Ba đại gia phố Núi từng lẫy lừng, nay làm chỉ “đủ ăn”

Trong Quý I năm 2019, khó khăn vẫn tiếp tục đeo bám các doanh nghiệp đến từ phố Núi Gia Lai.

Xuất hiện trên thị trường chứng khoán từ những năm 2008-2010, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG) và CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) là các doanh nghiệp có quy mô khá lớn mạnh, hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau như: nông, lâm nghiệp, bất động sản, cơ sở hạ tầng, năng lượng…

Tuy nhiên, thời gian gần đây, ba đại gia đến từ Phố núi này đều kinh doanh bết bát, kém hiệu quả, cổ phiếu rơi xuống mức giá “trà đá” chỉ vài ngàn đồng. Chưa dứt, trong Quý I năm 2019 vừa rồi, khó khăn và thua lỗ vẫn tiếp tục đeo bám các doanh nghiệp này.

Chuối chưa ra quả, HAGL lỗ đậm trăm tỷ

Sau khi lỗ “khủng” cả ngàn tỷ vào 2016, bầu Đức quyết định chuyển hướng kinh doanh sang trồng cây ăn trái. Năm 2017, mảng này đã đem lại cho bầu Đức 4.841 tỷ đồng doanh thu.

Bước sang năm 2018 và đặc biệt là 2019 dưới sự hỗ trợ của ông lớn THACO, HAGL tiếp tục dồn toàn lực vào trồng cây ăn trái và tự tin sẽ trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong châu Á trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của HAGL vẫn là dòng vốn và nợ đang rất tiêu cực.

Ba đại gia phố Núi từng lẫy lừng, nay làm chỉ “đủ ăn” - 1

Bầu Đức đang dồn tâm sức vào mảng trái cây

Trong Quý I năm 2019, do phần lớn diện tích trồng chuối mới chưa đến kỳ thu hoạch, doanh thu bán trái cây của HAGL và HAGL Agrico đều sụt giảm mạnh so với cùng kỳ 2018. Doanh thu bán ớt, bán hàng hóa và bất động sản cũng đồng loạt đi xuống. Riêng nguồn thu từ mủ cao su tăng mạnh, nhưng cũng không đủ cứu vớt doanh thu sụt giảm.

Trong khi đó, chi phí trả lãi vay, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp vẫn ở mức cao. Kết quả, hai doanh nghiệp của bầu Đức thu không đủ bù chi và lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh hàng trăm tỷ đồng. HAGL nhờ có khoản thu nhập khác lên tới 341 tỷ đồng nên thoát lỗ, còn HAGL Agrico lỗ ròng 99 tỷ đồng trong ba tháng đầu năm 2019.

Cổ phiếu HAG hiện đang ở mức đáy trong lịch sử với thị giá quanh mức 5.000 đồng/cổ phiếu. Còn cổ phiếu HNG với sự “tham chiến” của THACO thì khả quan hơn khi giao dịch quanh mức 15.000 đồng/cổ phiếu.

Tài sản đóng băng ở “bất động sản”, Quốc Cường Gia Lai làm ăn cầm chừng

Mảng bất động sản của Quốc Cường Gia Lai tiếp tục trong tình trạng “đóng băng”, do sự tăng trưởng của mảng bán hàng hóa và bán điện, doanh thu trong Quý I năm 2019 của doanh nghiệp này tăng 8% lên 378 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn bán ra lại tăng cao hơn nên QCG lãi gộp chỉ 21 tỷ đồng.

Sau khi trừ đi các loại chi phí, Quốc Cường Gia Lai báo lãi vỏn vẹn 5 tỷ đồng, sụt giảm 83% so với cùng kỳ năm 2018. QCG lý giải rằng, “lợi nhuận giảm so với cùng kỳ năm ngoái là do Công ty bàn giao căn hộ cho khách hàng không có thu nhập từ chuyển nhượng tài chính”.

Tính đến hết quý I, lượng hàng tồn kho của QCG ghi nhận gần 7.388 tỷ đồng, trong đó tài sản nằm ở bất động sản dở dang chiếm tới gần 94%, tương đương 6.932 tỷ đồng. Bất động sản dở dang được ghi nhận ở đây chủ yếu là các khoản chi phí đền bù, tiền sử dụng đất, chi phí xây dựng và các chi phí khác liên quan trực tiếp đến các dự án.

Ba đại gia phố Núi từng lẫy lừng, nay làm chỉ “đủ ăn” - 2

Quốc Cường Gia Lai đang gặp khó với mảng bất động sản

Nợ phải trả của QCG đang ở mức 6.484 tỷ đồng, cao hơn 2.320 tỷ đồng so với vốn chủ sở hữu. Trong đó, khoản phải trả ngắn hạn khác chiếm hơn 4.642 tỷ đồng. Cổ phiếu QCG hiện giao dịch quanh 5.000 đồng/cổ phiếu.

Trong thời gian gần đây, QCG liên tục có hoạt động thu hẹp kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản như việc giảm vốn tại Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng, hay giải thể Công ty cổ phần bất động sản Hiệp Phát tại TP HCM.

Chia sẻ ở hội nghị gặp gỡ giữa 100 doanh nghiệp với UBND TP HCM ngày 10/4 do Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân chủ trì, Chủ tịch HĐQT Quốc Cường Gia Lai - bà Nguyễn Thị Như Loan thừa nhận khó khăn khi công ty có 12 dự án bị ách tắc trên địa bàn với tổng quỹ đất 150 ha. Những diện tích này chủ yếu là đất nông nghiệp mà Quốc Cường Gia Lai tự đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân, không phải có nguồn gốc đất công.

Cổ phiếu của Đức Long Gia Lai rẻ hơn ly trà đá

Cổ phiếu DLG của Đức Long Gia Lai đã giảm về mức đáy trong lịch sử niêm yết với chỉ 1.370 đồng/cổ phiếu, nằm trong số 5 cổ phiếu có giá thấp nhất trên sàn HSX. Đây là một mức giá quá rẻ mạt đối với một doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu lên tới gần 3.500 tỷ đồng.

Theo kết quả kinh doanh quý I năm 2019 mới công bố, DLG báo lãi sau thuế vỏn vẹn 140 triệu đồng, công ty mẹ lỗ 1,5 tỷ đồng. Tính đến 31/3/2019, tổng nợ phải trả của DLG là hơn 5.235 tỷ đồng, cao hơn vốn chủ sở hữu là 1.763 tỷ đồng. Trong đó, tổng dư nợ vay chiếm hơn 3.696 tỷ đồng.

Bầu Đức lại gây “choáng váng” cho cổ đông

Hai công ty của bầu Đức tiếp tục chật vật trong ba tháng đầu năm 2019.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Sơn ([Tên nguồn])
Bầu Đức Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN