Bán sạch vốn Sabeco và nhiều thương vụ bom tấn
Chọn thời điểm thoái vốn khỏi các công ty nhà nước hiện nay vẫn có khả năng thu hút dòng tiền hàng ngàn tỉ USD từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 908 về danh mục các công ty mà Nhà nước đang nắm cổ phần sẽ được thoái vốn trong năm 2020. Theo đó, trong năm nay, Nhà nước sẽ thoái vốn khỏi 120 doanh nghiệp. Một trong những mục tiêu của quyết định này là nhằm đẩy nhanh tiến độ thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ, gắn với việc đảm bảo nguồn thu cho phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Thương vụ tỉ USD
Trong danh sách các công ty được thoái vốn lần này có thể thấy một số tên nổi bật trên thị trường. Đơn cử như Tổng Công ty Xây dựng số 1, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam, Tổng Công ty cổ phần Xây dựng công nghiệp Việt Nam, Tổng Công ty Rượu Bia Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco)…
Đáng chú ý, Sabeco tiếp tục là tâm điểm quan tâm của nhà đầu tư, vì Nhà nước đã lên kế hoạch thoái hết 36% vốn điều lệ còn lại tại ông lớn ngành bia này. Bằng chứng là sau khi có thông tin Nhà nước tiếp tục bán hết vốn, giá cổ phiếu Sabeco liên tục tăng mạnh.
Đến ngày 6-7 vừa qua, giá cổ phiếu Sabeco đã chạm mốc 180.000 đồng mỗi cổ phiếu. Như vậy, với việc Nhà nước nắm giữ 36% vốn điều lệ, tương đương 230,8 triệu cổ phần thì tổng giá trị vụ thoái vốn đạt 41,5 ngàn tỉ đồng, tương đương hơn 1,8 tỉ USD. Đây có thể xem là thương vụ bom tấn trong năm nay.
Trong đợt thoái vốn của Nhà nước trước đó, tỉ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi, người đứng đầu Tập đoàn Thaibev, đã mua 53,59% vốn điều lệ tại Sabeco với tổng trị giá gần 5 tỉ USD, tương đương một cổ phần là 320.000 đồng. Theo phân tích của một số chuyên gia, người Thái trước đây sẵn sàng bỏ gần 5 tỉ USD để mua cổ phần Sabeco với giá cao ngất ngưởng và tính đến thời điểm hiện nay họ đã mất gần 40% giá trị cổ phần. Nhưng đổi lại họ nắm vai trò chi phối và nhìn thấy thị trường bia vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh trong tương lai.
TS Burkhard Schrage, ĐH RMIT Việt Nam, cho rằng rất khó dự đoán đại gia Thái Lan có tiếp tục mua thêm cổ phần thoái vốn Sabeco lần này hay không nhưng việc có nhà đầu tư tư nhân thay vai trò Nhà nước tại đây sẽ giúp tăng năng lực cạnh tranh công ty nhiều hơn. Trả mức giá cao sẽ không thành vấn đề với nhà đầu tư nếu xác định đây là khoản đầu tư chiến lược dài hạn có tầm nhìn 10-20 năm. Các yếu tố quyết định giá trị đầu tư tại Sabeco không có nhiều thay đổi. Đó là thị trường bia Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng rất nhanh.
“Trong ngành bia, điều quan trọng nữa là đòi hỏi quy mô lớn để thực hiện quy trình quản lý hiệu quả, tiết kiệm chi phí, tạo dấu ấn cạnh tranh tại khu vực” - ông Burkhard Schrage nói.
Lãnh đạo Sabeco vừa ký kết hợp đồng triển khai dự án chuyển đổi số nhằm khẳng định vị thế dẫn đầu thị trường. Ảnh: TL
Tạo cơ hội hấp dẫn cho nhà đầu tư
Không chỉ có Sabeco, TS Burkhard Schrage đánh giá việc tiếp tục thúc đẩy thoái vốn khỏi các doanh nghiệp nhà nước trong nửa cuối năm 2020 là thông tin tích cực vì nó cho thấy rằng Chính phủ đang có những nỗ lực thực hiện các mục tiêu đã cam kết của mình. “Điều này tạo ra các cơ hội hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài tìm kiếm các danh mục đầu tư tốt” - TS Burkhard Schrage bình luận.
Ông cũng cho rằng mặc dù thoái vốn thời điểm này sẽ gặp khó khăn vì dịch bệnh COVID-19 và các bất ổn của nền kinh tế toàn cầu nhưng lại rất có ý nghĩa để tăng tốc tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Đầu tiên, thị trường chứng khoán trên thế giới đang đạt gần mức cao nhất trong lịch sử do đến từ việc lãi suất và lạm phát thấp. Nói cách khác, các nhà đầu tư vẫn chọn cổ phiếu là danh mục đầu tư hấp dẫn do kỳ vọng nền kinh tế sẽ khôi phục ngay một khi đại dịch được kiểm soát.
Thứ hai là sự quan tâm đáng kể của các nhà đầu tư nước ngoài đến thị trường Việt Nam. “Cuối cùng là nhà đầu tư đang đặt niềm tin mạnh mẽ về tiến trình cải cách cấu trúc các bộ luật quản trị doanh nghiệp và quá trình thực thi cơ chế quản trị tốt nhất tại các công ty Việt Nam. Từ đó đem lại sự minh bạch, đồng thời giảm đi các rủi ro đầu tư” - ông Burkhard Schrage phân tích.
Tuy nhiên, sự thành công của việc thoái vốn nhà nước có hay không đến từ các bước đi chiến lược bài bản thu hút nhà đầu tư. Nhìn về đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Tổng Công ty Viglacera hay Vietnam Airlines cho thấy đều có sự thành công lớn về lượng đăng ký đặt mua và giá bán. Thực tế, cả hai đều có điểm chung là thực hiện các bước đi chào bán rất bài bản. Đặc biệt, Vietnam Airlines sẵn sàng bỏ tiền cao để thuê các tổ chức tư vấn chuyên nghiệp là Morgan Stanley và Citigroup để đảm bảo sự thành công cho đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng của mình.
TS Nguyễn Quang Trung, ĐH RMIT Việt Nam, cho biết hai tổ chức đã cùng tư vấn cho Vietnam Airlines xây dựng chiến lược bán hàng, cũng như thực hiện các thủ tục chuẩn mực từ báo cáo tài chính; lập kế hoạch cổ phần hóa, xây dựng bản cáo bạch và các tài liệu khác; tiếp thị tới các nhà đầu tư tiềm năng mục tiêu…“Nhờ đó Vietnam Airlines bán được 108 triệu USD cổ phần cho hãng hàng không Nhật ANA, đồng thời cũng là nhà đầu tư chiến lược tại công ty. Trong khi đó, Vietnam Airlines đã chi khoản tiền 5,6 tỉ đồng cho các buổi giới thiệu” - ông Trung cho biết.
Theo ông Andy ho, Giám đốc điều hành VinaCapital, để tăng tính hấp dẫn cho các đợt thoái vốn nhà nước và thu hút nhà đầu tư nước ngoài thì nên tư nhân hóa mạnh mẽ hơn các công ty lớn, có chất lượng và tăng trưởng cao. Ngoài ra, nên thành lập một hội đồng giao dịch với nước ngoài để chủ động khơi mở dòng vốn ngoại chảy vào các công ty theo hướng các bên cùng có lợi.
Khó bán cổ phần bia Sài Gòn giá cao như trước đây Một số chuyên gia nhận định thương vụ thoái vốn tiếp theo của Nhà nước tại Sabeco rất khó đạt giá trị cổ phần cao như trước đây. Lý do là thị trường bia đang chựng lại do Nghị định 100/2019 và dịch COVID-19. Mặt khác, với tỉ lệ thoái vốn 36% thì một người mua khác chỉ có thể đóng vai trò cổ đông lớn, chứ không hoàn toàn có thể quyết định các yếu tố chiến lược nếu cổ đông Thái không đồng ý. Do vậy, ứng cử viên hàng đầu mua nốt cổ phần còn lại tại Sabeco sẽ là tỉ phú Thái. Mới đây, tại buổi gặp gỡ báo chí, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tái khẳng định mọi thông tin về việc Sabeco được bán cho công ty của Trung Quốc là không đúng sự thật và Bộ Công Thương không có chủ trương mua lại cổ phần của Sabeco. Công ty TNHH Nước giải khát Thái Lan (THBEV) mới đây cũng có thông báo nói rõ công ty không có ý định bán lại hoạt động kinh doanh ở Việt Nam dưới bất kỳ hình thức nào. |
Áp lực điều chỉnh diễn ra ở một số cổ phiếu lớn khiến VN-Index không giữ được đà tăng điểm.
Nguồn: [Link nguồn]