Bán chui cổ phiếu liên tục tái diễn: Cố tình hay sơ suất?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Thời gian qua, các vụ giao dịch cổ phiếu chui, không công bố thông tin của lãnh đạo doanh nghiệp, cổ đông lớn tiếp tục bị phát hiện, xử lý. Vậy nguyên nhân do đâu và cách nào chặn đứng hành vi này?

Chủ tịch vi phạm

Chỉ từ đầu năm 2023 đến nay, hàng chục vụ giao dịch cổ phiếu chui bị xử lý, chủ yếu do lãnh đạo doanh nghiệp, người nhà, cổ đông lớn thực hiện. Gần nhất, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) thông báo hủy giao dịch bán 2,6 triệu cổ phiếu LDG của ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị CTCP Đầu tư LDG. Giao dịch này chiếm 22,81% khối lượng khớp lệnh cổ phiếu này trên toàn thị trường (giá trị gần 16,7 tỷ đồng).

Giải trình về sự việc, ông Hưng nói rằng, lỗi do sai sót của thư ký. Trước sự việc giao dịch của ông Hưng, HoSE từng ra quyết định huỷ giao dịch bán chui 75 triệu cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết, vào ngày 10/1/2022. Ông Quyết khi đó cũng viện lý do bộ phận thư ký sơ suất. Sau đó, ông này bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) xử phạt 1,5 tỷ đồng, đình chỉ giao dịch 5 tháng, và cuối cùng bị khởi tố vì hành vi thao túng chứng khoán.

Theo VAFI, với lãnh đạo doanh nghiệp, cổ đông lớn, am hiểu pháp luật nhưng vẫn vi phạm, thì không thể là vô tình, hay sơ suất. Ảnh: Như Ý

Theo VAFI, với lãnh đạo doanh nghiệp, cổ đông lớn, am hiểu pháp luật nhưng vẫn vi phạm, thì không thể là vô tình, hay sơ suất. Ảnh: Như Ý

Dù giao dịch bán chui của ông Hưng, ông Quyết đã bị hủy, một số nhà đầu tư được hoàn tiền, nhưng hệ lụy để lại cho thị trường rất lớn. Cổ phiếu nhóm FLC trượt dài sau sự việc chủ tịch bán chui cổ phiếu. LDG bước sang phiên giảm sàn thứ 3 liên tiếp, kể từ lúc UBCKNN hủy giao dịch chui của ông Hưng. Nhà đầu tư ôm cổ phiếu lỗ nặng, bán ra khó khăn do các mã đều mất thanh khoản. Sau nhiều biến cố, tới nay, cổ phiếu nhóm FLC vắng bóng trên sàn chứng khoán, 6/7 mã bị hủy niêm yết.

Thị trường còn ghi nhận nhiều trường hợp khác bị xử phạt vì bán chui cổ phiếu. Ông Phạm Khánh Phương (ca sĩ Khánh Phương) giao dịch chui cổ phiếu của CTCP Sông Đà 1.01 (mã SJC). Trong khoảng thời gian từ 23/6-30/12/2022, ông Phương có nhiều giao dịch khiến tỷ lệ sở hữu tăng lên trên 25% nhưng không đăng ký chào mua công khai theo quy định pháp luật. Ngoài ra, ông Phương không báo cáo khi có thay đổi về tỷ lệ cổ phiếu sở hữu qua ngưỡng 1% số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết. Ngoài chịu phạt tiền, ông Phương còn bị buộc bán cổ phiếu để giảm tỷ lệ nắm giữ xuống dưới mức phải chào mua công khai.

Lãnh đạo một công ty phần mềm tại Hà Nội cho biết, hoàn toàn có thể tích hợp tính năng tạm khóa giao dịch vào hệ thống của Sở giao dịch chứng khoán. Đây không phải yêu cầu phức tạp, Sở có thể đặt hàng bộ phận công nghệ thông tin.

Vợ chồng Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Hải Phát (mã HPX) ông Đỗ Quý Hải, bà Chu Thị Lương và em trai Đỗ Quý Đường bị phạt hành chính tổng số tiền gần 2 tỷ đồng và bị đình chỉ giao dịch 4 tháng do bán chui cổ phiếu HPX trong ngày 30/11/2022.

Chặn từ gốc, không để lệnh lên sàn

Hàng loạt vụ giao dịch chui cổ phiếu bị xử lý, nhưng hành vi này vẫn tái diễn. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), nhận định, đi cùng sự phát triển của thị trường, tình trạng bán chui cổ phiếu ngày càng gia tăng, công khai đe dọa sự ổn định của chứng khoán trong nước.

“Một số trường hợp bán chui do người liên quan tới người nội bộ thực hiện, số lượng nhỏ, có thể do sơ suất, chưa am hiểu pháp luật. Tuy nhiên, với lãnh đạo doanh nghiệp, cổ đông lớn, am hiểu pháp luật nhưng vẫn vi phạm, bán chui khối lượng lớn, thì không thể nói là vô tình, hay sơ suất. Đây là hành vi cố tình, trục lợi”, ông Hải phân tích.

Theo Phó chủ tịch VAFI, những vấn đề này đã được Hiệp hội đề cập trong đề xuất gửi Bộ Tài chính, UBCKNN từ nhiều năm trước. Đến nay, tình trạng bán chui liên tục tái diễn, nhưng cơ quan quản lý không có giải pháp ngăn chặn triệt để. “Cố tình bán chui cổ phiếu là hành vi lừa đảo, trục lợi từ các nhà đầu tư cùng tham gia giao dịch”, ông Hải nói.

Trước tình trạng này, VAFI đề xuất giải pháp, tạm khóa giao dịch của các nhà đầu tư phải công bố thông tin. Khi các đối tượng trên cần mua, bán cổ phiếu, Sở nhận được công bố thông tin thì sẽ mở khóa, và cho phép họ giao dịch trong đúng thời gian, số lượng cổ phiếu đăng ký. Ông Hải nhận định: “Biện pháp kỹ thuật này khi áp dụng không phải sửa đổi các luật, nghị định, thông tư hiện hành, và rất đơn giản so với phần mềm hiện đại của Sở”.

Hiện nay, hệ thống giao dịch của các công ty chứng khoán có cảnh báo cho các cổ đông lớn, người nội bộ về việc công bố thông tin. Với vụ việc bán chui cổ phiếu của Chủ tịch LDG, HoSE đã có văn bản gửi Chứng khoán Rồng Việt phối hợp thực hiện biện pháp kiểm soát thông tin trước giao dịch của ông Nguyễn Khánh Hưng.

Để ngăn chặn bán chui, chuyên gia cho rằng, cơ quan quản lý cần xem xét lại chế tài xử phạt, liệu đã đủ sức răn đe. Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, đề xuất áp mức phạt gấp 5 - 10 lần khoản thu trái pháp luật cho cả hành vi bán chui (hiện chỉ áp dụng với hành vi thao túng, sử dụng thông tin nội bộ để mua bán), nhằm tăng tính răn đe.

Nguồn: [Link nguồn]

Ứng tiền cho nhân viên không rõ ràng, công ty quản lý quỹ bị xử phạt 175 triệu đồng

Công ty Quản lý Quỹ Ngân hàng TMCP Đại Chúng đã tạm ứng cho một số nhân viên chi phí hoạt động nhưng không có nội dung công việc cụ thể

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Việt Linh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN