Ám ảnh bóng ma đa cấp thời 4.0: Người dân đòi lại tiền đầu tư bị lừa thế nào?
Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty Luật Hà Nội Tinh Hoa cho rằng, khi người dân dính vào các mô hình đa cấp như Tập đoàn Gold Time nên làm đơn trình báo với cơ quan công an.
Sau 2 năm hoạt động, Tập đoàn Gold Time đã huy động được 900 tỷ đồng từ 360 nghìn người dân
Theo Luật sư Lực, việc trình báo sẽ giúp người dân được cơ quan chức năng xác định là người bị hại trong vụ việc. Khi vụ án được khởi tố và ra tòa án xét xử, trong trường hợp tòa phán quyết Tập đoàn Gold Time phải bồi thường quyền lợi dân sự. Cụ thể, hoàn trả lại tiền cho những người tham gia, thì cơ quan thi hành án sẽ thực hiện thu hồi số tiền đó lại để trả lại cho người bị hại.
“Những người có đơn trình báo sẽ được hưởng bồi thường đầu tiên. Còn đối với những người tham gia đầu tư, nhưng không trình báo, cơ quan chức năng sẽ không đưa họ vào với tư cách là người bị hại và không được lại tiền cho dù họ có phản ánh tiếp sau đó. Trong trường hợp này, người dân cần tuân theo các quy định của pháp luật để đòi lại quyền lợi, không nên nghe theo những lời dụ dỗ, hứa hẹn cảm tính của các đối tượng, bởi công ty đa cấp đã bị khởi tố sẽ không còn giải pháp nào để thương lượng được nữa ”, Luật sư Lực khuyến cáo.
Liên quan đến việc Tập đoàn Gold Time không kinh doanh bất cứ sản phẩm gì nhưng vẫn được Hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu TP Hà Nội trao giải thưởng “Sao vàng thương hiệu Việt – Doanh nhân vì sự phát triển của đất nước năm 2019”, Luật sư Lực cho rằng, Bộ Nội vụ và các cơ quan chức năng cần vào cuộc thanh, kiểm tra đơn vị này có đủ điều kiện trao giải thưởng hay không, đồng thời siết chặt lại các quy định về các giải thưởng.
Theo Luật sư Lực, từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 51/2010/QĐ-TTg về việc ban hành quy chế quản lý tổ chức xét tôn vinh danh hiệu, trao giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp. Trong đó nghiêm cấm việc “huy động kinh phí dưới các hình thức đối với cá nhân, tổ chức trong danh sách tham gia bình chọn xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng”, và cấm “tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép”.
Các cơ quan, đơn vị được tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng phải là “cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp của doanh nghiệp có hệ thống tổ chức từ Trung ương đến cấp tỉnh.
Trong trường hợp Tập đoàn Gold Time sử dụng danh hiệu này để đưa ra những thông tin sai sự thật, dụ dỗ người dân tham gia đầu tư để chiếm đoạt tài sản, cơ quan chức năng có thể xác định trách nhiệm của đơn vị cấp và truy tố Gold Time về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi tố vụ án “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (theo điều 290 Bộ Luật hình sự) xảy ra tại Tập đoàn Gold Time, đồng thời khởi tố bị can đối với một số lãnh đạo chủ chốt của công ty này. Theo cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an, sau khoảng 2 năm hoạt động, Gold Time đã huy động được số tiền khoảng 900 tỷ đồng từ hệ thống hơn 360 nghìn người tham gia. Số tiền này các đối tượng đã dùng để nuôi bộ máy, chia hoa hồng, chi cổ tức hàng tháng cho người tham gia và mua bất động sản. Hiện, cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an cũng đang kêu gọi những người dân là bị hại của Gold Time làm đơn trình báo đến cơ quan này. |
Bên cạnh đầu tư forex, hàng loạt ứng dụng mua sắm, tích điểm liên tục được ra mắt, với những lời quảng cáo đầy...
Nguồn: [Link nguồn]