổi quy chế thưởng và chọn thời điểm thông báo công khai cho NLĐ vào cận ngày phát thưởng gây bị động cho NLĐ, dẫn đến bức xúc.

Chị L.N.T, CN Công ty TNHH H.T (quận Bình Tân, TP HCM) cho biết mức thưởng Tết năm 2018 ở công ty được tính trên mức lương cơ bản của từng người nhân với hệ số xếp loại thi đua, trong đó, hệ số xếp loại thấp nhất là 0,8. Năm nay, cũng công thức tính như vậy nhưng hệ số thi đua thấp nhất chỉ còn 0,5. Sau khi tập thể NLĐ phản ứng và cơ quan chức năng can thiệp, công ty đã phải điều chỉnh mức thưởng Tết cho CN là 1 tháng lương cơ bản.

Cũng vì quy chế thưởng thay đổi xoành xoạch nên dù nhận được mức thưởng Tết hằng năm bình quân trên 10 triệu đồng/người, song nhiều CN tại Công ty TNHH G.M (huyện Nhà Bè, TP HCM) vẫn cảm thấy không vui. CN Nguyễn Hữu Hiệp kể: "Năm 2017, tiền thưởng căn cứ vào số giờ tăng ca và số ngày phép năm còn lại. Ai có số giờ tăng ca trên 200 và còn trên 10 ngày phép sẽ đạt mức thưởng tối đa là 3 tháng lương cơ bản. Qua năm 2018, một số CN đinh ninh quy chế thưởng không thay đổi nên khi có việc cần không dám nghỉ phép mà xin nghỉ ốm hoặc nghỉ không lương. Ai dè, khi xét thưởng Tết, ngoài việc căn cứ vào số giờ tăng ca, công ty còn dựa vào tổng số ngày nghỉ trong năm (tính cả nghỉ việc riêng, nghỉ ốm, nghỉ phép). Do vậy, nhiều người còn rất nhiều ngày phép nhưng vẫn không đạt mức thưởng cao nhất".

Còn anh Nguyễn Văn Thái, Trưởng Phòng Phát triển thị trường Công ty V.A (quận 1, TP HCM), cho rằng theo quy chế thưởng đã công bố đầu năm, trường hợp công ty làm ăn không có lãi thì chỉ có đội ngũ nhân viên được thưởng Tết (bình quân 1 tháng lương), riêng cán bộ quản lý thì không. Khi có lãi, toàn bộ cán bộ, nhân viên sẽ được thưởng nhưng mức thưởng của đội ngũ cán bộ quản lý sẽ cao hơn so với nhân viên. Thế nhưng vừa qua, công ty thông báo thưởng Tết cho tất cả mọi người trừ anh. Lý do mà công ty đưa ra là anh không đạt được doanh số mà công ty yêu cầu. "Doanh số tôi đưa về đạt theo yêu cầu của công ty. Trong đó, có một hợp đồng công ty đã ký kết nhưng không có đủ năng lực thực hiện phải hủy bỏ nên bị đền hợp đồng. Tôi chỉ là người giới thiệu khách hàng, người quyết định ký hợp đồng là lãnh đạo công ty, song họ lại bắt tôi gánh "tội" để né trả thưởng" - anh Thái bức xúc. 

Đối với NLĐ, thưởng Tết không chỉ đơn thuần là khoản thu nhập tăng thêm mà còn thể hiện sự quan tâm của DN đối với họ. Khi DN tri ân NLĐ bằng một khoản thưởng Tết tương xứng với đóng góp, họ sẽ đáp lại bằng việc gắn bó và cống hiến nhiều hơn cho DN".

(Ông TRẦN VĂN TRIỀU, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hương Huyền ([Tên nguồn])
Thưởng Tết 2019 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN