Áp lực đè nặng nền kinh tế, lạm phát của Singapore lên mức cao nhất trong 10 năm
Lạm phát cơ bản của Singapore đã tăng lên mức cao nhất trong 10 năm là 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 3, dữ liệu chính thức được công bố vào thứ Hai (25/4) cho thấy.
Lạm phát cơ bản của Singapore tăng nhanh hơn so với dự báo lên ngưỡng cao nhất trong vòng 10 năm. Tuy nhiên, xu hướng này hoàn toàn phù hợp với dự báo của ngân hàng trung ương quốc gia này khi cho rằng lạm phát sẽ tăng mạnh trước khi xuất hiện dấu hiệu cải thiện, trong bối cảnh liên tiếp xuất hiện các cú sốc địa chính trị và tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Lần cuối cùng lạm phát cơ bản của Singapore ở mức 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái là vào tháng 3 năm 2012. Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) và Bộ Thương mại và Công nghiệp (MTI) cho biết trong một thông cáo chung, chỉ số này được thúc đẩy do mức lạm phát cao hơn đối với thực phẩm và dịch vụ.
“Những áp lực lạm phát bên ngoài liên tục xuất hiện trong bối cảnh giá cả hàng hóa toàn cầu leo thang, chuỗi cung ứng đối diện với một loạt các đứt gãy mới gây ra bởi cuộc xung đột Nga-Ukraine và diễn biến dịch bệnh trong khu vực”, Cơ quan Quản lý tiền tệ (MAS) và Bộ Thương nghiệp (MTI) Singapore chia sẻ trong một thông cáo chung. “Lạm phát cơ bản của MAS được dự báo sẽ còn tăng cao trong một vài tháng tới, trước khi có xu hướng giảm dần vào cuối năm, khi một số áp lực lạm phát giảm bớt”.
Chỉ số giá tiêu dùng toàn phần của tháng Ba, hay lạm phát toàn phần, ở mức 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng từ mức 4,3% trong tháng Hai.
Ngoài lạm phát cơ bản gia tăng, lạm phát phương tiện giao thông cá nhân và chỗ ở cũng tăng cao hơn. Lạm phát cơ bản không bao gồm chi phí ăn ở và vận tải cá nhân. Những mặt hàng này bị loại trừ vì chúng có xu hướng bị ảnh hưởng đáng kể bởi các chính sách hành chính về phía cung và dễ thay đổi.
Các quan chức Singapore gần đây đưa ra cảnh báo rằng lạm phát có thể sẽ kéo dài hơn và là một phần của bức tranh kinh tế trong tình hình mới. Tharman Shanmugaratnam, Chủ tịch MAS, phát biểu tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao hôm 22/4 rằng: “Chúng ta đang ở trong một môi trường kinh tế vĩ mô cơ bản mới trên phạm vi toàn cầu”.
Nguồn: [Link nguồn]
Châu Á đối mặt với nguy cơ rơi vào lạm phát đình trệ khi tăng trưởng kinh tế thấp hơn dự báo và lạm phát tăng cao, một quan chức cấp cao của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)...