Bao nhiêu tiền thì đủ để đầu tư chứng khoán?

Tự do tài chính luôn là mơ ước của nhiều người. Có rất nhiều kênh đầu tư kiếm lời, hiện thực hóa giấc mơ đó. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi xin đề cập đến đầu tư chứng khoán.

Để trả lời cho câu hỏi trên tiêu đề, hãy lấy hai ví dụ thực tế như sau:

1. Một giám đốc doanh nghiệp, phân bổ cả 30 tỷ tài sản đầu tư vào cổ phiếu, không may bị thua lỗ 50% và chỉ còn lại 15 tỷ. Mất 15 tỷ nhưng ít nhất ở vị thế hiện tại, các nhu cầu tài chính của anh ta cũng đã được đáp ứng đầy đủ từ mua nhà, mua xe, chu cấp cho gia đình. Mất 15 tỷ chắc chắn sẽ rất tiếc nuối, nhưng với 15 tỷ còn lại vẫn thừa sức chu toàn cho những nhu cầu căn bản nhất của gia đình anh ta trong tương lai.

2. Tuy nhiên, nếu một nhân viên văn phòng đi làm được 3 năm, tích lũy được tầm 300 triệu, đầu tư với cùng chiến lược và cũng bị thua lỗ 50% thì tài sản chỉ còn lại 150 triệu. Ở giai đoạn này, khả năng cao anh ta đang có rất nhiều dự định như lập gia đình, mua xe, mua nhà, rồi lo cho tương lai con cái. Với 150 triệu còn lại, hầu như những mục tiêu quan trọng như thế đều trở nên rất xa vời và thậm chí còn để lại áp lực tâm lý cực kỳ lớn.

Xét trên khía cạnh tâm lý đầu tư, khi những khoản đầu tư rơi vào thua lỗ lớn (ít nhất là trong ngắn hạn bởi các yếu tố nhất thời như dịch Covid-19 vừa rồi), thì người đã tích lũy chu toàn cho các mục tiêu căn bản trong cuộc sống sẽ đỡ bị áp lực hơn rất nhiều so với những người còn nhiều mục tiêu tài chính quan trọng phụ thuộc vào khoản đầu tư này. Điều này đồng nghĩa, người chưa tích lũy nhiều sẽ dễ gặp áp lực lớn hơn và có khả năng cắt lỗ sớm hơn những người đã an tâm về vấn đề tài chính. Việc cắt lỗ diễn ra liên tục sẽ bào mòn tài sản và dẫn đến trạng thái vô sản rất nhanh chóng!

Tóm lại, tích sản càng nhiều thì mới chịu được rủi ro càng cao. Sau đây là 5 cấp độ tích sản được đúc kết từ hàng nghìn khách hàng của chúng tôi và những kênh đầu tư phù hợp của từng nhóm. Vậy bạn đang ở đâu trong 5 cấp độ này?

Đầu tư dù nhỏ hay lớn nhất định bạn cần phải trang bị kiến thức, nắm bắt thông tin thị trường, cài app 24hmoney để cập nhật 24/7

Đầu tư dù nhỏ hay lớn nhất định bạn cần phải trang bị kiến thức, nắm bắt thông tin thị trường, cài app 24hmoney để cập nhật 24/7

Nhóm 1 - Thu nhập trung bình

Đây là cấp độ tích sản thấp nhất. Về mặt định lượng, nhóm này có thu nhập dưới 15 triệu/tháng và dễ bắt gặp ở các bạn độc thân, mới đi làm từ 1 - 3 năm hoặc người làm các công việc tay chân thu nhập thấp. Đối với mức thu nhập như vậy, hầu như chỉ đủ đáp ứng được các nhu cầu cơ bản như ăn uống, thuê nhà, mua sắm thiết yếu, đó là chưa kể phải có trách nhiệm chăm lo cho người thân.

Với tỷ lệ tiết kiệm thấp hơn 25% thì thặng dư mỗi tháng chưa tới 4 triệu, đây là một mức tương đối thấp và phần lớn được để dành cho các nhu cầu bất ngờ trong cuộc sống như đau bệnh, đám tiệc, chu cấp cho người thân. Thế nên mức độ tích lũy tương đối bị giới hạn, làm khoảng 3 năm mà không chi tiêu gì lớn thì cũng tích lũy chưa tới 150 triệu. Đây là nhóm dễ bị cuốn vào những khoản vay ngắn hạn với lãi suất cao khi có một nhu cầu chi tiêu lớn bất ngờ.

Thế nên ở giai đoạn này, những cú sốc như mất việc, hay tai nạn sẽ tạo một gánh nặng rất to lớn và chi phí phát sinh có thể lớn hơn cả 150 triệu nói trên. Nên việc bảo toàn và gia tăng tài sản một cách ổn định thông qua các kênh GỬI TIẾT KIỆM nên là ưu tiên hàng đầu. Thêm vào đó, có thể cân nhắc tới các công cụ phòng vệ như BẢO HIỂM, để có thể nhận được những khoản tiền hỗ trợ khi bất trắc xảy ra.

Nhóm 2 - Chi tiêu quá mức

Đây là nhóm bắt đầu có thu nhập gia tăng nhờ vào thâm niên công việc, hoặc xây dựng thêm các nguồn thu nhập “tay trái”. Thu nhập đã bắt đầu vượt mốc 15 triệu/tháng, tuy nhiên áp lực chi phí cũng gia tăng theo một cách nhanh chóng bởi các nhu cầu phát triển mối quan hệ trong cuộc sống, cũng như chi tiêu cho các mục tiêu mới phát sinh như chi phí kết hôn, chi tiêu cho con cái, trả nợ vay mua nhà, mua xe. Thế nên, đặc trưng đáng chú ý nhất của nhóm này là tỷ lệ tiết kiệm dưới 25% (thu nhập 20 triệu, nhưng để dành chưa tới 5 triệu).

Nếu để ý, nhóm này có thu nhập vượt trội hơn so với nhóm 1, nhưng về cơ bản thặng dư mỗi tháng vẫn chưa thể gia tăng vì áp lực của nhiều loại chi phí mới trong cuộc sống. Tuy nhiên vì đã có thời gian tích lũy dài hơn, nên tổng tài sản đã bắt đầu chạm mốc quanh con số 500 triệu – 1 tỷ. Phân nữa trong số này đã có thể sẵn sàng để dịch chuyển lên những loại hình đầu tư có lợi suất và rủi ro cao hơn gửi tiết kiệm.

Tuy nhiên, bởi các áp lực định phí mới phát sinh tương đối lớn như trả nợ vay mua tài sản, chi phí cho con cái, chi phí phát triển mối quan hệ, nên với quy mô tài sản chưa đủ lớn như vậy, nhu cầu bảo vệ tài sản vẫn phải được duy trì. Lúc này những loại tài sản có rủi ro cao hơn gửi tiết kiệm, nhưng vẫn tạo ra sự phòng vệ tài sản ổn định như TRÁI PHIẾU lại là một lựa chọn mới phù hợp.

Nhóm 3 - Tích lũy tiết kiệm

Sau một thời gian tiếp tục gia tăng thu nhập và bước lên những vị trí cao hơn trong công việc, đồng thời các áp lực chi phí có nói tới ở nhóm 2 bắt đầu không gia tăng, hoặc thậm chí có thể suy giảm khi mà các khoản chi trả nợ vay mua tài sản giảm dần theo dư nợ, cũng như chi tiêu cho con cái giảm dần khi chúng bắt đầu độc lập và có nghề nghiệp riêng. Lúc này tỷ lệ tiết kiệm sẽ gia tăng dần và vượt lên trên mốc 25%. Tổng tài sản tích lũy lúc này cũng đã đạt quanh 3 tỷ, nhưng vẫn chưa vượt mốc 5 tỷ.

Với thặng dư (của cá nhân hoặc cả gia đình) trung bình quanh 8 – 10 triệu/tháng, cũng như các nhu cầu cơ bản như mua nhà, mua xe, chăm lo cho con cái đã dần được hoàn thành, đây là thời điểm mà sự phụ thuộc vào các khoản tiền nhàn rỗi giảm dần. Và điều này cũng làm cho nền tảng chấp nhận rủi ro tăng lên và những người thuộc nhóm 3 đã có thể dịch chuyển lên các phân lớp tài sản rủi ro hơn như CỔ PHIẾU.

Tuy nhiên, so với trái phiếu, để dịch chuyển lên cổ phiếu nhà đầu tư cần phải có một thời gian đủ lâu (ít nhất 1 – 3 năm) để có thời gian tìm hiểu về các phương pháp đánh giá cơ hội đầu tư cũng như làm quen với sự biến động tương đối lớn của phân lớp này (+/- 7% mỗi ngày). Thế nên ở giai đoạn trung gian như vậy, QUỸ ĐẦU TƯ CỔ PHIẾU là một lựa chọn khá phù hợp bởi rủi ro đầu tư đã được tiết giảm tương đối nhờ sự đa dạng hóa của danh mục nhiều cổ phiếu cũng như có sự hỗ trợ của các chuyên gia quản lý quỹ.

Nhóm 4 -  Gia tăng tài sản

Đây thường là nhóm bước vào độ tuổi trung niên. Ở giai đoạn này, về kinh nghiệm và thâm niên trong nghề đã ở mức độ chuyên gia và thu nhập cũng đã ở mức cao tương xứng, hầu như con cái đã có công việc ổn định, các nhu cầu cơ bản như mua nhà, mua xe đã được hoàn thành và các áp lực tài chính liên quan cũng không còn nữa. Ở những giai đoạn này nhu cầu nghỉ dưỡng, kết nối bạn bè cũ và du lịch xa bắt đầu phát sinh, nhưng bởi sự suy giảm của các loại chi phí trước đó mà thặng dư hàng tháng cũng không bị ảnh hưởng quá lớn.

Lúc này, tổng tài sản đã bắt đầu vượt lên trên con số 5 tỷ, tài sản đầu tư cũng đạt quanh 2 – 3 tỷ. Lúc này vấn đề thu nhập không còn là vấn đề lớn vì cơ bản chỉ cần để 2,5 tỷ vào một kênh đầu tư 8% thì mỗi năm cũng đã có 200 triệu, tương đương gần 17 tr/tháng. Đây là một nguồn thu nhập thụ động rất ổn định bên cạnh nguồn thu nhập chính từ công việc.

Với quy mô tài sản đầu tư lớn, thu nhập cao và đa dạng đủ để đáp ứng các chi phí phát sinh khi có bất trắc xảy ra, đây là giai đoạn mà nhu cầu gia tăng tài sản nhanh chóng thông qua các phân lớp tài sản rủi ro cao hơn như BẤT ĐỘNG SẢN và CỔ PHIẾU được hình thành. Đây cũng là lúc mà các biến động lớn ngay cả của những cổ phiếu đơn lẻ cũng không tạo áp lực quá nhiều đối với nhà đầu tư, và điều này giúp hạn chế trường hợp dễ hoảng loạn và phải cắt lỗ nhiều lần.

Nhóm 5 – Tài chính bền vững

Sau thời gian dài tích lũy từ thu nhập và tài sản gia tăng dần, giá trị tài sản đầu tư bắt đầu vượt mốc 5 tỷ (lúc này tổng tài sản đã có thể chạm mốc 10 tỷ hoặc hơn thế nữa). Nhóm này thường đã đạt được các vị rất cao trong công việc, hoặc đã tách ra làm chủ doanh nghiệp riêng của mình. Chỉ cần đơn giản đầu tư 5 tỷ vào một kênh lợi suất 8%/năm thì mỗi tháng đã có một dòng thu nhập thụ động hơn 30 triệu. Với thu nhập này thì ngay cả không đi làm vẫn có thể đáp ứng được phần lớn các nhu cầu cơ bản, thậm chí có thể đạt được một mức sống tương đối cao.

Đây là giai đoạn mà chúng ta thường gọi là “tự do tài chính”. Người nhóm 5 thường bắt đầu vượt ra khỏi những ranh giới “cơm, áo, gạo tiền”, cũng như lo toan cho con cái, và bắt đầu tìm đến những giá trị tâm linh – tinh thần, cũng như những kế hoạch từ thiện – hỗ trợ cộng đồng.

Tiền không còn là vướng bận quá lớn, nên ở giai đoạn này sự biến động ở các kênh tài sản hầu như không tác động nhiều đến tâm lý của nhóm này như ở các nhóm thấp hơn. Lúc này bên cạnh các kênh đầu tư có nhắc tới trước đó, người nhóm 5 đã có thể phân bổ tài sản vào những kênh tài chính rủi ro hơn như PHÁI SINH hoặc tài trợ vốn cho các hoạt động KINH DOANH KHỞI NGHIỆP.

Bạn thuộc nhóm nào?

Việc nhận biết được mức độ tích sản ở từng nhóm sẽ cho bạn cơ sở để xác định được phân lớp tài sản rủi ro cao nhất mà mình có thể phân bổ vào. Việc đầu tư vào các loại tài sản quá rủi ro so với nền tảng chấp nhận rủi ro dựa trên quy mô tài sản hiện có là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thất bại trong quá trình tích sản bền vững.

Bên cạnh năng lực tích sản, vẫn còn nhiều yếu tố tác động tới việc chọn phân lớp tài sản đầu tư phù hợp nói chung cũng như cách thức xây dựng một danh mục đầu tư chi tiết nói riêng.

Nguyễn Nhật Tiến

Chuyên gia tại 24H Money; Trưởng phòng Kinh doanh VnDirect; Founder Học Viên Đầu Tư Eaglinvestor

Cài đặt ngay App 24H Money để cập nhật những diễn biến mới nhất của thị trường tài chính, chứng khoán cũng như nhận được những lời khuyên bổ ích từ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế.

Tải app: TẠI ĐÂY.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
([Tên nguồn]) .
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN