Áp sàn giá vé máy bay để ngăn cạnh tranh “xuống đáy”
Những khó khăn chưa từng có trong lịch sử hàng không thế giới do sự tàn phá của dịch Covid-19 đòi hỏi phải tháo gỡ bằng những giải pháp chưa từng có tiền lệ. Đối với ngành hàng không Việt Nam, một trong những giải pháp được đề xuất là quy định sàn giá vé máy bay nội địa.
Cục Hàng không Việt Nam đã hoàn tất giai đoạn lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa, áp dụng từ ngày 1/11/2021 đến hết ngày 31/10/2022.
Không phải trường hợp cá biệt
Dựa vào chi phí bình quân/ghế cung ứng chặng bay Hà Nội-TPHCM năm 2019 của các hãng hàng không là 1.511.249 đồng (bằng 47% so giá trần), Cục Hàng không Việt Nam đề xuất quy định giá tối thiểu cho vé máy bay nội địa bằng 20% mức giá trần vé máy bay phổ thông và bằng 43% chi phí bình quân khai thác. Như vậy, các đường bay như Hà Nội đi TPHCM/ Đà Lạt sẽ có giá thấp nhất 640.000 đồng/chiều (chưa bao gồm thuế, phí). Đường bay như Hà Nội đi Cần Thơ/Phú Quốc/ Côn Đảo có giá tối thiểu 750.000 đồng/chiều (chưa gồm thuế phí)…
Cục Hàng không Việt Nam cho biết, việc đề xuất áp sàn giá vé máy bay là giải pháp mang tính chất tình huống, chỉ áp dụng trong thời gian ngắn và được cân nhắc trên cơ sở bảo đảm hài hoà lợi ích giữa người tiêu dùng, các hãng hàng không và Nhà nước.
Các hãng hàng không ngày càng suy yếu do giá vé máy bay chạm đáy
Trên thế giới, một số quốc gia cũng ban hành chính sách áp dụng giá tối thiểu đối với vé máy bay như một công cụ để điều tiết thị trường hàng không. Indonesia đang áp sàn giá vé máy bay với tỷ lệ bằng 35% giá tối đa nhằm bảo đảm an toàn khai thác; Ấn Độ cũng quy định các hãng hàng không không được bán vé thấp hơn 33-35% so mức giá trần, áp dụng từ tháng 5/2020 đến tháng 3/2021… để tạo ra sự cân bằng cho thị trường hàng không trong giai đoạn chịu tác động bất lợi của dịch Covid-19. Trung Quốc cũng từng duy trì chính sách sàn giá vé máy bay liên tục trong 10 năm (từ 2004-2013) để chống bán phá giá trong thời kỳ các hãng hàng không nội địa nở rộ.
Việc áp dụng sàn giá dịch vụ cung ứng hàng hoá không phải cá biệt ở Việt Nam. Năm 2013, Chính phủ đã cho phép thực hiện thí điểm giá tối thiểu đối với dịch vụ bốc dỡ container tại cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải khi hiện tượng cạnh tranh giảm sâu giá cước kéo dài, ảnh hưởng đến lợi ích Nhà nước, lợi ích của chính doanh nghiệp và gây mất ổn định khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Sau hai năm triển khai thí điểm, biện pháp này đã mang lại tác động tích cực. Cục Hàng Hải Việt Nam đánh giá, chính sách này không những giải quyết tình trạng cạnh tranh không lành mạnh mà còn giúp doanh nghiệp có thêm nguồn thu tái đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng nguồn vốn tích luỹ.
3/5 hãng bay đồng thuận
Đề xuất áp sàn giá vé máy bay được đưa ra tại thời điểm này nhằm chấm dứt một cuộc đua xuống đáy đang trở nên trầm trọng kể từ khi xảy ra dịch Covid-19. Về bản chất, đây là công cụ chống bán phá giá, chống giảm giá vé dưới chi phí.
PGS.TS Nguyễn Hồng Thái, Phó trưởng khoa Vận tải-Kinh tế, Đại học Giao thông vận tải phân tích: Tính đến tháng 4-2021, giá vé bình quân của các hãng hàng không Việt Nam chỉ bằng 55% cùng kỳ năm 2019. Việc giảm giá vé máy bay quá mạnh trong bối cảnh các hãng hàng không gặp áp lực lớn về tài chính chính có thể gây ra sự sụt giảm doanh thu trầm trọng, thậm chí đẩy hãng hàng không vào nguy cơ phá sản nếu doanh thu không đủ bù đắp chi phí hiện hữu. “Trong ngắn hạn, một bộ phận người tiêu dùng có thể được hưởng lợi khi giá vé giảm nhưng trong dài hạn, nếu diễn ra tình trạng độc quyền dù chỉ ở một vài phân khúc, doanh nghiệp sẽ phải tăng mạnh giá bán để bù đắp tổn thất. Và khi đó, người tiêu dùng sẽ là đối tượng chịu thiệt thòi”, PGS.TS Nguyễn Hồng Thái nói.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, việc đề xuất giá sàn để có chính sách quản lý, điều tiết giá vé máy bay là cần thiết trong bối cảnh đặc thù hiện nay để chấm dứt cuộc đua giảm giá chưa từng có giữa các hãng hàng không gây thiệt hại cho các bên và trái với nguyên tắc hạch toán kinh doanh thị trường, trái với lợi ích doanh nghiệp và lợi ích quốc gia. Bộ giá tối thiểu phù hợp và minh bạch sẽ nhận được sự đồng thuận cao khi và chỉ khi đươc xây dựng trên cơ sở nghiên cứu xác định được các chi phí tối thiểu cho các hoạt động và điều kiện vận chuyển cùng loại của các hãng hàng không khác nhau.
Về phía các hãng hàng không, đã có 3/5 hãng đồng thuận với phương án quy định sàn giá vé máy bay, gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Bamboo Airways. Cục Hàng không Việt Nam cho biết đã nhìn nhận được mặt hạn chế của chính sách này là chi phí và dịch vụ cung ứng của các hãng bay không cùng một mặt bằng sẽ gây khó khăn cho việc xác định mức giá tối thiểu áp dụng chung cho cả thị trường. Tuy nhiên, đây là chính sách mang tính khẩn cấp, chỉ áp dụng trong ngắn.
Nguồn: [Link nguồn]