6 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng TPHCM tăng 9,3%
“Sáu tháng đầu năm dư nợ tín dụng trên địa bàn TPHCM tăng trưởng 9,3% so với cuối năm 2021, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây” – ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM cho biết.
Ngày 25/6, chia sẻ với báo Tiền Phong, ông Nguyễn Đức Lệnh cho rằng, 6 tháng đầu năm 2022, nền kinh tế đất nước nói chung và kinh tế TPHCM nói riêng đã phục hồi, tăng trưởng sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát. Sự phục hồi và tăng trưởng diễn ra trong bối cảnh tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro bất thường và khó lường: cơ hội và thách thức đan xen.
“Riêng TPHCM, 6 tháng đầu năm tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng khoảng 3,82%, từ mức xuất phát tăng trưởng âm vào cuối năm 2021. Đây là kết quả quan trọng, phản ánh sự phục hồi và tăng trưởng tích cực của kinh tế thành phố, đồng thời phản ánh hiệu quả của chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ, của UBND thành phố và cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ” – ông Lệnh nói.
Sáu tháng đầu năm dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố tăng trưởng 9,3% so với cuối năm 2021
Cụ thể, 6 tháng đầu năm dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố tăng trưởng 9,3% so với cuối năm 2021, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đó là sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế thành phố, của doanh nghiệp (DN) trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế, sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Trong đó, lĩnh vực thương mại dịch vụ có mức tăng trưởng cao nhất, tăng 4,83%, phản ánh đúng xu hướng phục hồi cũng như những lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất từ dịch bệnh.
Ngành NH thành phố đang tiếp tục cơ cấu lại nợ cho DN, miễn giảm lãi suất và cho vay mới với lãi suất thấp để DN phục hồi và tăng trưởng. Đến nay dư nợ hỗ trợ cho DN đạt 563.000 tỷ đồng cho gần 1,3 triệu khách hàng; cho vay ngắn hạn tiền đồng với lãi suất thấp đối với 5 nhóm ngành: DN nhỏ và vừa, xuất khẩu; nông nghiệp và phát triển nông thôn; công nghiệp hỗ trợ và DN ứng dụng công nghệ cao đạt 202.000 tỷ đồng cho hơn 35.000 khách hàng. Đây là chương trình mang lại hiệu quả thiết thực cho DN, cho các nhóm ngành lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế, bởi lãi suất cho vay thấp và hiệu quả tín dụng mang lại rất cao cho cả ngân hàng và DN.
Cũng theo ông Lệnh, chương trình kết nối NH-DN trong 6 tháng đầu năm đã giải ngân cho vay gần 100.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ngành NH thành phố còn phối hợp với các sở ngành, quận huyện tổ chức các chương trình kết nối chuyên đề để thông tin cho DN về cơ chế chính sách; về lĩnh vực du lịch dịch vụ; lĩnh vực xuất nhập khẩu và các DN trong KCN-KCX.
Liên quan đến việc hỗ trợ 2% lãi suất cho DN theo gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng từ Nghị quyết 11 và Nghị định 31 của Chính phủ để tạo điều kiện cho DN, hợp tác xã và hộ kinh doanh phục hồi kinh tế sau dịch bệnh COVID-19, ông Nguyễn Đức Lệnh thông tin, các NH đang triển khai. “Việc tiếp cận tốt chính sách và phát huy hiệu quả chính sách cùng với sự năng động, sáng tạo của DN và trách nhiệm sử dụng vốn vay hiệu quả từ DN sẽ là những yếu tố quan trọng góp phần cùng ngành NH thành phố đưa cơ chế chính sách hỗ trợ của Chính phủ và ngân hàng trung ương đi vào thực tế cuộc sống có hiệu quả trong thời gian tới” – ông Lệnh cho biết.
Trước khi bị BIDV rao bán khối nợ hơn 4.800 tỷ, doanh nghiệp này cũng từng bị ngân hàng MSB thu hồi hàng trăm biệt thự để xử lý nợ xấu.
Nguồn: [Link nguồn]