680.000 tỷ đồng cải cách tiền lương: Tiền sẵn trong kho bạc, chi dần trong 2 năm

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Khoản tiền để dành 680.000 tỷ đồng cho cải cách tiền lương hiện nằm tại Kho bạc Nhà nước và sẽ được chi dần trong giai đoạn 2024-2026. Công chức, viên chức (hưởng lương từ ngân sách Nhà nước), lực lượng vũ trang (công an, quân đội) là đối tượng chính được thụ hưởng nguồn tiền lương này.

Đã sẵn tiền ở Kho bạc Nhà nước

Thực hiện lộ trình cải cách tiền lương, từ ngày 1/7, lương cơ sở tăng 30%, tương đương từ mức 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng. Bộ Tài chính cho biết, hiện nay ngân sách đã để dành được 680.000 tỷ đồng cho cải cách tiền lương.

Ngày 10/7, trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo Cục Quản lý Ngân quỹ - Kho bạc Nhà nước cho biết, số tiền cải cách tiền lương này nằm trong tồn quỹ của từng cấp ngân sách (ngân sách cấp huyện, tỉnh, Trung ương - PV). Phần tiền dùng cải cách tiền lương của địa phương sẽ nằm trong tồn quỹ ngân sách địa phương, của bộ ngành Trung ương nằm ở Trung ương. Từ năm 2019, mỗi năm ngân sách Nhà nước dành một phần cho chương trình cải cách tiền lương.

“Kho bạc Nhà nước quản lý tiền ngân quỹ, trong đó có khoản tiền chi cải cách tiền lương. Khi có quyết định, hồ sơ, chứng từ chi cải cách tiền lương của các đơn vị gửi sang, Kho bạc Nhà nước thanh toán theo yêu cầu”, lãnh đạo Cục Quản lý Ngân quỹ cho biết.

Theo vị đại diện, tiền ngân quỹ nhà nước được gửi tại ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm cổ phần chi phối. Các ngân hàng trong danh sách nhận tiền gửi ngân quỹ nhà nước phải đáp ứng tiêu chí của Bộ Tài chính, được Ngân hàng Nhà nước đánh giá đáp ứng an toàn vốn và phải tham gia đấu thầu về lãi suất.

Dự kiến, khoản tiền 680.000 tỷ đồng sẽ chi cải cách tiền lương cả giai đoạn 2024 -2026. Tại dự toán công khai ngân sách năm 2024, Bộ Tài chính cho biết, tổng chi ngân sách 2,119 triệu tỷ đồng, trong đó riêng chi cải cách tiền lương và điều chỉnh tiền lương, một số chế độ trợ cấp, phụ cấp, chính sách an sinh xã hội 74.048 tỷ đồng.

Khoản tiền 680.000 tỷ đồng cho cải cách tiền lương do Kho bạc Nhà nước quản lý và được gửi ở các ngân hàng thương mại quốc doanh. Ảnh minh họa: NY.

Khoản tiền 680.000 tỷ đồng cho cải cách tiền lương do Kho bạc Nhà nước quản lý và được gửi ở các ngân hàng thương mại quốc doanh. Ảnh minh họa: NY.

Tại dự thảo thông tư hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, Bộ Tài chính hướng dẫn dự toán nguồn cải cách tiền lương và kinh phí điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công năm 2025.

“Các bộ, cơ quan căn cứ vào nhiệm vụ, chức năng được giao thực hiện lập dự toán chi cho nguồn kinh phí điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công,”, dự thảo của Bộ Tài chính nêu.

Đối tượng nào được thụ hưởng chính sách cải cách tiền lương?

Các đối tượng được thụ hưởng nhiều nhất của chính sách cải cách tiền lương bao gồm: Công chức, viên chức (hưởng lương từ ngân sách Nhà nước), lực lượng vũ trang trong toàn hệ thống chính trị.

Để hướng dẫn thực hiện chi trả tiền lương mới, Bộ Nội vụ cũng vừa ban hành Thông tư 07/2024/TT-BNV hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở đối với các đối tượng hưởng lương, phụ cấp trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và hội.

Theo đó, mức lương thực hiện từ ngày 1/7/2024 sẽ bằng mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng nhân với hệ số lương hiện hưởng. Mức phụ cấp thực hiện từ ngày 1/7, đối với các khoản phụ cấp tính theo mức lương cơ sở được tính bằng mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng nhân với hệ số phụ cấp hiện hưởng.

Đối với các khoản phụ cấp tính theo % mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) được tính bằng tổng mức lương, mức phụ cấp chức chức vụ lãnh đạo, mức phụ cấp thâm niên vượt khung thực hiện từ ngày 1/7/2024 (nếu có) nhân với tỷ lệ % phụ cấp được hưởng theo quy định.

Các khoản phụ cấp quy định bằng mức tiền cụ thể thì giữ nguyên theo quy định hiện hành. Mức tiền của hệ số chênh lệch bảo lưu thực hiện từ ngày 1/7 bằng mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng nhân với hệ số chênh lệch bảo lưu hiện hưởng (nếu có).

Thông tư áp dụng đối với các nhóm đối tượng, gồm: Cán bộ, công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước làm việc trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương; ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; ở đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Nhóm viên chức hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật (bao gồm cả trường hợp quy định tại khoản 19 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019)…

Với công chức, mức lương cao nhất dành cho chuyên gia cao cấp với mức 23,4 triệu đồng/người/tháng.

Đối với lực lượng vũ trang, mức lương cao nhất dành cho quân hàm Đại tướng với mức 24,336 triệu đồng/người/tháng.

Nguồn: [Link nguồn]

Chính phủ đã dành khoảng 680.000 tỷ đồng để cải cách tiền lương từ ngày 1/7. Sau khi tăng lương cơ sở 30%, công chức hưởng lương cao nhất ở mức 23,4 triệu đồng/người/tháng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Nga ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN