Bảo hiểm tiền gửi tăng: Người gửi tiền được nhờ
Hạn mức bảo hiểm tiền gửi tối đa dự kiến sẽ tăng thêm 50 triệu đồng so với thời điểm hiện tại.
Chính phủ mới đây đã công bố dự thảo quyết định về hạn mức trả tiền bảo hiểm (BH) tiền gửi. Nội dung đáng chú ý tại dự thảo này là số tiền BH được trả cho tất cả khoản tiền gửi được BH theo quy định của Luật BH tiền gửi gồm cả gốc và lãi của một cá nhân tối đa sẽ tăng từ 75 triệu đồng lên 125 triệu đồng. Như vậy, BH tiền gửi dự kiến tăng thêm 50 triệu đồng so với mức hiện hành.
Thay đổi vì không còn phù hợp
Giải thích về việc tăng mức BH tiền gửi khá mạnh, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng hạn mức 75 triệu đồng hiện nay chỉ bằng 1,25 lần GDP bình quân đầu người năm 2019, thấp hơn nhiều so với mức hai lần theo thông lệ quốc tế. Vì vậy, cơ quan này đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định để giúp người dân yên tâm hơn khi gửi tiền tại các tổ chức tham gia BH tiền gửi, nhất là người dân gửi tiền tại các quỹ tín dụng nhân dân.
“Khi nâng hạn mức BH tiền gửi tăng lên mức 125 triệu đồng, tương đương hai lần GDP bình quân đầu người thì bảo vệ được 90,94% người gửi tiền. Đồng thời quỹ dự phòng nghiệp vụ của BH tiền gửi Việt Nam có đủ khả năng để đảm bảo chi trả tiền gửi cho 100% quỹ tín dụng nhân dân” - NHNN khẳng định.
Tại cuộc họp báo vào đầu tháng 8 vừa qua, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN, cũng cho biết đã đến lúc phải tăng mức BH tiền gửi để bảo vệ tốt hơn cho người gửi tiền, phù hợp với các quy chuẩn quốc tế là đảm bảo bảo vệ được cho 90%-95% người gửi tiền.
Hiện nay, hạn mức BH tiền gửi tối đa cá nhân được hưởng là 75 triệu đồng. Nhiều ý kiến cho rằng mức này thấp, không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quy mô hệ thống tổ chức tín dụng cũng như nguyện vọng của người dân.
“Do vậy, việc điều chỉnh tăng hạn mức BH tiền gửi là cần thiết để bảo vệ tốt hơn người gửi tiền, góp phần củng cố niềm tin của người dân đối với hệ thống tổ chức tín dụng. Từ đó tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng hoạt động an toàn, hiệu quả” - ông Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Lãnh đạo NHNN cũng cho rằng với triển vọng tăng trưởng tích cực trong trung hạn của Việt Nam và sự gia tăng đáng kể về năng lực tài chính của BH tiền gửi Việt Nam thì việc nâng trần BH tiền gửi là hoàn toàn khả thi.
Tới đây, dự kiến hạn mức BH tiền gửi tối đa cá nhân được hưởng được nâng lên 125 triệu đồng. Ảnh: TL
TS Nguyễn Vũ Hồng Thái, ĐH RMIT Việt Nam, cho biết việc gia tăng mức BH tiền gửi lên 125 triệu đồng đã xem xét đến việc điều chỉnh theo lạm phát. Sự gia tăng mức BH chắc chắn đem lại nhiều lợi ích cho người gửi các khoản tiền nhỏ. Do sự bất cân xứng thông tin giữa ngân hàng và những người gửi tiền nên BH tiền gửi là công cụ củng cố niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng, trong khi các ngân hàng thường dựa vào các khoản tiền nhỏ này để có nguồn cung tín dụng lớn.
“Một khi có sự bảo vệ mạnh, an tâm hơn vào hệ thống ngân hàng, những người gửi tiền nhỏ sẽ điều chỉnh hành vi gửi tiền tiết kiệm của mình, như tăng thời gian gửi tiền tiết kiệm dài hạn. Khi các ngân hàng có nguồn vốn huy động mạnh, dồi dào, ổn định sẽ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động ngân hàng và nền kinh tế hưởng lợi vì có các khoản vay có chất lượng với chi phí thấp” - TS Thái phân tích.
Hiệp hội BH tiền gửi quốc tế (IADI) khuyến nghị hạn mức BH tiền gửi nên có giới hạn, đáng tin cậy và bảo vệ được 90%-95% người gửi tiền. Tỉ lệ này ở Việt Nam hiện ở mức 87,72%, tức thấp hơn so với mức khuyến nghị của IADI.
Tăng niềm tin cho người gửi tiền
Tuy đồng tình với việc nâng mức BH tiền gửi nhưng chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận xét có sự chưa hợp lý, cào bằng trong phí BH tiền gửi giữa các ngân hàng thương mại. “Nói cách khác, cần tính toán đến việc ngân hàng nào tình hình tài chính không tốt, tham gia các hoạt động đầy rủi ro thì phí BH phải cao hơn những ngân hàng khác, tương tự cách làm trên thế giới hiện nay” - ông Hiếu đề xuất.
Bên cạnh đó, một số ý kiến băn khoăn trong bối cảnh hiện nay tiền đang ứ đọng trong hệ thống ngân hàng thì liệu việc nâng mức BH có ý nghĩa hay không. Mặt khác, Nhà nước cũng chưa để cho ngân hàng nào phá sản, vậy việc tăng tiền gửi BH có thể tạo gánh nặng chi phí cho các ngân hàng.
Tuy vậy, theo TS Nguyễn Vũ Hồng Thái, chính sách BH tiền gửi không điều chỉnh trong ngắn hạn, mà là chiến lược dài hạn để hỗ trợ những mục tiêu lâu dài như cải thiện hệ thống tài chính. Do đó, nâng trần BH tiền gửi không tạo tác động bất lợi lên các điều kiện hoạt động của hệ thống ngân hàng.
“Chúng ta cũng không nên xem BH tiền gửi là một giải pháp ngăn ngừa sự thất bại của ngân hàng mà mục tiêu lớn hơn chính là cải thiện các vấn đề quan trọng tăng niềm tin cho người gửi tiền. Qua đó để nâng cao thói quen giao dịch với ngân hàng. Ngược lại, các ngân hàng cũng hưởng lợi từ điều này vì có được nguồn tài chính với chi phí thấp” - TS Thái nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, một số chuyên gia cho rằng hệ thống BH tiền gửi hiệu quả cần phải có các điều kiện tiên quyết cùng phối hợp. Đó là liên tục đánh giá nền kinh tế và hệ thống ngân hàng.
Bảo vệ người gửi tiền
BH tiền gửi Việt Nam hoạt động với tôn chỉ bảo vệ người gửi tiền, đặc biệt là người gửi tiền quy mô nhỏ. Qua đó góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.
Theo Luật BH tiền gửi, hạn mức trả tiền BH là số tiền tối đa mà tổ chức BH tiền gửi trả cho tất cả khoản tiền gửi được BH của một người tại một tổ chức tham gia BH tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền BH.
Hạn mức BH tiền gửi đã nhiều lần được điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam trong từng thời kỳ. Cụ thể, từ năm 1999 đến 2005, hạn mức BH tiền gửi là 30 triệu đồng; từ năm 2005 đến 2017, hạn mức là 50 triệu đồng và từ năm 2017 đến nay là 75 triệu đồng.
Để có tiền trang trải cuộc sống khi mất việc, nhiều người lao động đã rút bảo hiểm xã hội nhận chi trả 1 lần nhưng...
Nguồn: [Link nguồn]