Ấn Độ và kế hoạch 1.200 tỷ USD để “nẫng” các nhà máy từ Trung Quốc
Trong “siêu dự án” giá 100 nghìn tỷ rupee (1,2 nghìn tỷ USD) có tên là Gati Shakti – mang ý nghĩa “sức mạnh của tốc độ” trong tiếng Hindi- Ấn Độ tham vọng tạo ra một nền tảng kỹ thuật số kết hợp 16 bộ ngành. Đây được xem là con át chủ bài của nước này trong cuộc chạy đua với công xưởng của thế giới -Trung Quốc.
Tại Ấn Độ, hiện một nửa số dự án cơ sở hạ tầng bị trì hoãn và 1/4 số dự án bị vượt quá ngân sách. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tin rằng công nghệ là giải pháp cho những tắc nghẽn lâu năm và có phần tai tiếng này.
Cổng thông tin trong kế hoạch Gati Shakti sẽ cung cấp cho các nhà đầu tư và các công ty giải pháp một cửa để thiết kế, phê duyệt và ước tính chi phí dự án một cách liền mạch, dễ dàng hơn. Amrit Lal Meena, thư ký đặc biệt về hậu cần của Bộ thương mại và công nghiệp Ấn Độ cho biết “Mục tiêu chính của kế hoạch là để các công ty toàn cầu chọn Ấn Độ làm trung tâm sản xuất của mình."
Các dự án này được kỳ vọng sẽ mang lại lợi thế cho Ấn Độ, đặc biệt trong bối cảnh phần lớn Trung Quốc vẫn đóng cửa với thế giới bên ngoài. Đặc biệt các công ty toàn cầu đang ngày càng tích cực áp dụng chiến lược “Trung Quốc +1” – nghĩa là tìm kiếm thêm quốc gia khác ngoài Trung Quốc để mở rộng nguồn cung ứng – nhằm đa dạng hóa hoạt động kinh doanh và dây chuyền sản xuất. Lợi thế của Ấn Độ trong cuộc đua này không chỉ là giá rẻ mà còn có nguồn lao động dồi dào biết sử dụng tiếng Anh. Mặc dù vậy, cơ sở hạ tầng ọp ẹp, cũ kỹ ở nước này là lý do khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại.
Anshuman Sinha, một chuyên gia ngành vận tải và cơ sở hạ tầng cho biết: “Cách duy nhất có thể cạnh tranh với Trung Quốc là giá cả. Gati Shakti về cơ bản sẽ giúp phụ tùng và hàng hóa lưu chuyển dễ dàng hơn trên khắp chiều dài và chiều rộng của Ấn Độ.”
Các trụ cột chính của dự án là xác định các cụm sản xuất mới chưa được xây dựng và liên kết chúng một cách liền mạch với mạng lưới đường sắt, cảng và sân bay của quốc gia.
Trong số 1.300 dự án mà cổng thông tin của Gati Shakti đang giám sát, gần 40% đã bị trì hoãn do các vấn đề liên quan đến thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, dẫn đến chi phí vượt mức. Siêu dự án sẽ giúp gỡ rối những vấn đề này như đảm bảo rằng một con đường vừa mới xây dựng sẽ không bị đào lên để lắp cáp điện thoại hoặc đường ống dẫn khí đốt.
Kế hoạch dự kiến sẽ mô hình hóa các dự án cơ sở hạ tầng theo những gì châu Âu đã làm sau Chiến tranh thế giới thứ hai hoặc những gì Trung Quốc đã làm từ năm 1980 đến năm 2010 để nâng cao “chỉ số cạnh tranh” của quốc gia. Theo Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, “Cơ sở hạ tầng chất lượng là chìa khóa để khởi động một số hoạt động kinh tế và tạo việc làm trên quy mô lớn. Nếu không có cơ sở hạ tầng hiện đại, sự phát triển toàn diện không thể xảy ra ở Ấn Độ ”.
Một số lượng lớn Iphone 14 sẽ được sản xuất tại Ấn Độ
Apple hiện có kế hoạch bắt đầu sản xuất iPhone 14 ở Ấn Độ chỉ hai tháng sau khi những sản phẩm đầu tiên được sản xuất tại Trung Quốc lên kệ. Trước đó, các nhà máy tại đây chỉ sản xuất các mẫu máy đời cũ hơn. Trong khi đó, Samsung đã mở nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới tại quốc gia này vào năm 2018. Ola Electric Mobility Pvt thì cam kết xây dựng nhà máy sản xuất xe máy điện lớn nhất thế giới tại nền kinh tế số 3 châu Á.
Chính phủ Ấn Độ hiện cũng đang sử dụng cổng thông tin Gati Shakti để xác định những lỗ hổng về cơ sở hạ tầng trong kết nối chặng cuối và chặng đầu tiên. Muc tiêu là tập trung hơn nữa vào kho bãi hiện đại, số hóa quy trình, nhân lực có tay nghề cao và giảm chi phí hậu cần để “Đối với bất kỳ nhà sản xuất nào, việc chọn Ấn Độ làm điểm đến sản xuất sẽ là một quyết định hàng đầu” ông Amrit Lal Meena cho biết.
Nguồn: [Link nguồn]
Sau 10 tháng đi vào hoạt động thương mại, tàu Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) đã vận chuyển được hơn 5,4 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt hơn 46 tỷ đồng, bình quân mỗi tháng...