Bán vàng cho người dân qua các ngân hàng vẫn còn bất cập
Sau một tuần triển khai biện pháp bán vàng cho người dân thông qua 4 ngân hàng thương mại Nhà nước, chênh lệch giá vàng miếng SJC và giá thế giới đã được thu hẹp nhưng vẫn còn bất cập.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã triển khai thêm giải pháp nhằm ổn định thị trường vàng từ 3-6 thông qua việc bán vàng miếng SJC trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại Nhà nước (gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) và Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC). Sau một tuần triển khai, chênh lệch giá vàng miếng SJC và giá thế giới đã được thu hẹp.
Đề xuất mở rộng địa bàn bán vàng SJC cho người dân
Đánh giá bước đầu về biện pháp bán vàng thông qua các ngân hàng quốc doanh, ông Huỳnh Trung Khánh - Cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), nhận định giải pháp này đã phát huy tác dụng.
Điều này thể hiện rõ qua việc cách đây vài tuần, giá vàng miếng SJC chênh lệch với giá vàng thế giới ở mức 17-18 triệu đồng/lượng nhưng bây giờ con số này đã thu hẹp còn khoảng 6 triệu đồng/lượng.
Người dân xếp hàng mua vàng miếng SJC tại Vietcombank, Hà Nội. Ảnh: Minh Trúc
Tuy nhiên, theo ông Khánh, giải pháp này vẫn đang gặp nhiều bất cập cần cải thiện. Đơn cử như việc vàng 2 giá - tức xuất hiện giá vàng miếng SJC trên thị trường cao hơn giá vàng miếng bán ra từ các ngân hàng và Công ty SJC.
Ngày 3-6, giá vàng được các ngân hàng bán ra là 79,98 triệu đồng/lượng, đến ngày 6-6, giá giảm còn 75,98 triệu đồng/lượng. Sau vài ngày, mức chênh với giá vàng thế giới thu hẹp từ 9-10 triệu đồng/lượng xuống 6 triệu đồng/lượng. |
Ngoài ra, vàng miếng SJC chỉ đang bán ở Hà Nội và TP.HCM nên người dân ở nhiều địa phương khác có nhu cầu mua mà chưa tiếp cận được.
Do đó, các ngân hàng trên có thể mở rộng thêm mạng lưới để người dân các tỉnh, thành khác cũng có thể tiếp cận để được mua vàng miếng SJC.
Hoặc NHNN triển khai thêm hoạt động bán vàng miếng cho một số công ty được cấp giấy phép mua - bán, chỉ để trực tiếp bán cho người dân. Cách này vừa tăng nguồn cung vừa tăng số lượng đơn vị tham gia bán vàng để góp phần hạ nhiệt thị trường.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Khối Nghiên cứu và khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng thực tế có không ít người xếp hàng hàng giờ để lấy số thứ tự nhưng vẫn không mua được vàng.
Ngoài ra, vị này nhấn mạnh bên cạnh sự can thiệp của NHNN, giá vàng trong nước giảm còn do giá vàng thế giới hạ nhiệt.
Có nên thành lập sàn giao dịch vàng?
Để kiểm soát và ổn định thị trường vàng, theo các chuyên gia cần triển khai giải pháp lâu dài, căn cơ hơn như sửa đổi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng. Thế nhưng, sửa như thế nào, có bỏ độc quyền vàng miếng SJC, bỏ độc quyền thương hiệu SJC hay ứng xử ra sao với vàng là vấn đề cần tính toán và trao đổi.
Theo ông Khánh, nên xem xét thành lập sàn giao dịch vàng như mô hình Sàn giao dịch vàng Thượng Hải - Trung Quốc. Việt Nam có thể nghiên cứu, tham khảo bằng cách cho thí điểm một vài ngân hàng thương mại song hành với việc kiểm soát chặt chẽ để tránh trường hợp nhiều sàn vàng hoạt động bát nháo.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng thành lập sàn vàng ở Việt Nam là phi thực tế và chưa cần thiết. Lý do là phần cốt lõi của ngoại hối là vàng mà ngoại tệ tại Việt Nam vẫn do nhà nước quản lý rất chặt chẽ. Do đó, khi Việt Nam chưa tự do hóa ngoại tệ thì rất khó để tự do giao dịch vàng thông qua việc thành lập sàn vàng.
Đề xuất đánh thuế kinh doanh doanh vàng
Ông Thịnh cho rằng bên cạnh những giải pháp đang thực hiện, NHNN cần cân nhắc đánh thuế việc kinh doanh vàng. Theo vị này, kinh doanh bất động sản, kinh doanh chứng khoán… đều bị đánh thuế, vậy nên, kinh doanh vàng tạo ra lợi nhuận và doanh thu thì cũng phải bị đánh thuế.
"Có như vậy mới đảm bảo công bằng với những loại hình kinh doanh khác trên thị trường” - ông Thịnh nói.
Cùng quan điểm, tại cuộc họp trao đổi về chính sách quản lý thị trường vàng và bàn sửa đổi Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng ngày 9-6, PGS. TS Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính tiền tệ quốc gia đề xuất NHNN cần sớm kiến nghị Bộ Tài chính xây dựng các chính sách thuế đối với vàng.
Việc áp thuế đối với thị trường vàng trong nước sẽ góp phần giảm bớt nhu cầu vàng của một số bộ phận nhà đầu tư và thị trường, đặc biệt là đối với những đối tượng mua vàng với mục đích đầu cơ, tích trữ, thao túng giá vàng.
Bên cạnh đó, việc áp thuế sẽ đảm bảo công bằng trong hoạt động kinh doanh vàng và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh.
Tại cuộc họp ngày 9-6, Phó thống đốc NHNN Phạm Quang Dũng cho biết nhà điều hành đánh giá sức hấp dẫn của vàng còn rất lớn, kéo theo nhu cầu dự trữ trong dân lớn. Do đó, cần nghiên cứu khai thác nguồn lực vàng vào sản xuất kinh doanh. Mặt khác, tình trạng USD hóa, vàng hóa vẫn tồn tại trong nền kinh tế, việc xử lý cần thời gian. Phó thống đốc cho hay NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu Nghị định 24 với mục tiêu chống vàng hóa nền kinh tế, không để vàng hóa tác động đến điều hành chính sách tiền tệ, tỉ giá, ngoại hối, cán cân thanh toán. |
Nguồn: [Link nguồn]
Các chuyên gia đề xuất đánh thuế với giao dịch vàng để giảm bớt nhu cầu của một số bộ phận nhà đầu tư và thị trường, đặc biệt mục đích đầu cơ, thao túng giá.